Nhiều năm qua, lớp học tình thương của cô Liêu Thị Mỹ Hiếu, thường gọi là cô Uyên, tại phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, vẫn hay được báo chí nhắc đến vì tấm lòng bao la của cô giáo với những trẻ có hoàn cảnh khó khăn. “Cô rất thương yêu chúng con. Con sẽ cố gắng học cho biết chữ, biết tính toán để sau này có việc làm nuôi gia đình”, những lời chia sẻ của em Lâm Trương Như Quỳnh, học sinh trong lớp cô Uyên, giúp chúng tôi cảm nhận được tình thương của cô với học trò nghèo.
Cô Uyên dạy trẻ cách làm móc khóa.
Chiều muộn, tại con hẻm nhỏ trên đường Mạc Đĩnh Chi, những em nhỏ đeo cặp sách lần lượt đến nhà cô Uyên. Khoảng 18 giờ, bà con địa phương đã nghe văng vẳng tiếng đọc bài của trẻ. Lớp học tình thương của cô Uyên nằm trên gác lửng của căn nhà cấp 4, đơn sơ với 2 dãy bàn và 1 tấm bảng trắng. Lớp học được mở đã nhiều năm. Hiện tại, có khoảng 20 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 8. Lớp học khá “đặc biệt” bởi đa dạng lứa tuổi học sinh, chương trình học… Song, điểm chung là các em đều có hoàn cảnh khó khăn: mồ côi, bán vé số dạo, bán hàng rong, cha mẹ là lao động nghèo… Cô Uyên cho biết: “Trong số các em học lớp này, có 10 em không được đến trường. Mỗi em một hoàn cảnh, có em bị ba mẹ bỏ, phải ở với ông bà, em khác thì không có khai sinh...”.
Đơn cử như trường hợp của em Nguyễn Thị Hồng Nhi (15 tuổi) không được đi học do hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa. Hằng ngày, em cùng bà đi bộ khoảng 2 cây số đến lớp học tình thương. Ròng rã suốt 7 năm, từ cô bé chưa biết mặt chữ, nay Nhi đã học đến chương trình lớp 5. Hồng Nhi tâm sự: “Mỗi ngày, bà con dẫn con đi học. Ở lớp của cô Uyên, con cảm thấy ấm áp như gia đình, bởi cô không chỉ dạy chữ, mà còn dạy điều hay, lẽ phải”. Hai chị em Lâm Trương Như Ngân (12 tuổi) và Lâm Trương Như Quỳnh (10 tuổi) cũng thuộc diện khó khăn, theo lớp học được 3 năm, hiện đang cùng học chương trình lớp 2. Như Quỳnh chia sẻ: “Giờ con đã biết chữ, biết làm toán cộng, trừ, nhân, chia. Con sẽ cố gắng học tốt để sau này có việc làm nuôi gia đình”.
Chia sẻ lý do mở lớp học tình thương này, cô Uyên cho biết khi học lớp 6, cha của cô bệnh nặng rồi qua đời, mẹ tảo tần nuôi chị em cô ăn học. Tới năm lớp 8, cô phải thôi học đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Đến mấy năm sau cô mới có điều kiện theo học bổ túc văn hóa. Năm 18 tuổi, khi tham gia các hoạt động phong trào tình nguyện cho thiếu nhi, cô được giao nhiệm vụ giảng dạy các lớp học tình thương, lớp xóa mù chữ do địa phương tổ chức. “Ban đầu, gia đình không đồng ý cho tôi tham gia vì lúc đó quá khó khăn, phần vì sợ tôi không đủ kiến thức để đứng lớp. Nhưng được các anh chị cán bộ phường động viên, tôi cố gắng và từ đó gắn bó với việc dạy chữ cho trẻ em nghèo”, cô Uyên trải lòng.
Sau thời gian vừa dạy, vừa theo học các lớp bổ túc, nghiệp vụ sư phạm, cô Uyên được phân công dạy phổ cập tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Ninh Kiều). Thời gian này, cô vẫn duy trì lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo. Địa phương đã mượn cơ sở vật chất ở chùa để giúp cô có chỗ dạy học cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, cô di dời lớp học về gác lửng nhà mình. Để duy trì lớp học, ngoài chi phí do gia đình đóng góp, cô Uyên còn vận động các nhà hảo tâm tặng thêm tập sách cho học sinh, làm móc khóa bán tạo thêm nguồn thu. Ngoài dạy chữ, cô còn dạy các em cách làm móc khóa để tự kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nếu có nhà hảo tâm hỗ trợ thêm, thì tiền bán móc khóa sẽ được để dành mua sắm quà Tết cho các em hoặc tới hè cô trò cùng đi du lịch. Cô Uyên tâm tình: “Dạy lớp bình thường đã khó, dạy lớp học tình thương càng khó hơn, đòi hỏi người thầy dạy bằng cả trái tim của mình. Tôi không chỉ dạy chữ, mà còn dạy các em cách làm người, sống thiện lành”.
Điểm đặc biệt ở lớp học tình thương của cô Uyên là bên cạnh những em không có điều kiện đến trường, có cả những em đang đi học ở trường, tranh thủ đến lớp để được cô giáo kèm những môn học còn yếu. Không chỉ học kiến thức, các em còn được cô chỉ dạy cách đối nhân xử thế, yêu thương và biết ơn gia đình, cha mẹ… Mỗi tháng, cô Uyên tổ chức họp lớp một lần để bình chọn những em ngoan, chịu khó học hành. Phần thưởng thường là sữa, kem đánh răng hoặc xà bông... Phần thưởng tuy nhỏ nhưng là động lực để các em phấn đấu vươn lên. Cô Uyên cũng cho biết rất vui vì lớp học tình thương nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhà hảo tâm và cả các em sinh viên đến hỗ trợ dạy học. Bạn Bảo Trâm, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tình nguyện viên ở lớp học tình thương, tâm sự: “Tôi rất cảm phục với tình thương yêu học trò của cô Uyên và mong muốn được chia sẻ niềm vui học tập với các em nhỏ ở đây”.
Ông Nguyễn Ngọc Dều, nguyên Chủ tịch UBND phường An Cư (năm 1987-1990), cho biết khi xưa cô Uyên là một đoàn viên ưu tú, năng nổ, tích cực ở địa phương. Khi đó, việc dạy phổ cập ở phường được giao cho một thầy giáo phụ trách và huy động giáo viên, những người có năng khiếu, có trình độ tới dạy. Cô Uyên rất tâm huyết, nhiệt tình. “Sau này, khi cô Uyên đi làm từ thiện nhiều hơn thì mở lớp học tình thương dạy trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đến khi tôi nghỉ công tác, cô Uyên vẫn kiên trì hoạt động và là người tích cực với công tác từ thiện của địa phương. Việc làm của cô Uyên xứng đáng được nêu gương”, ông Dều nói thêm.
Trong những năm tháng dạy lớp tình thương, cô Uyên không nhớ mình đã dạy bao nhiêu học trò, nhưng nhiều người trong số đó đã trưởng thành nên người, có người học đại học rồi làm kế toán, người thì trở thành giáo viên mầm non, người làm thư ký cho công ty ở TP Hồ Chí Minh... 60 tuổi đời và hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Uyên có tâm nguyện sẽ tiếp tục duy trì lớp học để trao nụ cười, trao tình thương đến trẻ khó khăn. Cô Uyên tâm tình: “Thuở nhỏ, tôi mơ ước làm công nhân nhưng duyên lành giúp tôi đến với nghề dạy học. Hơn 40 năm, dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong quá trình đó lại có rất nhiều niềm vui, đó là những khi được tâm sự, chia sẻ với các em về cuộc sống, nhìn thấy các em trưởng thành, sống có ích”.