09/11/2010 - 21:15

Tình thương của cô đã giúp các em hòa nhập

Nhờ sự tận tình của cô Phương mà học trò luôn phấn đấu, tiến bộ trong học tập, TKT được hòa nhập với cộng đồng.

Là một giáo viên (GV) ở vùng sâu của huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, đến nay cô Huỳnh Linh Phương, giáo viên phụ trách dạy lớp 1 ở Trường Tiểu học Tân Long Hội A, đã có hơn 26 năm dành trọn tình yêu thương để chăm bồi cho các học trò nhỏ của mình. Đáng trân trọng là cô đã xây dựng được vòng tay bè bạn để các em biết cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ trẻ khuyết tật (TKT) trong sinh hoạt, học tập và hòa nhập với cộng đồng.

Qua lời kể của cô Phan Thị Bé, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long Hội A: Từ đầu năm học 2006 – 2007, huyện Mang Thít được chọn làm thí điểm thực hiện dự án dạy hòa nhập TKT, cô Phương là một trong những GV đầu tiên của trường đảm nhiệm đào tạo TKT hòa nhập với cộng đồng. Trong năm học này, cô Phương đã nhận dạy hòa nhập cho em Trương Khánh Nguyên. Đây là trường hợp trẻ đa tật do bị sốt bại não, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự trợ giúp của người thân. Em Nguyên còn gặp khó khăn trong ngôn ngữ, để nói được em phải gồng cả cơ thể mới cất lên thành lời một cách khó nhọc... Đây là một thử thách không nhỏ với cô Phương.

Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, thương trẻ như người thân, cô Phương tìm mọi cách giúp đỡ và tìm hiểu mặt mạnh yếu của từng trẻ để có phương pháp giảng dạy riêng. Đồng thời, trao đổi với phụ huynh về thời gian nghỉ ngơi của trẻ để giúp các em vận động phù hợp. Điều quan trọng nhất là xây dựng được vòng tay bè bạn giúp TKT hòa đồng với bạn bè và xóa đi mặc cảm bản thân... Để làm được điều này, đầu tiên, cô giải thích cho học sinh trong lớp hiểu rõ về ý nghĩa của mối quan hệ thân thiện với bạn trong lớp, cần phải gần gũi và giúp đỡ lẫn nhau... Trước hết, cô cho em Nguyên chọn bạn mà em thích nhất để xếp chỗ ngồi gần và phân công mỗi bạn giúp Nguyên một việc như: hỗ trợ trên đường đi học và lúc ra về; lấy dụng cụ học tập (soạn tập, viết...); giúp lau mồ hôi và nước miếng khi nhểu; giờ chơi cùng nhau tập đi lần từ bàn này đến bàn khác... Nguyên cầm bút rất khó khăn, bước đầu, cô cho em viết theo kích cỡ tự do và viết thoải mái theo tư thế rồi từ từ chỉnh dần. Đầu tiên, Nguyên chỉ đọc được âm L, H... cô đã dạy theo phương pháp nâng dần các phụ âm và thường xuyên khích lệ học trò phát biểu để em phát triển về ngôn ngữ... Cùng với sự nỗ lực của bản thân, theo thời gian em Nguyên đã tiến bộ rõ rệt: ngồi không bị ngã, có thể tự lau mồ hôi và nước miếng khi nhểu, đọc bài tương đối rõ hơn... Đặc biệt, em có thể tự đi lại trên đôi chân của mình và sống hòa nhập vui tươi.

Chị Võ Thị Sang, mẹ của cháu Khánh Nguyên, kể lại: “Lúc đầu đưa con đến trường nhưng tôi rất lo vì đứa con mình đang ẵm trên tay, ngay cả ngồi không vững, nước miếng lại không ngừng nhểu, tay phải lại bị liệt, mọi cử động rất khó khăn... rồi đây con có bị bạn bè cười chê, xa lánh, liệu con có tiếp thu bài vở được không...? Bao nhiêu câu hỏi cứ quẩn quanh theo tôi mãi... và tôi đã đứng chờ con suốt ngoài cổng cho đến lúc tan trường... Nhưng khi đến lớp, con tôi được cô Phương và bạn bè cháu tận tình giúp đỡ, theo thời gian thấy con đã dần tiến bộ nên tôi rất an tâm...”.

“Những năm trước đây, do chưa nắm được kỹ năng, phương pháp dạy TKT nên GV rất lúng túng khi tiếp nhận những trường hợp này. Về phía gia đình các em do mặc cảm, không dám đưa con đến trường,... nhưng giờ đây, TKT được sống hòa nhập, hằng ngày các em mong được đến trường để vui đùa với bạn bè, trò chuyện cùng thầy cô...” - cô Phan Thị Bé, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long Hội A, cho biết thêm.

Những năm tiếp theo, cô Phương liên tục nhận dạy hòa nhập cho các trường hợp TKT khác nhau. Mặc dù đã tự tin hơn nhưng đôi khi cô vẫn còn chút lo ngại vì không chỉ trẻ chậm phát triển trí tuệ và bao gồm khó khăn về ngôn ngữ... mà cả những trường hợp gia đình thiếu quan tâm, bản thân các cháu lại thụ động, ít giao tiếp. Điều trăn trở nhất của cô là làm thế nào để học trò của mình biết đọc, biết viết để có thể giao tiếp với bạn bè và xã hội? Với những suy nghĩ này, cô quyết tâm tìm biện pháp giúp đỡ TKT bằng cách tạo vòng tay bè bạn, phân công mỗi bạn một việc để giúp đỡ TKT. Trong mỗi tiết dạy, cô đề ra mục tiêu là làm đồ dùng dạy học dành riêng để TKT tự khám phá kiến thức qua khả năng hiểu biết của mình. Bên cạnh đó, cô tạo điều kiện để TKT hòa nhập với bạn qua hoạt động nhóm, các bạn cùng nhau giúp TKT tham gia dù là việc nhỏ. Từ sự nỗ lực của tập thể lớp mà những TKT thụ động, chậm phát triển trí tuệ... được học hành tiến bộ, sống hòa đồng cùng các bạn, biết vươn lên trong học tập và giúp đỡ bạn khi gặp khó khăn.

Như trường hợp của em Phan Hoàng Nhật Duy chậm phát triển trí tuệ (mau quên) và gặp khó khăn về ngôn ngữ (phát âm rất khó nghe), đi vệ sinh lúc nào không biết... Cô Phương đã tìm cách giúp em phục vụ tốt bản thân, hằng ngày cô tập Nhật Duy sắp xếp dụng cụ học tập, hướng dẫn em sửa sang quần áo gọn gàng sạch đẹp. Việc học tập của Nhật Duy tiến bộ hơn cũng nhờ vòng tay bè bạn hỗ trợ... Qua thời gian, Nhật Duy đã nắm được các âm vần và các dấu thanh, thực hiện được phép toán cộng trong phạm vi 10. Đặc biệt là em có hiểu biết để phục vụ tốt cho bản thân.

Với mỗi sự tiến bộ của các em dù rất nhỏ cũng đủ làm cho cô Phương thấy ấm lòng và phấn khởi hơn. Bản thân học trò từng được cô Phương dìu dắt đến nay đã lớn nhưng vẫn không quên ngày đầu tiên chập chững đến trường được cô quan tâm, chăm sóc, yêu thương và kiên nhẫn dạy cho các em làm quen với từng con số, câu chữ, biết cách phục vụ tốt cho bản thân và sống hòa nhập với cộng đồng. Ngoài Khánh Nguyên, Nhật Duy, hằng năm cô Phương đều tiếp nhận dạy hòa nhập nhiều TKT khác nhau, hầu hết các em đều có tiến bộ trong học tập, sống hòa nhập tốt hơn và rất yêu quý cô Phương.

Thầy Hứa Minh Tâm, Hiệu phó Trường Nuôi dạy TKT Vĩnh Long , cho biết: “Từng được tiếp xúc với cô Phương khi thực hiện dự án dạy hòa nhập TKT, tôi tin tưởng vào sự kiên trì, nhẫn nại và lòng yêu thương trẻ của cô Phương. Sự quan tâm của cô đối với học trò là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng vòng tay bè bạn và xóa đi cảm giác bị bỏ rơi của TKT... Từ khi có chương trình dạy hòa nhập TKT, các em không còn mặc cảm khi giao tiếp với mọi người. GV dạy trẻ phát triển theo khả năng và kỹ năng của từng em, giúp trẻ phát huy những ưu điểm của mình, giúp nhà trường, gia đình hiểu rõ mặt mạnh, yếu của từng em và qua sự động viên của tập thể giúp trẻ tự tin hơn, sống tốt hơn...”.

Bài, ảnh: PHAN MINH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết