Truyện ngắn: NGỌC CHIỂU
Mỗi lần đi tiệm mua đường, mua muối về cho má kho cá nấu canh là tôi như bị cực hình vậy. Bởi lẽ đoạn đường dù không xa nhưng phải ngang qua cái nghĩa địa có hàng chục ngôi mộ đất. Nhất là khi trời chiều vừa ngả, không gian u tịch làm tóc gáy tôi cứ dựng ngược. Tôi chạy xé gió, mắt nhắm, mắt mở; cũng không ít lần đã lộn mèo xuống mương, ướt mem quần áo. Về đến nhà, tôi chìa bịch đường kèm ít tiền thối lại cho má, nói trong tiếng thở gấp:
- Con sợ quá má ơi, mai mốt má đừng biểu con đi tiệm nữa...
Má nhìn tôi, với tay đón lấy bịch đường, mở ra rắc đều vô nồi cá kho vừa kịp sắc nước.
- Trời còn sáng mà, đàn ông con trai gì nhát cáy. Hổng biết giống ai nữa. Thôi ra vườn kêu tía vô ăn cơm.
Cái cách kết thúc quen thuộc đó của má khiến tôi biết ngay không nên nói tiếp. Buông thõng hai tay, tôi xụi lơ lê đôi dép mòn như lưỡi lam ra cửa thì chạm mặt nhỏ Cúc. Thấy tôi, nó toét miệng cười.
- Ra vườn chơi đi, tụi nó đang chờ đó.
Dù lòng đang héo queo, khuôn mặt rạng rỡ của nhỏ Cúc làm tôi tỉnh tuồng. Hổng phải chuyện chi to tát mà do cái má lúm đồng tiền của nó duyên ác chiến. Bất giác tôi đưa tay gãi đầu như có chí.
- Đợi tao một lát, ăn cơm xong tao ra liền.
***
Chiều nào bọn tôi cũng kéo nhau ra sau vườn nhà nội chơi trò đóng phim vừa coi hồi trưa cho "nóng". Hôm nay đóng giả thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Thằng Nhịn mặt mũi hiền lành nên vào vai ông thầy, thằng Tình tròn trĩnh như hột mít thì làm Bát Giới, chị em con Cúc giả hai con yêu quái âm mưu ăn thịt Đường Tăng. Vai Tề Thiên thì tôi và thằng Nhường phải oẳn tù xì ba bốn phát liền mới phân thắng bại. Tôi thua nên ngao ngán vác nhánh bình bát lên vai, đưa tay nắm hai bịch nylon đựng đầy lá khô giả làm Sa Tăng gánh hành lý. Thằng Nhường khoái chí quơ cây trúc loạn xà ngầu. Chơi một hồi nhập vai, thằng Nhường nhảy nhót lung tung rồi cao hứng tót lên cây dừa bị sét đánh nằm vắt vẻo ngang cây xoài đại thụ. Không biết nhảy nhót kiểu gì, mà tôi nghe nó rơi đánh phịch xuống đất như bịch muối, nằm ôm chân kêu đau. Cả bọn đang hốt hoảng thì có một ông già ở đâu xuất hiện với mái tóc lòa xòa tận ngực, trắng muốt.
|
Nhìn ông, tự dưng tôi nhớ đến lời má về mấy người chuyên bắt cóc con nít, nên hô lên và co giò bỏ chạy thục mạng khiến mấy đứa kia chưa hiểu ra chuyện gì cũng lúp xúp theo sau. Thằng Nhường thấy tụi tôi tự dưng bỏ đi, nó hét: Đừng bỏ tao mà! Tiếng kêu của nó làm tôi cũng xót ruột. Quay đầu nhìn lại phía sau, tôi thấy ông già ngồi cạnh thằng nhỏ, đưa tay so so nắn nắn gì đó không rõ. Nom mặt mũi thằng Nhường đau đớn ghê lắm, nó la muốn banh nóc nhà, làm chân đứa nào cũng co lên rồi duỗi ra hết cỡ phóng vèo như bay. Chưa đến nhà, tôi hớt ha hớt hải gọi má nhưng nói không ra hơi, mặt mày xanh mét. Má tôi trong nhà bước vội ra. Nhỏ Cúc kịp lấy lại bình tĩnh, kể rành cho má tôi nghe. Đương nhiên là má dẫn tụi tôi chạy nhanh ra "hiện trường". Chạy được một đoạn thấy thằng Nhường chống gậy cà nhắc hướng về bọn tôi, vừa chạm mặt đã trách "Tụi mày bạn tốt quá he. Bỏ tao một mình". "Chân con sao rồi, có đau lắm không?" - má giải vây cho tụi tôi. Thằng Nhường ngó má tôi mà nước mắt rưng rưng: "Chân con bị trẹo, cũng may có người giúp nên con mới lết vô được tới đây".
Tụi tôi đứa bá vai, đứa nắm tay dắt nó về. Nhìn nó lúc này khiến tôi liên tưởng đến ông Bảy bộ đội. Chân ông bị mảnh bom văng trúng mấy chục năm nay nên hay đau nhức. Hôm nào không thấy ông sang rủ nội tôi đánh cờ là y như rằng tối đó trời trở gió, cái chân trở chứng. Tôi hay ngó nghiêng cái chân ông Bảy mà thầm thán phục sức chịu đựng của ông quá chừng. Ai đâu như thằng Nhường, ngót hơn tuần lễ không thể ra khỏi giường, tôi đã cố tình mang cái ná thun mình thích nhất sang thăm bệnh mà nó còn chưa hết giận vụ tụi tôi bỏ nó lại để đi cầu cứu. Cả bọn phải chép bài cả tuần nó nghỉ học, nó còn chưa ưng bụng.
***
Men theo lối mòn sau khi tan học, tình cờ tôi gặp lại ông già hôm nọ đang ngồi thả câu bên đìa bông súng. Tôi không dám đến gần chỉ lúp ló đằng xa nhìn ông thong thả bỏ mồi, ông ngồi bất động cho đến khi dây câu giật giật, con cá rô mề to đùng phát ham chòi lên mặt nước. Chợt ông hướng mắt về phía tôi rồi bước tới. Tôi sợ hãi chạy thục mạng. Về đến nhà tôi múc gàu nước mưa uống ừng ực, xong tôi chạy vô chái bếp ôm má thở gấp, trán đầy mồ hôi:
- Má ơi má, hôm nay con gặp lại ông hôm trước sửa chân cho thằng Nhường. Ông câu cá ở đìa bông súng sau nhà mình.
Má nói tỉnh khô:
- Tại con không biết, chứ ông mới về đây sống cùng ông Bảy. Ông hiền lắm, mấy đứa không được gặp ông là bỏ chạy vậy nữa nghe không?
Rồi má giải thích thêm:
- Gọi ông Ba nghen con. Ông bị bệnh lảng trí, lúc nhớ lúc quên. Không biết đi đâu lạc sang làng mình hổng nhớ đường về.
***
Thằng Nhường đi lại được bình thường, tụi tôi cũng từ biệt "phim trường" với cây dừa sét đánh vì sợ có đứa té lần nữa. Chiều nay sau khi nghe tôi kể chuyện ông Ba, chúng tôi liền sang nhà ông Bảy. Nhà ông khuất sau rặng dừa nước xanh rì, gió chiều thổi nôn nao chòm lá. Mái nhà lá cũ kỹ hiện ra với bóng hai người già ngồi trên chiếc giường tre trước hiên hút thuốc, uống trà. Làn khói mờ ảo bay cuộn theo từng hơi thở, rồi vòng vèo tan biến vào hư không. Ngó thấy chúng tôi, ông Bảy ngoắc tay biểu vô chơi. Thằng Nhường lập tức chạy lại cúi đầu cảm ơn ông Ba đã chữa chân cho nó, xong tụi tôi xúm xít quanh ông hỏi về chuyện bí quyết câu cá rô mề. Cũng chẳng hiểu sao chuyện về quê hương, con cháu, ông không thể nhớ nổi mà cái vụ câu cá thì hổng lúc nào quên. Liền mấy ngày sau tụi tôi quyết chí theo ông Ba học cho bằng được cái nghề "tuyệt kỹ" ấy. Rồi tự bao giờ mái nhà lá nhỏ bên rặng dừa nước đó đã gắn bó với chúng tôi qua bao tháng năm, bao đợt mưa, nắng. Chúng tôi quên luôn mấy vụ chơi trò đóng phim, bởi lẽ mấy câu chuyện ngày xửa ngày xưa của ông Bảy về lịch sử nước mình, hay chuyện tánh nết và thói quen của tôm cá mà ông Ba kể, hấp dẫn quá chừng.
Cái ngày con cháu ông Ba xuống đón ông về quê sau bao tháng ngày tìm kiếm, cả xóm vui mừng rạng rỡ. Dù mừng cho ông Ba tìm được con cháu nhưng trong bụng chúng tôi vẫn chưa quen sự thiếu vắng ông trong mỗi buổi chiều. Tôi còn nhớ, lúc đó ông Ba xoa đầu từng đứa, rồi bá vai từ biệt ông Bảy và nội tôi, hẹn ngày gặp lại. Ông tặng cây cần câu "bảo bối" cho tôi làm quà kỷ niệm. Tôi trân trọng gác trên mái nhà chẳng dám dùng. Lâu lâu mang ra lau chùi, so dây rồi lại... cất.
Tôi biết cái viễn cảnh hội ngộ sao mông lung quá, chưa kể tuổi ông Ba đã già, biết khi nào có dịp để về đây thăm lại bạn xưa. Mà ông Ba có biết ông Bảy đã về với đất hay chưa, có nhớ đám con nít lúc nào cũng bám theo ông đi câu, nghe kể chuyện tôm cá hay không? Hay ông cũng quên rồi mọi chuyện như ông từng quên...
Chúng tôi vẫn hay đóng giả "anh hùng cờ lau" đánh trận trên đồng theo câu chuyện của ông Bảy, tiếng cười giòn lấp dần khoảng trống. Ôm bó hoa sậy, nhỏ Cúc nở nụ cười làm xao xuyến lòng tôi. Nắng vừa tắt lưng trời, mọi người quay trở về nhà bỏ mặc nhớ nhung của ruộng đồng thơm ngát. Mỗi lúc đêm đến gió hiu hiu thổi lộng bờ ao, tiếng cá đớp mòi quậy xồn xộn chao nghiêng mặt nước. Ông nội lại rao lên mấy bài vọng cổ ngọt bùi đôi lúc ai oán não nề, khiến lòng tôi lại nao nao nhớ về ván cờ, cái giỏ câu, nhớ luôn ông Ba, ông Bảy hồn hậu với những câu chuyện đồng quê bất tận...