25/01/2011 - 14:04

Tình hình Liban diễn biến phức tạp

Những người ủng hộ Hezbolla lắng nghe bài phát biểu của thủ lĩnh Nasrallah ở ngoại ô Beirut. Ảnh: AP

Hôm qua 24-1, các nghị sĩ Liban bắt đầu đàm phán về việc bầu chọn thủ tướng mới, sau khi chính phủ của Thủ tướng Saad al-Hariri sụp đổ do sự rút lui của phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah hôm 12-1.

Một ngày trước khi diễn ra các cuộc đàm phán, thủ lĩnh Hezbollah là Hassan Nasrallah tuyên bố phong trào này và các đồng minh không loại trừ bất kỳ đảng phái nào trong chính phủ mới, nếu ứng cử viên của họ giành được đa số phiếu ở Quốc hội Liban để trở thành thủ tướng. Theo hãng tin Anh Reuters, Omar Karami, chính khách thân Syrie, là ứng viên của Hezbollah, nhưng ông Nasrallah cho biết Karami đã yêu cầu tìm người khác. Theo một số nguồn tin, Hezbollah đang đưa cựu Thủ tướng Najib Mikati, một tỉ phú viễn thông, vào cuộc đua với Thủ tướng Hariri, vốn tuyên bố sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.

Để giành quyền đề cử thủ tướng, Hezbollah và các đồng minh, hiện có 57 ghế trong Quốc hội 128 ghế của Liban, cần phải có tổng cộng 64 phiếu. Liên minh của ông Hariri hiện có 60 ghế. Cuối tuần rồi, Walid Jumblatt, lãnh đạo cộng đồng thiểu số Druse, có 11 ghế, bất ngờ tuyên bố sẽ đứng về phía Hezbollah.

Lâu nay, Thủ tướng Liban thường là người Hồi giáo dòng Sunni, Chủ tịch Quốc hội là người Shiite và Tổng thống là người Cơ đốc giáo. Cộng đồng người Sunni chiếm đa số ở Liban và một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng này luôn phản đối phong trào Hezbollah của người Hồi giáo dòng Shiite. Cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng mới ở Quốc hội Liban vì vậy diễn ra rất căng thẳng. Các đối thủ của Hezbollah cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh có thể cô lập và tẩy chay Liban nếu Hezbollah thắng thế. Một nhà ngoại giao Mỹ tuyên bố trên báo Asharq Al Awsat của Arabie Séoudite hôm 24-1 rằng Mỹ đang xem xét cắt quan hệ kinh tế với Liban, nếu ứng viên của Hezbollah lên nắm quyền.

Trong khi đó, các cường quốc khu vực đã rút lại vai trò trung gian hòa giải tại Liban. Tuần rồi, Arabie Séoudite đã thông báo hủy bỏ nỗ lực trung gian hòa giải giữa Hezbollah với phe cánh của ông Hariri, đồng thời cảnh báo tương lai Liban đang nguy cấp. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng hoãn những nỗ lực trung gian tương tự ở Liban.

Nhiều người lo sợ khủng hoảng chính trị có thể dẫn tới biểu tình đường phố và bạo lực tại Liban. Theo thỏa thuận hòa bình kết thúc 15 năm nội chiến ở Liban năm 1990, Hezbollah do Iran và Syrie ủng hộ là phái chính trị duy nhất được giữ lực lượng vũ trang. Xung đột giữa Hezbollah và chính quyền Liban năm 2008 cũng đã từng đẩy nước này tới bờ vực nội chiến.

N. MINH
(Theo Reuters, THX, CNN)

Chia sẻ bài viết