14/05/2010 - 08:48

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tình cảm của bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam

Tại Hội thảo khoa học Quốc tế “ Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” do Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức trong hai ngày 12- 13/5, đã có rất nhiều bạn bè Quốc tế đến tham dự với tình cảm yêu quý và tấm lòng trân trọng, kính phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới. Đó là những nhà hoạt động chính trị- xã hội nổi tiếng, lãnh đạo các đảng cộng sản, cánh tả, các phong trào chính trị- xã hội tiến bộ, các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có một số người đã có vinh dự được trực tiếp gặp gỡ, làm việc, phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Hồ Chí Minh, người dẫn đường, biểu tượng và ngọn cờ của Việt Nam anh hùng

Trong tham luận của mình, GS.TS Raul Valdes Vivo, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Giám đốc Trưởng Đảng cao cấp Nico Lopez đã khẳng định: Cuba đã nhìn nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh như là người dẫn đường, là biểu tượng và ngọn cờ của Việt Nam anh hùng.

GS.TS Raul Valdes Vivo bày tỏ: Tôi lấy làm tiếc là do thời gian dành cho mỗi bài tham luận có hạn nên đã buộc từng đại biểu chỉ được chọn lấy một trong ba chủ đề chính đã được lựa chọn, dẫu biết rằng đem tách bạch riêng rẽ thân thế với sự nghiệp của Bác Hồ thì chẳng khác nào chỉ được ngắm một cánh hoa trong một bông hoa.

Nhớ lại những lần được gặp Bác Hồ, GS.TS Raul Valdes Vivo viết: “Trong một số dịp, tôi đã được gặp Bác Hồ và lần xúc động nhất là khi tôi đến thăm Người cùng với nhà thơ lớn của Cuba là Phêlích Pita Rôđrighết. Lần ấy, tôi có kể với Bác câu chuyện vào năm 1967, lúc tôi từ Hà Nội đi dọc bờ biển miền Trung vào sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17, tôi đã gặp các nữ thanh niên xung phong đang lấp hố bom tại đèo Mụ Giạ. Người ta lo ngại số chị em ấy có thể bị thương vong bởi lúc bấy giờ, máy bay của Hải quân Mỹ quyết tập trung đánh phá một đoạn đường dài nhưng lại hẹp. Sau khi lội qua sông Bến Hải, trở lại chính đoạn đường ấy, tôi hay tin là toán chị em ấy đều đã hy sinh và trước khi mất, họ mong thi thể mình được dùng để lấp hố bom đang cản đường xe tiến về phía Nam . Tôi thấy đôi mắt Người đẫm lệ. Nén cơn xúc động, Bác Hồ nói rằng nhân dân là cội nguồn của mọi chiến thắng, rằng người Việt Nam là vô địch, như là một Cuba ở Đông Dương! Thật vậy, Cuba muốn là một Việt Nam ở biển Caribê!”

* Hồ Chí Minh - biểu tượng của sự thanh bạch, giản dị

Chủ tịch điều hành Ủy ban Đoàn kết Ấn độ - Việt Nam Greetesh Sharma đã bày tỏ cảm xúc yêu mến, kính trọng của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam khi mở đầu bài tham luận tại Hội thảo của mình bằng câu: “ Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai tên gọi nổi tiếng và phổ biến nhất đối với nhân dân Ấn Độ”. Ông khẳng định: Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự thanh bạch và giản dị. Trở thành vị Chủ tịch của nước Việt Nam , Người vẫn giữ lối sống thanh bạch của mình. Mặc dù có cả một Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, nơi ở chính thức của Chủ tịch, Người vẫn chọn một ngôi nhà nhỏ trong khu nhà của Phủ Chủ tịch ở cho đến cuối đời. Người chỉ sử dụng Phủ Chủ tịch trong các cuộc gặp chính thức hoặc dùng cơm với các quan chức cao cấp ngoại quốc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Ghi-nê Xê-cu-tu-rê sang thăm Việt Nam. Năm 1960. Ảnh: TƯ LIỆU. 

Trong chuyến thăm Ấn Độ, Người đã từng gặp và bắt tay thân mật với người lái xe ôtô của mình và các nhân viên phục vụ trước sự bối rối của các quan chức lễ tân ngoại giao, cứ như là hành động đó của một quan chức cao cấp ngoại quốc là có trong các hướng dẫn về lễ tân ngoại giao.

Người dùng đôi dép xăngđan được làm từ lốp cũ của máy bay bị pháo phòng không bắn rơi. Đôi dép đó đã trở thành thương hiệu của sự thanh bạch giản dị của Người và của các lãnh đạo, cán bộ, trí thức. Đặc biệt, các nhà hoạt động ở Tây Bengal đã lấy nguồn cảm hứng từ Hồ Chí Minh để bắt đầu dùng dép làm từ lốp cũ.

Trong khi thực hiện các nghi thức trồng cây ở Delhi, Người đã tự tay làm tất cả trước sự ngạc nhiên tột bậc của dân chúng có mặt hôm đó. Đối với họ, không thể có một vị Chủ tịch nước nào mà lại tự mình làm hết các công việc trồng cây.

Hồ Chí Minh có mối liên hệ đặc biệt với trẻ nhỏ khi Người coi trẻ em là tương lai của đất nước. Người tin rằng trẻ em khỏe mạnh và được giáo dục sẽ xây dựng được một đất nước đoàn kết và vững chắc. Trẻ em cũng rất yêu quý Người và gọi Người là “Bác Hồ”.

Hồ Chí Minh là người bạn thật sự và vĩ đại của Ấn Độ. Hồ Chí Minh đã đi thăm Kolkata hai lần. Chuyến đầu tiên vào năm 1946, lúc đó Người đã ghé thăm Kolkata một ngày trên đường đi Pari. Chuyến thăm thứ hai của Người vào năm 1958 là chuyến thăm chính thức với tư cách là Chủ tịch của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã để lại những tình cảm tốt đẹp không bao giờ quên cho nhân dân Ấn Độ. Người đã chinh phục được hoàn toàn trái tim của mọi người bằng phong cách nói chuyện, sự thân mật, tính khiêm nhường và giản dị của mình. Thế hệ đã được nhìn thấy Người trong những ngày đó vẫn còn nhớ đến Người với tình cảm, lòng ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc.

* Tinh thần Hồ Chí Minh giống như chiếc la bàn trong cuộc sống của tôi

Xúc động nhớ lại những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ ngoại giao tại Việt Nam, Nguyên Đại sứ Hungari tại Việt Nam Alfred Almasi đã viết: “Tinh thần của Hồ Chí Minh đã theo suốt sự nghiệp của tôi, trong nhiệm kỳ ngoại giao của tôi tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Tinh thần Hồ Chí Minh giống như chiếc la bàn trong cuộc sống của tôi”.

Ông tự nhận là một trong số những người có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần trong nhiệm kỳ ngoại giao của ông tại Hà Nội. “Có hai sự kiện đã khắc sâu trong tâm trí tôi những dấu ấn sâu đậm. Trong dịp kỷ niệm này, tôi không muốn phân tích chi tiết về sự nghiệp của Người, mà đơn giản chỉ là thể hiện những tình cảm của cá nhân tôi đối với Người”, ông cho biết.

Trong tham luận của mình, ông đã viết: “Lần gặp đáng nhớ đầu tiên của tôi với Hồ Chí Minh là vào năm 1957 và lần thứ hai vào năm 1969. Năm 1957, tôi là một cán bộ ngoại giao trẻ và bắt đầu nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Hungari ở Hà Nội. Đó là một ngày giống như tất cả những ngày khác ở Đại sứ quán của chúng tôi, lúc trời xẩm tối chúng tôi thường ngắm nhìn những bông hoa thơm trong vườn, đột nhiên có một người đàn ông bất ngờ xuất hiện trong vườn của chúng tôi, ngay trước mặt tôi, trong trang phục ka ki đơn giản và đi đôi dép cao su, theo sau là mấy chiến sĩ Việt Nam đang mỉm cười. Tôi không thể thốt lên lời, nhưng cùng với sự bất ngờ lớn, tôi lập tức nhận ra ngay, đó chính là Người - Hồ Chí Minh. “Chào đồng chí” - Người nói với tôi, Người bắt tay tôi, đầy xúc động tôi trả lời: “Chào đồng chí”, và ngay lập tức tôi mời Người vào phòng khách VIP của Đại sứ quán. Tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên của Đại sứ quán chúng tôi ngồi vây quanh chiếc bàn tròn, đầy vui mừng và xúc động. Chúng tôi mời Người trà và rượu vang Hungari. Lập tức Người cất lời nói “Tôi vừa đi qua phố Điện Biên Phủ và tôi nhìn thấy lá cờ 3 màu của Đại sứ quán, tôi quyết định vào thăm các bạn Hungari của chúng tôi”. Tiếp đó Người tiếp tục câu chuyện bằng tiếng Pháp: “Ai trong số các bạn có thể nói được tiếng Pháp?” Với niềm vinh dự lớn, tôi trả lời: “Có cháu ạ”. “Vậy còn tiếng Nga?” - Người hỏi bằng tiếng Nga, rất nhiều người trong chúng tôi đã trả lời có. Và Hồ Chí Minh tiếp tục trò chuyện bằng tiếng Nga. Sau đó Người còn thân mật trò truyện bằng cả tiếng Anh. Kết thúc chuyến thăm một cách khéo léo, Người nói với chúng tôi bằng tiếng Việt thông qua thông dịch viên người Việt: “Tôi đến để nồng nhiệt chào đón các bạn với nhiệm vụ mới tại Việt Nam, cảm ơn tình đoàn kết của nhân dân Hungari với nhân dân Việt Nam anh em và với sự nghiệp chính nghĩa của chúng tôi”. Người yêu cầu chuyển thông điệp này tới người dân Hungari. Người cũng quan tâm, hỏi thăm đến gia đình của chúng tôi, tới sức khoẻ của chúng tôi trong lúc thưởng thức rượu vang đỏ Hungari, và Người nhận xét rằng thứ rượu vang này gần giống với rượu vang Bordeaux Pháp. Cuối cùng, Người còn chuyển lời chào thân ái của nhân dân Việt Nam tới nhân dân Hungari anh em. Sau đó, với một sự đơn giản tự nhiên, Người bắt tay chúng tôi và nói: “Tạm biệt các bạn”. Người rời khỏi Đại sứ quán khiêm tốn như khi Người tới. Chúng tôi thật sự cảm động về việc Hồ Chí Minh đã đích thân đến thăm Đại sứ quán chúng tôi và cách thức Người tiếp cận với người dân, cách Người chinh phục người dân, và cách Người chinh phục cả một dân tộc và dư luận quốc tế về sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Chính từ thời điểm đó, từ cuộc gặp gỡ đó và thậm chí mãi sau này tôi đã thật sự hiểu được tinh thần và sức mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân tộc Việt Nam, những chiến thắng lịch sử vĩ đại chống thực dân Pháp và sau này là cuộc đấu tranh thắng lợi chống đế quốc Mỹ. Cuộc chiến đấu lâu dài về chính trị, ngoại giao và quân sự này đã được thực hiện theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự đoàn kết của toàn thể nhân dân Việt Nam, của giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức và các dân tộc”.

* Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy của sự nghiệp độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Nhà báo, nhà hoạt động chính trị Mêhicô, nguyên Chủ tịch Hội Những người bạn của Việt Nam Ignacio Gonzalez Janzen đã khẳng định như vậy trong bài viết gửi đến Hội thảo.

Ông đánh giá : “Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ xuất chúng của dân tộc Việt Nam , một yếu nhân của quá trình phi thực dân hóa trong thế kỷ XX. Đặc biệt, Người còn là một bậc thầy vĩ đại trong khoa học và nghệ thuật giành tự do cho các dân tộc - chủ đề chính của tất cả các nền văn hóa và là mục tiêu đầu tiên của nhân loại.

Hồ Chí Minh là người thầy, cũng như Ximôn Bôliva (Simón Bolívar) và Hôxê Mácti (José Martí) từng là những người thầy ở châu Mỹ của chúng tôi. Lý tưởng của các vị ấy đã nêu bật sự đối xứng giữa tự do và công lý, giữa phẩm giá và chủ quyền trong cuộc đấu tranh vì cách mạng giải phóng dân tộc, hướng tới mục tiêu giải phóng xã hội và xây dựng một trật tự mới. Trong tư tưởng của Bôliva không thể có giải phóng nếu quá trình cách mạng không bao hàm sự giải phóng các tầng lớp quần chúng thất học do bọn áp bức áp đặt. Trong tư tưởng của Mácti, tự do và công lý đòi hỏi phải sáng tạo ra một nền văn hóa mới, đủ khả năng tổng kết một cách tốt nhất những kinh nghiệm trong nước và nhân loại để thực hiện sự cải biến sâu sắc về kinh tế và xã hội đã được giải phóng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến niềm tin của mình thành một nguyên tắc, một chân lý “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”. Và Người đã kiên trì biết bao khi nhất quán với nguyên tắc đó để đặt nền móng cho một cương lĩnh dân tộc, phù hợp với thực tiễn phức tạp và bản sắc của Việt Nam, xây đắp khối đại đoàn kết toàn dân, tôi luyện sự chỉ đạo chiến lược của mình, tổ chức quần chúng, xây dựng quân đội nhân dân, tiến hành kháng chiến, điều chỉnh kinh tế và bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ xuất chúng của dân tộc Việt Nam , một yếu nhân của quá trình phi thực dân hóa trong thế kỷ XX. Đặc biệt, Người còn là một bậc thầy vĩ đại trong khoa học và nghệ thuật giành tự do cho các dân tộc - chủ đề chính của tất cả các nền văn hóa và là mục tiêu đầu tiên của nhân loại...

Trong những năm 70, bước tiến thắng lợi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được tăng cường. Nó đã khẳng định tính chất chính trị thật sự của cuộc chiến. Bởi lẽ đội quân xâm lược, kẻ hùng mạnh nhất thế giới, lại được sự hậu thuẫn của ngụy quân, ngụy quyền do Lầu Năm Góc dựng lên, được huấn luyện và trang bị cực kỳ hiện đại vẫn không thể ngăn cản được bước tiến của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Những cuộc đấu tranh ấy và những bước tiến của cách mạng đã làm cho sự can thiệp của Mỹ ngày càng thô bạo hơn. Những người di cư trên toàn châu Mỹ buộc phải đến lánh nạn tại Mêhicô dưới sự che chở của nhân dân Mêhicô. Từ đó, tại Mêhicô, chúng tôi sáng lập ra Liên đoàn các nhà báo Mỹ Latinh (FELAP); chúng tôi cũng thành lập Ủy ban Đoàn kết quốc tế, và một trong những thành viên của Ủy ban mang tên “Hội những người bạn của Việt Nam”. Trong Ủy ban và trong Hội, đã có nhiều nhân vật quan trọng tham gia. Họ đều là những nhà chính trị có uy tín ở trong nước họ và đã đóng góp có ý nghĩa vào phong trào giải phóng lục địa. Tuy có thể có những khác nhau về chính trị, nhưng họ đều nhất trí với nhau trong những vấn đề cơ bản và đặc biệt tất cả họ đều hết sức tôn trọng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các bài viết và các cuộc diễn thuyết của họ, trong các cuộc mít tinh và biểu tình có họ tham gia, họ đều dứt khoát đoàn kết với Việt Nam . Có thể các thế hệ mới chưa biết tên tuổi của họ, cũng như không rõ cuộc đấu tranh của họ, song tình yêu của họ đối với Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống bất diệt. Ngày hôm nay tại Mỹ Latinh, cái tên Việt Nam - Hồ Chí Minh Anh hùng tiếp tục sống mãi trong trái tim của chúng tôi.

Xin cám ơn người Thầy Hồ Chí Minh về những lời dạy và tấm gương quý báu. Một tấm gương tuyệt vời về tình yêu thương và tư chất cách mạng thể hiện trong đức tính cá nhân, trong nhiệm vụ chính trị, trong công tác quần chúng, trong công tác tổ chức đảng, trong chính sách mặt trận, trong cuộc đấu tranh vì khối đại đoàn kết toàn dân, trong sự lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng một xã hội mới và trong sự tin tưởng về một nhân loại tự do.

HƯƠNG THỦY - BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết