04/07/2008 - 22:16

Tính cách có thể chi phối sức khỏe

Y học từ lâu đã chỉ ra rằng người có tính cách thuộc nhóm A (hằn học, ganh đua và thiếu kiên nhẫn) dễ mắc bệnh tim mạch. Nay các nhà nghiên cứu nhận thấy một loạt chứng bệnh từ loét bao tử, nhiễm vi-rút cho đến hội chứng liệt rung (Parkinson) ít nhiều có liên quan đến đặc điểm tính cách.

Bốc đồng – loét bao tử

Có thể bạn cho rằng típ người bốc đồng, hấp tấp dễ vướng vào những “tai nạn” ngoài ý muốn, nhưng hiểm họa sức khỏe lớn nhất chính là chứng loét bao tử. Qua nghiên cứu hơn 4.000 người, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp Phần Lan nhận thấy nguy cơ loét dạ dày ở người có cá tính xốc nổi cao hơn 2,4 lần so với người điềm tĩnh. Nguyên nhân được cho là do người bốc đồng khi gặp tình huống căng thẳng, dạ dày tiết ra nhiều axít hơn bình thường, kích thích sự hình thành các vết loét. Ngoài ra, nhóm người này có khuynh hướng mắc chứng rối loạn ăn uống, theo nghiên cứu của ĐH Wales (Anh).

Âu lo – cao huyết áp

Người hay lo lắng có khả năng phải dùng thuốc hạ huyết áp cao gấp 3 lần so với bình thường. Nghiên cứu của ĐH Bắc Arizona (Mỹ) cho rằng các hormone gây stress có thể là nguyên nhân. Trong khi đó, chị em mắc chứng lo sợ do ám ảnh như sợ độ cao, có nhiều khả năng bị bệnh tim, cao huyết áp và cholesterol trong máu cao. Còn nữa, nghiên cứu của ĐH Antwerp (Bỉ) nhận thấy trong vòng 10 năm điều trị bệnh tim, 27% người hay âu lo “ra đi” sớm so với 7% ở nhóm còn lại.

Hiếu chiến – bệnh tim mạch, trầm cảm

Cá tính hung hăng, hiếu chiến có khuynh hướng “song hành” cùng nhiều chứng bệnh nghiêm trọng, và nhiều nghiên cứu đã ủng hộ giả thuyết này. Người bị xơ cứng động mạch có nhiều khả năng có cá tính thiếu thân thiện – theo kết quả khảo sát gần 2.000 người ở Scotland. Nghiên cứu ở Mỹ nhận thấy dạng người không hòa nhã có nhiều nguy cơ bị viêm nhiễm mãn tính khắp cơ thể, liên quan đến nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh tim.

 Sự trải nghiệm thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách.

Một giả thuyết khác cho rằng người hung dữ thường có phản ứng nhanh và mạnh (cả về mặt thể chất lẫn tinh thần) trước những tình huống căng thẳng, hệ quả là huyết áp tăng cao và tim đập nhanh, dễ gây tổn thương cho hệ tim mạch. Ngoài ra, thời gian lành vết thương cũng lâu hơn. Kết luận này được rút ra sau một thử nghiệm ở ĐH Ohio (Mỹ), trong đó các nhà nghiên cứu tạo vết thương nhỏ trên cánh tay của người khỏe mạnh. Sau 4 ngày, chỉ 30% vết thương ở người “nóng nảy như Trương Phi” lành lặn so với tỷ lệ 70% ở người điềm tĩnh. Chưa hết, những người không có khả năng tiết chế cảm xúc dễ rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài.

Nhút nhát – sức đề kháng thấp

Người sống khép mình với xã hội có sức đề kháng thấp nên dễ bị các mầm bệnh tấn công, nghiên cứu của ĐH California kết luận. Các nghiên cứu ở động vật chỉ ra rằng những con sống chan hòa với bầy đàn có nhiều hạch bạch huyết đóng vai trò bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của vi sinh vật gây hại hơn so với những con nhút nhát, sống khép kín. Hạch bạch huyết là một phần của hệ miễn dịch, giúp cơ thể diệt vi-rút, vi trùng và vi khuẩn gây bệnh.

Lạc quan – tuổi thọ cao

Những người luôn nhìn về hướng tích cực, có tuổi thọ trung bình cao hơn 7,5 năm so với người có cái nhìn “u tối”, theo nghiên cứu của ĐH California. Ở người lạc quan, nguy cơ tử vong sớm (do bệnh) thấp hơn 55% so với người bi quan. ĐH Wageningen (Hà Lan) kết luận như vậy sau khi theo dõi 1.000 người. Có giả thuyết cho rằng tính cách lạc quan thúc đẩy hệ miễn dịch, qua đó bảo vệ cơ thể khỏi những tác động của stress.

Cam chịu – bệnh tim, ung thư

Những người kiềm nén cảm xúc thường hay đau khổ, và có thể có nguy cơ bị ung thư và bệnh tim. Một khi mắc bệnh mạch vành, họ sẽ có khả năng “giã biệt” cuộc sống sớm. Các nhà nghiên cứu ĐH Harvard cho rằng cơ thể của người mang tính cách này ít có khả năng kiểm soát các hormone gây stress, dẫn đến tim đập nhanh, huyết áp tăng và mạch máu co thắt, tất cả gây bất lợi cho hệ tim mạch. Chưa kể, hệ miễn dịch có khuynh hướng hoạt động tích cực hơn và kích hoạt phản ứng viêm nhiều hơn, hậu quả là gây tổn thương các mạch máu.

Tận tâm – sống thọ

Tận tụy, chu đáo là nét tính cách gắn liền với cuộc sống trường thọ nhiều nhất. Các chuyên gia ĐH Nottingham (Anh) cho rằng tính cách này có vai trò quan trọng đối với tuổi thọ giống như việc duy trì cholesterol và huyết áp ở mức hợp lý. Người tận tâm luôn tránh mạo hiểm và thường chọn cách sinh hoạt lành mạnh, có lợi cho sức khỏe.

Hướng ngoại – ít bệnh

Cũng như người lạc quan, người có tính hướng ngoại ít có khả năng bệnh tim, theo kết luận của ĐH Milan (Italia). Những ai thuộc nhóm tính cách này khi mắc bệnh mau hồi phục, ít bị bệnh lặt vặt. Tuy nhiên, theo nghiên cứu ở ĐH Yamagata (Nhật), người hướng ngoại có nguy cơ béo phì cao hơn do họ quan hệ rộng, giao thiệp nhiều nên thường dùng những món ăn “hoành tráng” nhiều mỡ và chất béo.

Bi quan – hội chứng liệt rung

Bên cạnh nguy cơ tử vong sớm, người thường có suy nghĩ bi quan và âu lo có nguy cơ mắc chứng liệt rung khi về già cao hơn so với người lạc quan.

TUYẾT HỒNG (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết