09/11/2015 - 20:27

Thí điểm tổ chức điểm buôn bán sản phẩm nông nghiệp an toàn

Tín hiệu vui cho nhà nông

Các cấp, các ngành chức năng TP Cần Thơ đang khẩn trương xúc tiến việc xây dựng thí điểm các điểm buôn bán sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn thành phố. Đây là tín hiệu vui cho nông dân bởi từ đây có thể giúp xóa bỏ thế bế tắc đầu ra cho nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nông dân an tâm sản xuất và người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận sản phẩm an toàn.

Chưa có "chỗ đứng" trên thị trường

Thời gian qua, nhiều nông dân tại TP Cần Thơ đã phát triển sản xuất nhiều loại cây trồng vật nuôi theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, an toàn đã được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ phần lớn các sản phẩm nông nghiệp an toàn của nông dân còn gặp khó do sản phẩm chưa có bao bì, thương hiệu và khó đưa hàng vào siêu thị. Trong khi đó, nông dân chưa xây dựng được kênh buôn bán hàng riêng để trực tiếp cung cấp cho người tiêu dùng, buộc phải bán hàng qua thương lái như các sản phẩm thông thường. Các sản phẩm nông nghiệp an toàn khi được thương lái đem ra các chợ và điểm bán lẻ thường lẫn lộn với các sản phẩm thông thường, người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Sản xuất hẹ tại HTX Rau an toàn Phúc Thạnh, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Văn Lăng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Phúc Thạnh, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: "HTX hiện có 9 xã viên, với diện tích canh tác hơn 5ha, có khả năng cung cấp cho thị trường một vài tấn rau màu các loại mỗi ngày. Từ năm 2009, các xã viên HTX đã được ngành nông nghiệp và các ngành chức năng thành phố hỗ trợ, tập huấn sản xuất hẹ và các loại rau màu và được cấp giấy chứng nhận sản xuất tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, đến nay, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX chủ yếu qua thương lái. Dù HTX rất cố gắng thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm, tiến hành chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần gửi Cục Sở hữu Trí tuệ đăng ký thương hiệu nhưng vẫn chưa xong. HTX rất mong tới đây Nhà nước xem xét có giải pháp tạo thuận lợi cho nông dân tiêu thụ các sản phẩm rau màu an toàn và sản phẩm nông nghiệp an toàn nói chung". Theo ông Dương Văn Việt, xã viên HTX rau an toàn Hòa Phát tại phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, thời gian qua, các xã viên tại HTX sản xuất rau muống đạt tiêu chuẩn an toàn và có khả năng cung cấp cho thị trường 5-7 tấn/ngày. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm của bà con trong HTX cũng chủ yếu qua thương lái với giá như các sản phẩm thông thường dù chi phí sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn có thể cao hơn. Ông Dương Văn Việt rất mong Nhà nước hỗ trợ để sản phẩm có thể đưa vào các siêu thị hoặc có kênh bán hàng riêng, giúp người tiêu dùng có thể phân biệt, nhận ra được sản phẩm an toàn trên thị trường.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn TP Cần Thơ có 107 chợ truyền thống nhưng hầu như chưa có điểm bán hàng dành riêng cho các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Trong khi đó, nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố có bán các sản phẩm rau quả và một số loại cá thịt được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nhưng nguồn hàng chủ yếu lấy từ nơi khác. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện những người sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn tại thành phố, như: rau, củ, quả… còn gặp khó. Nguyên nhân do các siêu thị đặt hội sở chính tại nơi khác và đòi hỏi sản phẩm phải đạt theo các tiêu chí nhất định, trong khi số lượng sản phẩm cần thu mua mỗi ngày tại siêu thị ít và đa dạng mặt hàng, siêu thị lại không thanh toán tiền mặt ngay sau nhận hàng. Để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố, Sở Công thương kiến nghị UBND thành phố xem xét chỉ đạo tổ chức các điểm bán hàng tại các địa phương để các doanh nghiệp, cơ sở, HTX trên địa bàn bán sản phẩm nông nghiệp an toàn. Ban quản lý các chợ và doanh nghiệp đầu tư khai thác chợ, nhất là các chợ trung tâm địa bàn quận, huyện trước mắt bố trí điểm bán hàng là các lô sạp tại chợ.

Tín hiệu vui

Vừa qua, lãnh đạo TP Cần Thơ có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương thành phố về việc thí điểm tổ chức các điểm buôn bán sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn TP Cần Thơ. Buổi làm việc nhằm bàn bạc, tìm giải pháp phối hợp tốt giữa các sở ngành thành phố và đơn vị có liên quan trong việc tổ chức, quản lý sản xuất và xây dựng các điểm buôn bán sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất tiêu thụ sản phẩm và người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận các sản phẩm an toàn. Theo kế hoạch, trước mắt, TP Cần Thơ sẽ xây dựng thí điểm các điểm bán một số sản phẩm nông nghiệp an toàn, như: gạo, thịt và rau quả tại một số quận trung tâm của thành phố. Trên cơ sở đó nhân rộng trên toàn thành phố và nhân rộng đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công thương thành phố thống nhất cao trong việc phối hợp tổ chức sản xuất, tổ chức hệ thống cung cấp hàng để tiến hành xây dựng các điểm buôn bán sản phẩm nông nghiệp an toàn tại thành phố. Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "Sở sẽ làm việc cụ thể với ngành nông nghiệp để xác định rõ mặt hàng và nguồn cung, đồng thời làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ để bố trí lô sạp, gian hàng giới thiệu và bày bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Thành phố có gần 100 cửa hàng điểm bán hàng bình ổn giá, có thể xem xét để bố trí các sản phẩm nông nghiệp an toàn vào để bán. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có chợ An Thới, quận Bình Thủy đã và đang được đầu tư xây dựng đạt theo tiêu chí chợ an toàn vệ sinh thực phẩm. Về nguồn hàng, hiện nhiều đơn vị sản xuất rau củ quả tại Đà Lạt đã hứa sẵn sàng cung cấp các sản phẩm an toàn cho Cần Thơ, cũng là nguồn hàng có thể bổ sung cho các điểm bán sản phẩm an toàn tại thành phố". Theo ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp rất đồng tình và sẽ tích cực tham gia xây dựng các địa điểm bán sản phẩm nông nghiệp an toàn và thương hiệu sản phẩm, giúp người sản xuất và người tiêu dùng có nhu cầu gặp nhau. Nhìn chung, thời gian qua, các sản phẩm nông nghiệp được nông dân tại thành phố sản xuất và lưu thông trên thị trường đa số đạt chất lượng, chỉ có một số chưa đạt. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục quan tâm tăng cường công tác quản lý sản xuất, hỗ trợ và khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn để từng bước hướng đến tất cả các sản phẩm cung cấp ra thị trường đều đạt chất lượng tốt và đảm bảo an toàn. Lãnh đạo TP Cần Thơ yêu cầu các sở ngành có liên quan khẩn trương xây dựng chương trình, đề án cụ thể trình UBND thành phố trong tháng 11-2015 để phê duyệt triển khai ngay, kịp tổ chức được các điểm bán sản phẩm nông nghiệp an toàn phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán 2016.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết