Nga - Mỹ và Jordan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và giảm leo thang căng thẳng phía Tây Nam Syria. Đây được xem là dấu hiệu hợp tác sau cuộc gặp đầu tiên kéo dài hơn dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố cảng Hamburg của Đức hôm 7-7.
Nga-Mỹ có thể hợp tác cùng nhau
Theo lời quan chức Mỹ và Chính phủ Jordan, lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào trưa ngày 9-7 (theo giờ Syria). Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết phạm vi thỏa thuận bao gồm các khu vực Daraa, Quneitra và Sweida. Cũng theo ông Lavrov, Nga và Mỹ sẽ hợp tác với Jordan trong vai trò giám sát nhằm đảm bảo tất cả các bên tuân thủ thỏa thuận.

Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ gặp nhau hôm 7-7. Ảnh: AP
Theo giới quan sát, đây là nỗ lực đầu tiên giữa Nga và Mỹ dưới thời Tổng thống Trump nhằm đẩy lùi cuộc nội chiến 6 năm ở Syria. Cùng góp mặt trong cuộc họp với lãnh đạo Nga, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng nội dung thỏa thuận tập trung khía cạnh giảm bạo lực tại các khu vực Syria gần biên giới Jordan. "Đây là một phần rất phức tạp trên chiến trường Syria và là vấn đề quan trọng đối với an ninh của liên minh do Mỹ dẫn đầu" Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ tham gia cuộc đàm phán hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ mở đường cho nỗ lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy hòa bình ở Syria.
Được biết, các thỏa thuận ngừng bắn trước đây ở Syria đã đổ vỡ hoặc thất bại trong việc giảm bạo lực, do vậy chưa rõ thỏa thuận mới liệu sẽ tốt hơn hay không. Theo lời Ngoại trưởng Tillerson, tuy Nga Mỹ trước nay có nhiều bất đồng nhưng điểm khác lần này là mối quan tâm của Mát-xcơ-va thiết lập lại ổn định tại Syria. Trên thực tế, các quan chức cho biết lệnh ngừng bắn đã được Mỹ và Nga thảo luận bí mật trong nhiều tháng qua và tiến tới đồng thuận sau cuộc họp giữa hai vị tổng thống. Ngoại trưởng Tillerson nhìn nhận đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Mỹ và Nga có thể hợp tác với nhau về vấn đề Syria.
Trong khi đó, Washington Post cho rằng việc thỏa thuận ngừng bắn được công bố trước khi tất cả chi tiết được hoàn tất là tín hiệu rõ ràng cho thấy thành công từ cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng nhiệm Nga tại Hamburg. CNN nói thêm, bước tiến bộ này rất quan trọng đối với ông chủ Nhà Trắng trong quan điểm cải thiện quan hệ song phương với Mát-xcơ-va.
Hai nhà lãnh đạo có nhiều điểm "tương đồng tích cực"
Theo Reuters, cuộc họp kín giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài khoảng 2 giờ 15 phút so với dự kiến 35 phút ban đầu. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Tillerson cho biết ông Trump đã thể hiện nhiều điểm "tương đồng tích cực" tại cuộc gặp với Tổng thống Putin. Theo mô tả của các quan chức, cuộc họp mang tính chất "xây dựng, chân thành và bao quát" nhiều vấn đề nóng hiện nay như an ninh mạng và tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, hai bên đã trao đổi sâu sắc về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Trong đó, ông Trump hơn một lần nói với lãnh đạo Nga về quan ngại của người dân Mỹ trước cáo buộc Mát-xcơ-va can thiệp bầu cử. Đáp lại, Tổng thống Putin đã phủ nhận điều này đồng thời yêu cầu Washington trưng ra bằng chứng. Và trong một thông báo, Ngoại trưởng Nga khẳng định tổng thống Mỹ đã "chấp nhận" tuyên bố của ông Putin về việc nước này không can thiệp tiến trình dân chủ ở Mỹ.
Tuy nhiên, điều này không đồng nhất với những gì Washington công bố. Theo lời Ngoại trưởng Tillerson, hai nhà lãnh đạo đồng quan điểm rằng vấn đề liên quan cáo buộc Nga can thiệp bầu cử đã gây trở ngại cho việc cải thiện mối quan hệ giữa hai cường quốc. Vì vậy, Tổng thống Trump và ông Putin nhất trí tiếp tục thảo luận, tập trung phát triển mối quan hệ tốt đẹp thay vì những bất đồng trong quá khứ và hướng tới cam kết, rằng "Nga sẽ không can thiệp vào công việc và quá trình dân chủ của Mỹ cũng như quốc gia khác trong tương lai" ông Tillerson nói thêm.
Nhưng dù sao, giới quan sát cho rằng quyết định của ông Trump khi đề cập trực tiếp vấn đề "can thiệp bầu cử" với ông Putin đã đáp ứng mong đợi của các nhà lập pháp Mỹ, rằng ông chủ Nhà Trắng không "chùn chân" trước vấn đề này trong cuộc hội đàm được mong đợi với lãnh đạo Nga. Mặt khác, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chịu trách nhiệm về Nga Andrew Weiss cho rằng cuộc gặp còn cho thấy nỗ lực rõ rệt từ Tổng thống Trump để bình thường hóa quan hệ với Mát-xcơ-va. Tuy vậy, đây được xem là canh bạc chính trị mạo hiểm đối với ông Trump sau những hoài nghi sâu sắc của người dân Mỹ đối với Nga và hàng loạt điều tra về việc chiến dịch tranh cử của tỉ phú New York "bắt tay" Mát-xcơ-va trong cuộc bầu cử năm ngoái.
MAI QUYÊN