Tính đến cuối tháng 6-2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP Cần Thơ tăng 10,43% so với tháng 12-2021. Tín dụng ngân hàng đã góp phần tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID-19.

Khách hàng đến giao dịch tại BIDV. Ảnh: L.P
Mở rộng tín dụng
Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất kinh doanh hậu COVID-19. Nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay ước thực hiện 6 tháng đầu năm nay đều tăng khá cao so với cuối năm 2021; vốn huy động tăng 6,92%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ, dư nợ cho vay tăng 10,43% tương đương mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2021.
TP Cần Thơ hiện có 48 chi nhánh TCTD và 7 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, tăng 1 chi nhánh TCTD (Ngân hàng TMCP Quốc tế Chi nhánh Hưng Phú) so với cuối năm 2021. Ước đến cuối tháng 6-2022, vốn huy động đạt 99.400 tỉ đồng, tăng 6,92% so với tháng 12-2021 và đáp ứng được 74,62% tổng dư nợ cho vay. Theo NHNN Chi nhánh thành phố, tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 6 đạt 133.200 tỉ đồng, tăng 10,43% so với tháng 12-2021. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 58,03%, tăng 14,50%; dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 41,97% tổng dư nợ cho vay, tăng 5,26% so với tháng 12-2021. Khối tín dụng nhà nước chiếm 53,38%; TCTD ngoài nhà nước chiếm 46,62% thị phần cho vay.
Theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các TCTD trên địa bàn TP Cần Thơ đều quan tâm tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp. Cụ thể: có 42 TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ ước đến cuối tháng 6-2022 là 38.200 tỉ đồng, tăng 10,91%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 13.300 tỉ đồng, tăng 9,75% so; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 31.200 tỉ đồng, tăng 7,85%; cho vay công nghiệp hỗ trợ 220 tỉ đồng, tăng 1,85% so với tháng 12-2021; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 90 tỉ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tích cực mở rộng tín dụng. Đến cuối tháng 6-2022, dư nợ cho vay ước đạt 3.320 tỉ đồng, tăng 5,87% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay chính sách tập trung ở 15 chương trình cho vay như cho vay hộ nghèo 73 tỉ đồng; cho vay hộ cận nghèo 176 tỉ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 1.045 tỉ đồng; cho vay giải quyết việc làm 753 tỉ đồng; cho vay chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 654 tỉ đồng; cho vay nhà ở xã hội 128 tỉ đồng...
Bên cạnh đó, các TCTD còn đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng khác. Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay thu mua lúa, gạo khoảng 16.300 tỉ đồng, tăng 31,57% so với cuối năm 2021; cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản 9.200 tỉ đồng (trong đó dư nợ nuôi trồng, chế biến cá tra 4.900 tỉ đồng, tăng 12,36% so với tháng 12-2021)… Có thể thấy, việc mở rộng tín dụng của các TCTD đã góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh hậu COVID-19.
Gỡ khó cho sản xuất kinh doanh
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố cho biết, đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay đều có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng, luôn duy trì thường xuyên và ổn định. Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng cũng luôn lắng nghe để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quan hệ vay vốn với ngân hàng.
Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh thành phố, ước đến cuối tháng 6-2022, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu và miễn, giảm lãi lũy kế từ ngày 13-3-2020 là 5.300 tỉ đồng cho hơn 5.000 khách hàng, doanh số cho vay mới lũy kế từ tháng 1-2020 đến cuối tháng 6-2022 đạt 98.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay mới là 23.000 tỉ đồng cho hơn 8.000 khách hàng vay, đã góp phần tích cực cho phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn tiếp cận vốn. Theo NHNN Chi nhánh thành phố, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 5,5-7,8%/năm; trung, dài hạn từ 7,8-9,6%/năm.
Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh thành phố, các TCTD trên địa bàn đều chấp hành tốt các quy định về tín dụng, lãi suất, tỷ giá, ngoại hối, bảo đảm hoạt động ngân hàng tiếp tục ổn định và an toàn. Việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tổ chức và hoạt động, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đã giúp các ngân hàng trên địa bàn giải quyết khá tốt vấn đề nợ xấu từ nhiều năm trước, chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ở mức thấp, chiếm 1,5% trên tổng dư nợ cho vay, giảm nhẹ so với cuối năm 2021.
Trong 6 tháng cuối năm, ngành ngân hàng đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó lãnh đạo NHNN Chi nhánh thành phố cho biết chi nhánh sẽ theo dõi chặt tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn theo Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các TCTD trong với xử lý nợ xấu. Duy trì, phối hợp với chính quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng.
GIA BẢO