08/11/2019 - 15:30

Tìm về hào khí Bạch Đằng Giang 

Tựa lưng núi Tràng Kênh, đón gió sông Bạch Đằng, Khu Di tích Bạch Đằng Giang linh thiêng, mà ai đến Hải Phòng cũng mong một lần tìm đến. Hào khí Bạch Đằng Giang như quyện lòng du khách...

Tượng 3 vị Thánh Tướng làm nên 3 chiến công trên Bạch Đằng Giang hiển hách.

Khu Di tích Bạch Đằng Giang thuộc địa bàn thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 20km và mất khoảng 30 phút đi xe. Các công trình trong Khu Di tích được xây dựng cách đây chừng hơn 10 năm nhưng thu hút rất đông du khách tham quan. Mọi người tìm đến đây để mong một lần đón gió sông Bạch Đằng huyền thoại, nơi gắn liền với 3 trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta: Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán (938), Lê Hoàn đánh tan quân Tống (981) và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên Mông (1288).

Cổng vào Khu Di tích rất lớn, uy nghi, trầm mặc, như chất chứa đằng sau cánh cổng ấy bao lịch sử đáng tự hào. Nhà trưng bày về các trận chiến trên sông Bạch Đằng là điểm dừng chân đầu tiên của du khách. Ở đây, nơi trang trọng nhất được đặt tượng thờ 3 vị Tướng tài ba, uy dũng đã làm nên 3 chiến thắng trên Bạch Đằng Giang. Đặc biệt, trung tâm nhà trưng bày có trưng bày 2 cột gỗ khai quật ở bãi cọc Bạch Đằng, được bảo tồn nguyên trạng, là minh chứng lịch sử cực kỳ quan trọng cho chiến thắng Bạch Đằng năm xưa. Ngoài ra, nhà trưng bày còn giới thiệu sơ đồ diễn biến các trận Bạch Đằng, hiện vật khảo cổ ở Hải Phòng…

Đi dọc theo lối chính, du khách sẽ lần lượt vãn cảnh, nguyện hương ở Đền Đức Vương Ngô Quyền, Đền thờ Đức Vương Lê Đại Hành, Linh từ thờ Đức Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đây là những ngôi đền mới được lập sau này, có kiến trúc thuần Việt ở Bắc bộ, trang nghiêm, trầm mặc, lưng tựa núi, mặt hướng sông, địa thế vững chãi. Thu hút du khách có lẽ là Vườn cuội cổ và trụ chiến thắng. Trụ được làm bằng đá hồng ngọc nguyên khối cao 5,5m, nặng gần trăm tấn, mặt tiền trụ được khắc 7 chữ “Giang San Vượng khí Bạch Đằng thâu”.

Trước khi tiến ra sông Bạch Đằng, vườn cau xanh ngút ngàn sẽ dẫn chân du khách vào vườn tượng tái hiện cảnh người xưa chế tác cọc gỗ để đánh giặc trên sông. Gần 50 tượng đá được đặt theo hình chữ U, từ pho tượng đầu đến pho tượng cuối là quá trình người xưa chọn gỗ, cưa, đẽo... rồi dựng trên sông thành bãi cọc. Vườn tượng này khiến người xem xúc động bởi tài trí mưu lược của người xưa và sự vất vả, gian lao để làm nên những chiến thắng oai hùng bảo vệ giang sơn, bờ cõi.

Tái hiện bãi cọc trên Bạch Đằng Giang.

Các ngày lễ lớn ở Khu Di tích Bạch Đằng Giang (sử dụng ngày âm lịch): Mùng 6 Tết (Khai hội); 14 và 15 tháng Giêng (Khai Ấn Đức Thánh Trần); 18 tháng Giêng (Giỗ Đức Vương Ngô Quyền); 8-3 (Giỗ Đức Vương Lê Đại Hành); 20-8 (Giỗ Đức Thánh Trần)…

Mỗi ngày, Khu Di tích mở cửa phục vụ du khách từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối.

Điểm cuối của Khu Di tích là Quảng trường Chiến thắng trên mặt sông Bạch Đằng, có cầu dẫn ra. Công trình này được hoàn thành vào cuối năm 2017. Dấu ấn nổi bật nhất ở Quảng trường là 3 pho tượng của 3 vị Tướng tài Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo. Tượng bằng đồng cao 11m vững chãi, tướng mạo phương phi, hào khí, hướng mặt ra biển như lời nguyện cầu các Đức Thánh Tướng đời đời phù trợ cho nước Việt mãi mãi yên bình. Ngay dưới quảng trường, một đoạn mặt sông Bạch Đằng có tái dựng bãi cọc lim bịt sắt gồm 180 cọc. Công trình này thực sự ý nghĩa, giúp du khách hiểu và yêu hơn lịch sử nước nhà. Đây cũng là cách giới thiệu truyền thống lịch sử Việt Nam sống động và hiệu quả với du khách nước ngoài.

Ban Quản lý Khu Di tích Bạch Đằng Giang tự hào rằng, nhiều năm qua có hàng triệu du khách đến tham quan nơi này và hài lòng với tiêu chí “3 không”. Đó là: không thu phí, không hàng quán và không rác thải. Du khách đi tham quan miễn phí, dọc đường có bố trí những thùng nước phục vụ. Việc trông giữ các loại xe của khách tham quan cũng hoàn toàn miễn phí. Dù khuôn viên Khu Di tích rất rộng và nhiều hạng mục nhưng rất khó thấy rác thải mà toàn màu xanh cây lá, đó là nhờ đội ngũ làm vệ sinh túc trực 24/24 bên cạnh ý thức khách tham quan. Ấn tượng hơn, Ban Quản lý Khu Di tích còn phục vụ cơm chay miễn phí cho du khách từ 10 giờ 30 phút đến 12 giờ hằng ngày. Nếu du khách đi đoàn đông người, có nhu cầu dùng cơm chay, liên hệ đặt trước với Ban Quản lý Khu Di tích qua số điện thoại 0906.685568.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

 

Chia sẻ bài viết