NGUYỄN HỮU HIỆP
 |
Rạch Nam bộ. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH |
Người nông dân ở Đồng bằng Cửu Long ngày trước đã từng sống trong một thời gian dài, cả trăm năm khốn khó “nửa năm đi trên mặt nước, sáu tháng đạp trên đất đồng khô”. Những con người ấy đã từng bước khống chế được thiên nhiên, thú dữ, biến “ác địa” thành “đất lành”.
Tùy thổ nhưỡng, thủy văn từng vùng, hoặc đặc điểm địa hình tự nhiên của từng nơi mà người lưu dân tự chọn sinh kế cho mình. Họ quây quần nhau bên bờ sông, vàm rạch dựng thành từng xóm, rồi ổn định thôn, làng. Còn những người chuyên sống nghề rừng, nghề biển thì tập hợp thành trang, trại, man, nậu.
Dân gian sáng tạo khá nhiều thuật ngữ để chỉ cụ thể cho từng loại đất. Tuy nhiên, khó mà xác định rạch ròi đâu là tiếng dùng đặc hữu của người Nam Bộ, đâu là thuật ngữ truyền thống mà người lưu dân đã mang theo trên bước đường khai hoang, mở cõi. Cũng như các nơi khác, để gọi các loại đất, dân gian đồng bằng Cửu Long không chỉ dùng những tiếng mang tính hình tượng của giới bình dân mà còn Nôm hóa những thổ ngữ, hoặc dùng xen lộn khá nhuần nhuyễn những thuật ngữ đã được Hán hóa, vừa làm giàu thêm vốn ngôn ngữ trong sinh hoạt, vừa phân biệt một cách đơn giản các dạng đất khác nhau.
Ở nhiều nơi, bà con gọi đất trũng mà ướt là thấp; đất thấp mà bằng thì gọi là diễn; đất thấp tốt gọi là ốc; đất cao gọi khâu; đất cao tốt gọi diên; đất cao bằng phẳng gọi nguyên; đất gò quá cao, vô dụng gọi thổ phu; đất có nhiều hào rãnh gọi câu địa; đất nhiều ao ngòi gọi câu trì; đất quá trũng bị ngập quanh năm không trồng trọt được gọi nê địa, hoặc láng, hoặc hoang nhàn, hoặc lâm tẩu, tùy nơi; đất cồn lớn gọi lăng; đất gần bờ bến nước gọi phần; đất rừng gọi đất lâm (cũng hiểu đất đồng chưa khai phá)...
Đất dùng cất nhà được gọi thổ trạch, còn thổ cư cũng là đất cất nhà nhưng có lập vườn xung quanh, cũng gọi viên trạch công. Đất tốt gọi thảo điền, tương đối xấu gọi sơn điền (hiểu là đất đồi núi). Đất dùng cho việc chôn cất lẻ tẻ nặng tính phong thủy hưng vượng riêng của gia đình, tộc họ thì gọi cát cục; đất chỉ dùng cho việc chôn cất, đã có mồ mả gọi thổ mộ hay mộ địa, hay nghĩa địa, hoặc nghĩa trang (nếu chỉ để chôn cất những người có cùng một hội sở hoặc một thành phần như nhau), cũng gọi nhị tỳ (Tàu), hoặc đất thánh (Công giáo), nói chung là tha ma.
Đất tư điền là đất nhà nước công nhận quyền sở hữu riêng. Còn tự điền hay lộc điền là đất ruộng, nhà vua ban sắc cấp cho con cháu công thần đã hy sinh (cũng hiểu là đất đình, chùa... lấy huê lợi trên ấy để làm quỹ tế tự). Công điền là đất của nhà nước giao cho chính quyền làng xã trực tiếp quản lý, cho dân mướn, lấy tiền tạo ngân sách để chi dùng vào việc công tại địa phương (cũng là quỹ đất dùng cấp cho những người có công với nước, hoặc cấp cho gia đình họ). Quỹ đất này cũng có một số nơi dùng cấp phát cho những đối tượng nhất định như, cấp cho Lý trưởng thì gọi bút điền (lấy tiền mua sắm bút mực, chạy giấy); cấp cho binh lính tại ngũ thì gọi lương điền hay ruộng lính; cấp cho “Tổng sư”, tức thầy đồ cấp tổng, gọi học điền (có công lo về giáo dục). Suất đất được chia cấp cho từng đối tượng nêu trên, nhiều hay ít là do sự ấn định của chính quyền từng thời kỳ.
Đất chưa khai phá gọi đất lâm (theo nghĩa rừng chồi vô chủ) hay đất hoang. Đã khai phá và trồng trọt ổn định gọi đất thuộc, hay thục (thành thục), cũng gọi thục điền. Vì lý do nào đó không canh tác liên tục, để cho cỏ mọc um tùm gọi bỏ hoang hay hoang điền, nếu chỉ bỏ vài ba năm, gọi bỏ hóa. Nếu trở lại dọn dẹp trên đất ấy để canh tác thì gọi phục hóa. Đất đang trồng lúa hoặc rẫy thì gọi canh địa. Đất bãi bồi gọi châu thổ, có trồng hoa màu trên ấy gọi hoa châu. Đất rừng núi gọi sơn lâm, đất chằm núi gọi sơn trạch. Cả hai thứ ấy nếu tiến hành trồng trọt được thì gọi đồn điền.
Tịch quang là khai phá đất hoang để trồng trọt; còn tịch khẩn cũng mang nghĩa như tịch quang nhưng hàm ý là đã có xin phép trước khi khai phá (để được hợp thức hóa chủ quyền). Hễ được hợp thức hóa chủ quyền tất nhiên phải có tên trong sổ bộ của nhà nước, sổ ấy gọi sổ điền, cũng gọi điền bạ. Do kém hiểu biết về pháp luật nên thường thì người nông dân cứ đinh ninh thửa đất mình đổ công sức ra khai phá đất hoang thành đất thuộc đương nhiên là của mình, nên không tới làng xã làm thủ tục sở hữu như pháp luật quy định, do đó có không ít kẻ thế lực âm thầm đến chính quyền đăng ký là chủ sở hữu. Chừng vỡ lẽ ra thì người khẩn đất bị trắng tay! Hành vi giựt đất của người khác một cách “hợp pháp” (có bộ sổ) như thế, gọi úp bộ. Nhà nước tùy từng nơi, và từng loại cây trồng mà quy định mức thu thuế nhiều hay ít khác nhau, có khi giảm hoặc miễn (có thời hạn hoặc vô thời hạn). Căn cứ vào điền bạ hay địa bạ mà thu thuế người có đất, thuế ấy gọi tức, hay lợi tức. Người mướn đất làm thì không phải đóng thuế cho nhà nước mà chỉ đóng tô cho chủ đất - tất nhiên đóng tô cho chủ điền nặng hơn đóng thuế cho nhà nước. Nói chung, người làm ruộng có đóng thuế đầy đủ gọi canh trưng.
Người khẩn đất công (cũng gọi đất nhà nước, đất quốc gia, hay đất làng - công điền, công thổ) đương nhiên được hưởng huê lợi do mình làm ra trên ấy (trong thời gian chưa khai báo, hoặc chính quyền chưa đặt vấn đề khai báo) thì gọi là đất chiếm hưởng. Đến khi được chính quyền cấp chính thức (hoặc mua thông qua hình thức bán đấu giá) gọi đất di nhượng (như vậy đất di nhượng là một hình thức chuyển hóa từ đất công sang đất tư). Cũng có trường hợp đất tư biến thành đất công, vì không phải do trưng mua, trưng thu hoặc tịch thu) là những đất ruộng hiến hoặc ruộng hậu (người chủ đất tự ý hiến cho làng xã hoặc đình, chùa để sau khi chết, do tuyệt tự, không có người thừa kế, thờ phượng sẽ được những nơi ấy thờ cúng, trở thành đất đình/chùa). Nếu dùng đất tư để cầm thế cho nhà nước đặng vay tiền thì gọi là công trái điền. Quá hạn mà không chuộc thì ruộng tư ấy đương nhiên hóa thành ruộng công, gọi ruộng quan điền. Nếu chiếm đất để cất nhà, kể cả đất đã có chủ và được chủ đất đồng ý, gọi đất chiếm ngụ.
Tờ giấy chính quyền cấp đất cho người canh tác gọi địa khoán hay bằng khoán. Người có nhiều đất hợp pháp, tức có bằng khoán, địa khoán, được công nhận là địa chủ. Sau này người ta ít gọi tiếng địa chủ mà gọi điền chủ cho thanh nhã hơn. Ngữ nguyên của địa chủ, điền chủ là mang tính tốt đẹp, dần dần trong quá trình canh tác, do nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa những người này với tá điền (người mướn đất) nên danh từ ấy thường được dùng để chỉ những người có quá nhiều đất, bóc lột công sức của tá điền.
Đất bị nhà nước trưng dụng để thực hiện công trình lợi ích chung thì phần đất ấy gọi là địa dịch. Nếu đem bán hay cầm thì tờ giấy chuyển đổi chủ quyền (tạm) ấy gọi là địa khế. Người có nhiều đất được xem là địa nghiệp, vì đất là địa sản. Nếu đất ấy có huê lợi thì gọi địa lợi. Những gì có trên cuộc đất ấy (như đường, cầu, cây, nhà, đìa, bàu...) thì gọi địa vật. Nếu trên ấy chỉ có nhà thôi thì gọi là địa ốc. Nói thổ tính hay thổ chất hoặc địa chất là muốn nói đến tính chất của đất. Nhưng nếu nói thổ nghi hay thổ ngơi là nói chất đất đó thích hợp với những loại cây trồng nhất định nào đó mà thôi.
Đất do ông bà cha mẹ đã qua đời, để lại cho con cháu thừa hưởng, và lấy huê lợi từ đất ấy để dùng vào việc tế tự, giỗ chạp thì gọi đất hương hỏa (nguyên nghĩa là hương và lửa, chỉ việc thờ cúng, nhang đèn), không được bán. Tuy nhiên, nếu người thừa hưởng lâm cảnh cơ cực, nghèo hèn quá mức mà trong thân tộc đều đồng ý thì vẫn được phép cho thuê, hoặc ngậm ngùi bán đứt!
Về phương thức, nếu áp dụng kiểu gieo sạ trên một diện rộng, không chú ý nhiều đến năng suất thì gọi quảng canh; nếu chuyên chú chăm sóc vẹn toàn để năng suất được nâng cao (thường là trên một diện tích nhỏ) thì gọi thâm canh (nguyên nghĩa là cày sâu, kỹ). Trên một diện tích mà trồng luân lưu nhiều loại cây thì gọi đa canh; nếu từng mùa vụ đều thay đổi cây trồng ngay trên miếng đất ấy thì gọi luân canh. Nếu vụ nào cũng chỉ chuyên trồng một loại cây thì gọi độc canh hoặc chuyên canh. Người ở địa phương này đến làm ruộng rẫy tại một địa phương khác thì gọi xâm canh (khái niệm về tiếng địa phương nói ở đây, có khi là thôn, làng có khi là huyện, tỉnh). Nếu trực tiếp canh tác, không cho người khác thuê đất để “phát canh thu tô” thì gọi trực canh. Những miếng đất có canh tác mà nhiều chủ khác nhau và giáp ranh nhau thì gọi liên canh hay liền canh. Nếu nghèo quá phải đem đất đi cầm, thế để lấy tiền xài thì gọi cố đất.
Người chuyên sống nghề ruộng rẫy, mà không có đất, phải thuê mướn đất, thường phải chịu nghèo khổ gọi bần nông, tệ hơn thì gọi bần cố nông (đó là hạng người “không có một cục đất chọi chim”, hoặc “không có một miếng đất cắm dùi”). Người đất ít, chỉ một vài công thì gọi tiểu nông, đủ làm đủ ăn thì gọi trung nông lớp dưới, nhiều hơn thì gọi trung nông lớp trên, nhiều đến mức “cò bay mỏi cánh” thì gọi đại điền chủ hoặc phú nông (các thuật ngữ này về sau người ta thường dùng để phân biệt giai cấp).
Trong đo đạc, nếu đo từ đông sang tây thì gọi quãng hay mạch, đo từ nam qua bắc thì gọi thiên hay luân; dụng cụ đo là “cây tầm” (cây tre, dài khoảng 3m, chính xác là 2,435m hoặc 2,633m, tùy quy định cụ thể từng lúc, từng nơi. Sau này mới gọi diện tích đất bằng công, sào, mẫu... (tính theo thước ta), rồi hecta (tương đương mẫu) tính theo mét. Tuy nhiên trước đó người ta chỉ gọi chung chung là thửa, khoảnh, sở, dây, vạc, miếng..., tất cả đều không biết lớn nhỏ cụ thể là bao nhiêu (kể cả trong báo cáo với cấp trên), ngoại trừ thuật ngữ lô (phần) là mang dạng “trăm ngang ngàn dọc” (100m x 1.000m) mới dùng hồi cuối thập niên 50 thế kỷ XX.
***
Trong quá trình lịch sử, do nhiều nguyên nhân, ruộng đất lại tập trung vào tay một số người, nên hầu như dưới thời phong kiến, triều đại nào cũng quan tâm phân bổ ruộng đất lại. Mỗi lần chia cấp ruộng đất như vậy, tất nhiên không tránh được tình trạng xáo canh, thậm chí xáo cư, chồng chéo rất phức tạp, kẻ mất, người được... Đã có không ít những trường hợp mâu thuẫn gay gắt, cuối cùng cũng xuôi vì bà con ta lúc nào cũng sẵn mang trong người tình tương thân tương trợ, “nhường cơm sẻ áo” một truyền thống tốt đẹp rất đáng ghi nhận.
Ruộng thấp còn gọi ruộng cỏ, tức thảo điền. Đó là vùng mà mùa mưa thì bùn lầy, mịt mùng đưng, lác, năn, cỏ các loại. Đến mùa nắng thì nóng cháy da, đất khô nứt nẻ. Muốn gieo sạ tất nhiên phải dọn cỏ, chờ mưa cho mềm đất mới có thể hạ canh. Trịnh Hoài Đức ghi trong “Gia Định thành thông chí” về loại đất này: “nhiều cỏ lác, cỏ năn và bùn lầy, ngày nắng ráo thì đất rạn nẻ như vân mu rùa, kẽ nẻ sâu to, phải đợi nước mưa ngấm no cho bùn tan rã rồi mới cày được, mà trâu cày tất phải chọn con nào sức khỏe chân cao mới có thể dùng nổi, nếu không thì sa lầy không đứng dậy được (...). Ở trấn Phiên An và trấn Biên Hòa, những ruộng cày bằng trâu thì một hộc thóc giống thu hoạch được 100 hộc thóc. Trấn Vĩnh Thanh ruộng chằm không dùng trâu cày, đợi đến khi cuối mùa hạ sang mùa thu, nước mưa đầy tràn, chỉ phá cỏ lác, cỏ năn, bừa cỏ đi, be đắp làm bờ, trang đất cắm mạ, một hộc thóc giống thì thu được 300 hột thóc”.
Ruộng cao tức sơn điền hay ruộng núi hoặc ruộng gò, cỏ hoang cũng không phải ít, toàn những loại thân cứng, nên trước hết phải chặt phá, dọn dẹp, rồi đốt cho cháy sạch thành tro, chờ mưa xuống đất ướt mới gieo sạ được, gọi “đao canh hỏa nậu”. Sách “Gia Định thành thông chí” ghi nhận cách khai thác loại ruộng này: “Khi mới khai khẩn thì đẵn chặt cỏ cây, đợi cho khô đốt thành tro, đến khi mưa xuống cứ thế mà gieo thóc, không phải cày bừa, dùng sức ít mà được lợi nhiều, 3 hay 5 năm lại đổi trồng chỗ khác...”.
Có thể nói từ xưa, ém phèn hay dằn phèn là một kỹ thuật canh tác của nông dân vô cùng độc đáo: bắt cây lúa phải cắm rễ trên vùng đất bất lợi bằng cách thực hiện làm đất (cày, bừa) ngay sau khi thu hoạch, lúc đất còn giữ được độ ẩm cần thiết để cắt đứt các mao dẫn, tránh làm cho phèn bốc hơi lên mặt đất, tức không cho “dậy phèn”. Đất không trồng được lúa, người ta vẫn trồng được các loại hoa màu có bộ rễ cạn. “Ém phèn” là mới chỉ ngăn không cho phèn trồi lên mặt đất, cho nên bà con còn tạo điều kiện tống dần phèn ra khỏi đất, bằng cách đào nhiều kinh, mương để “rỏ phèn” (tức làm cho chất phèn rỏ xuống kinh mương). Vào mùa nước ngập, đất sẽ được dòng chảy rửa và chuyển phèn ra sông, biển. Do nước mỗi năm mới ngập một lần, nên công việc này phải qua một quá trình hàng nhiều chục năm mới đem lại kết quả.