Trong quá trình quan hệ giao lưu giữa ba dân tộc Hoa, Việt, Khmer ở vùng đất Nam bộ, một số phong tục, tập quán của người Hoa có phần thay đổi nhằm thích hợp với môi trường mà họ đang sinh sống. Tuy nhiên, ở một số nơi, người Hoa ngày nay vẫn còn lưu giữ lại một vài nét riêng của mình. Người Hoa rất chú trọng đến những điều kiêng kỵ khi cất nhà, mở cửa tiệm, cở sở buôn bán, dựng vợ gả chồng cho con cái... Đặc biệt là việc cất nhà được bà con xem xét rất chu đáo, kỹ lưỡng. Đối với những dân tộc Á Đông, căn nhà là nơi trú ngụ quan trọng nhất của đời người, liên quan đến vận mệnh của những thành viên trong gia đình cùng việc thành bại của công ăn việc làm, buôn bán, đau yếu, bệnh hoạn riêng người Hoa càng cẩn trọng trong việc cất nhà- đến từng chi tiết nhỏ.
Chuẩn bị cất nhà, người Hoa xem kỹ về sách vở, phong tục tập quán, mời những người hiểu biết về thuật phong thủy xem ngày giờ khởi công. Ngôi nhà nhằm hướng tới sự trường tồn, trường thọ, phát huy dòng họ, thành đạt trong buôn bán kinh doanh... Người Hoa cho rằng không nên cất nhà trên đường nước chảy, như cống, rãnh... vì sợ gia cảnh sẽ nghèo khó, làm ăn lụn bại hoặc nếu kinh doanh phát đạt thì cũng không giữ được tiền vì tiền sẽ theo nguồn nước chảy đi... Còn có kiêng kỵ nhà phía trước lớn rồi nhỏ dần về sau - mọi thứ của cải tiền bạc sẽ bay ra hết. Nhà phải “đầu nhỏ đuôi lớn” thì mới tốt theo kiểu con heo bỏ ống để đựng tiền. Miệng nhỏ nhưng bụng to, tiền vào nhà thì dễ nhưng ra thì khó. Cửa cái nhà không được trùng khít với cửa nhà đối diện, vì nếu nhà kia làm ăn phát đạt, giàu có thì nhà mình sẽ thất bại, nghèo khó và ngược lại. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không thể làm khác được thì treo một tấm bùa bát quái ở trước cửa nhà để khắc phục, cũng nhằm ngăn ngừa tà ma, bệnh tật và những điều xui xẻo. Nhà của người Hoa dù là mấy gian thì cũng không bao giờ thiết kế suông đuột từ nhà trước đến nhà sau, ngoài đường nhìn vào thấy tận nhà bếp, mà luôn phải có vách ngăn, trổ cửa sang bên, tránh trùng với cửa cái.
Bên cạnh xem ngày, giờ, chọn thế đất, hướng xây nhà, kết hợp cả những quan niệm lưu truyền trong dân gian, còn phải cúng thổ địa để hướng đến một ước vọng an lành, thịnh vượng, trường thọ và phát tài.
|
Cháu mừng tuổi ông bà sáng mồng Một ở gia đình người Hoa. Ảnh: CÔNG KHANH |
Người Hoa có tinh thần đoàn kết cao, tương thân tương ái trong cuộc sống cộng đồng. Họ sẵn sàng giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hay bất cứ việc gì nếu có thể. Tuy nhiên, khi đang ăn cơm thì tuyệt nhiên không bao giờ bố thí cho những người hành khất. Bởi bữa cơm là trọng đại, là lúc đang hưởng thành quả lao động của mình nên không thể ban bố cho ai cả. Trong bữa cơm mà họ bố thí cho người khác, cũng đồng nghĩa với việc đem chén cơm manh áo của mình cho người khác. Trong bữa cơm, khi bới cơm người Hoa không bao giờ bới một vá cho đầy chén, bởi bới một vá chỉ dùng để cúng tổ tiên, ông bà. Nếu một vá đầu mà lỡ bới đầy chén thì họ vẫn phải giả vờ bới thêm một vài vá không nữa.
Trong những ngày giáp Tết, người Hoa thường hay dùng lá bưởi ngâm vào thau nước dùng để tẩy rửa những vật dùng buôn bán, dùng nước này để lau bàn thờ, rửa những thứ quan trọng... Bà con quan niệm lá bưởi giúp tẩy trần những điều xui xẻo, không may mắn, đem lại phước lộc tiền tài, giúp gia đình an khang thịnh vượng. Thật ra, hiện nay ít ai giải thích được tại sao phải chọn lá bưởi mà không chọn lá khác. Chỉ biết đó là thói quen, là phong tục do ông bà truyền lại phải theo.
Giống như người Việt, người Hoa cũng cử quét nhà trong ba ngày Tết, nhưng không tuyệt đối hóa vấn đề này. Nếu nhà cửa quá dơ thì họ cũng sẵn sàng quét. Nhưng trước khi quét, người ta để dưới đất một bao lì-xì, một trái quýt rồi mới quét, quét xong lại lượm lên. Vì tiền lì-xì là tiền hên, còn trái quýt thì do đọc theo âm Quảng Đông là “cách”, đồng âm với từ “kiết” là tượng trưng cho sự cát tường, nên xem quét nhà ngày Tết như là quét tiền tài, quét những điều tốt lành vào nhà mình mà thôi.
Đêm giao thừa, hầu hết các Hội quán của người Hoa ở các địa phương đều đông đúc người. Người ta hành hương về Hội quán là để lạy tạ đất trời, thánh thần đã cho họ một năm an lành, làm ăn phát đạt để xin lộc, để cầu nguyện cho năm mới được an khang thịnh vượng. Những ngày giáp Tết, người người trong Ban trị sự Hội quán mua sẵn rất nhiều chậu bông vạn thọ để sẵn trong Hội quán, vừa để cúng kiếng, vừa để mọi người đến hái lộc, cầu may. Đặc biệt, các đội lân ở địa phương phải đến Hội quán múa để lạy tạ thánh thần trước khi đi múa phục vụ trong Tết. Người ta tin rằng nếu đoàn lân không múa ra mắt thánh thần để được điểm nhãn thì khi đi hoạt động sẽ gặp sự cố...
Tết được người Hoa chuẩn bị rất chu đáo. Họ trang hoàng nhà cửa, sắm sửa mọi thứ để đón xuân. Đặc biệt là về tiền nong trong giao dịch, buôn bán được giải quyết dứt điểm trong ngày ba mươi. Ngày Tết còn có sự họp mặt của bà con dòng họ, bạn bè thân thích,... mọi thức ăn, đồ uống đã được chuẩn bị sẵn để tiếp đãi thân bằng quyến thuộc.
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, được xem như là sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, với hy vọng năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ. Gia đình người Hoa ít đi ngủ sớm mà thường thức để tận hưởng cái không khí ấm nồng trong cái thời khắc quan trọng này. Ba mươi Tết, người Hoa cúng thần tài, tổ tiên, ông bà và các vị thần bằng thịt gà mái. Gà trống thì cúng vào mùng hai hoặc mùng ba Tết. Khi cúng giao thừa xong, cả nhà thường quây quần bên bàn trà, bày bánh trái và trà ra, trong đó người nhỏ tuổi nhất phải rót trà ra mời cha mẹ và anh chị nhằm giáo dục con em họ phải biết kính trên nhường dưới, anh em yêu thương nhau, giúp đỡ nhau mọi chuyện. Cuộc họp mặt nói chuyện vui, bàn chuyện làm ăn - nhất là những người ở xa về... sau đó dọn dẹp đi ngủ, chuẩn bị cho buổi sáng.
Người lớn tuổi ngủ ít. Họ loay hoay làm lụng lặt vặt hoặc chợp mắt một chút và dậy rất sớm để chuẩn bị cúng ngày mùng Một. Khi con cháu thức đến chúc tụng để được người lớn lì-xì một phong bì đỏ, có một ít tiền tượng trưng bởi tiền tiêu Tết đã được cho vào tối ba mươi.
Người Hoa cho rằng màu đỏ là màu tốt lành, thể hiện sự may mắn. Vào ngày Tết nhà của người Hoa thường rực lên màu giấy kim hoa, hồng điều được dán từ trước cửa cho tới trong bếp. Tất cả các lu nước, hũ gạo, tủ đựng đồ, tủ quần áo, máy móc để sản xuất, dụng cụ buôn bán... đều được dán giấy hồng điều để cầu may mắn, phát tài, no ấm... Nhiều câu đối nhỏ viết bằng chữ Hán với mực đen trên giấy đỏ được dán trong nhà nội dung: Trước cửa nhà thường dán câu: “Xuất nhập bình an” hay “Ngũ phúc lâm môn”; nơi thờ thần tài, thổ địa: “Kim ngọc mãn đường”; bàn thờ ông táo: “Định phước táo quân”. Những nơi khác cũng có một số chữ như: Hũ gạo thì họ dán chữ: “Mãn”, với mong muốn gạo lúc nào cũng đầy; tủ quần áo, tủ tiền,... cũng có một vài câu chúc tụng, có khi họ dùng chữ: “Đại kiết” dán ở nơi ấy và dán lên đồ cúng như: Dưa hấu, quýt,...
Trong ngày Tết, người Hoa hay dùng nước ngọt, trà sâm, trà thanh nhiệt, trà hoa cúc hoặc những thức uống bổ dưỡng chứ ít dùng rượu bia. Lạp xưởng thịt heo ướp ngũ vị hương, loại thượng hạng là lạp xưởng ướp rượu Mai quế lộ khiến thịt săn chắc, thơm ngon. Bà con còn làm vịt lạp sấy khô, vịt bắc thảo hay giò heo hun khói bắc thảo và trứng vịt bắc thảo. Họ không bao giờ ăn khổ qua hay bí đao vào ngày Tết vì sợ năm mới lận đận, ốm đau, chuyện xui xẻo đến với họ.
Ngày Tết được người Hoa xem như là ngày hoàn hảo nhất trong năm, cho nên mọi thứ không tốt sẽ không xuất hiện trong ngày này, như: búp bê sứt tay chân, chổi cùn..., cấm trẻ em không được cãi vã nhau, không được nói tục và không được nói những điều không hên...
Quan niệm dân gian của người Hoa ở Nam bộ một số nơi vẫn có một vài điểm dị biệt, nhưng tựu trung vẫn là những quan niệm, tập quán cơ bản. Trong sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa, Khmer ỏ vùng đất Nam bộ, bà con người Hoa đã lưu giữ được khá nhiều nét riêng của mình giúp giữ được bản sắc văn hóa, góp phần làm giàu đẹp và phong phú thêm cho kho tàng văn hóa Việt Nam.
Trần Phỏng Diều