08/09/2020 - 06:02

Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài 

8 tháng năm 2020, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài so với cùng kỳ các năm trước và yêu cầu quản lý vẫn đạt thấp. Tại hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng năm 2020 diễn ra mới đây, các địa phương chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn này. Từ đó, bàn giải pháp thúc đẩy, thực hiện kế hoạch giải ngân đạt mức cao nhất...

Tỷ lệ còn thấp

Công trình Kè chống sạt lở, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn là 1 trong 6 dự án từ nguồn vốn nước ngoài của TP Cần Thơ.

Công trình Kè chống sạt lở, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn là 1 trong 6 dự án từ nguồn vốn nước ngoài của TP Cần Thơ.

Năm 2020, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách Trung ương là 60.000 tỉ đồng; trong đó, dự toán giao cho các địa phương là 38.484 tỉ đồng. Tổng dự toán vốn nước ngoài được Trung ương cho vay lại các địa phương là 26.541,6 tỉ đồng. Tính đến ngày 27-8-2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (cấp phát) năm 2020 từ nguồn vốn nước ngoài của các địa phương là 8.411 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 21,86% so với dự toán được giao; tăng 9,14% so với số liệu đã báo cáo tại thời điểm hội nghị giải ngân ngày 25-6-2020. Số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn vốn vay nước ngoài cho các địa phương vay lại là 5.767,6 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 29,3% so với dự toán.

Bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, đánh giá: Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài ở các địa phương đã cải thiện trong hai tháng qua, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nguyên nhân cản trở công tác giải ngân những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, nguồn vốn năm 2019 được chuyển nguồn, kéo dài song song với công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2020; công tác thực hiện đầu tư như giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu kéo dài; dự án (DA) đầu tư liên tục phải điều chỉnh… Hiện nay qua số liệu rà soát của Bộ Tài chính cho thấy có tới 14 địa phương giải ngân rất thấp; 7 địa phương giải ngân đạt trên 50% kế hoạch. Đặc biệt, 5 địa phương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trả lại kế hoạch vốn, tổng số vốn 1.617,2 tỉ đồng.

Tại TP Cần Thơ, nguồn vốn nước ngoài trên địa bàn thành phố là 2.989 tỉ đồng, bố trí cho 6 DA. Đến ngày 28-8-2020, đã giải ngân đạt 10,61% kế hoạch. Về nguyên nhân chậm giải ngân, ông Nguyễn Thành Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, cho biết: Việc đăng ký vốn của chủ đầu tư và bố trí kế hoạch vốn đầu tư của cơ quan tham mưu có trường hợp chưa sát thực tiễn triển khai DA, chưa lường hết một số khó khăn về thủ tục, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 làm kéo dài thời gian triển khai các giai đoạn của DA, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ giải ngân…

Theo ý kiến của một số địa phương, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện DA nguồn vốn nước ngoài nằm ở khâu thủ tục pháp lý, như: thủ tục tạm ứng; thủ tục điều chỉnh DA... Các DA phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn chất lượng môi trường, xã hội theo yêu cầu của các nhà tài trợ nên mất khá nhiều thời gian. Mặt khác, ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam, máy móc thiết bị phục vụ cho DA chưa thể nhập khẩu vào Việt Nam...

Bàn giải pháp

Trước thực tế trên, Bộ Tài chính cho rằng, thời gian còn lại của năm 2020, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra còn rất nhiều thách thức cho tất cả các bộ, ngành, địa phương. Nếu các bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời, dẫn đến việc lặp lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như năm 2019 sẽ ảnh hưởng lớn đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2016-2020.

Trên cơ sở khó khăn, vướng mắc trong triển khai DA, các địa phương xây dựng giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài trên địa bàn. Ông Nguyễn Thành Phương cho biết: Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu…; khẩn trương triển khai các khu tái định cư tập trung để giải quyết tái định cư cho các DA. Đồng thời, ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng DA. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển vốn cho DA có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA; xem xét điều chuyển chủ đầu tư DA theo thẩm quyền. Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng DA, lập kế hoạch giải ngân từng DA, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng DA…

Theo đại diện tỉnh Hà Tĩnh, tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài của địa phương đến ngày 28-8-2020 đạt 44% kế hoạch. Song hầu hết các chủ đầu tư đã cam kết thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao đến hết năm 2020. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành rà soát tiến độ giải ngân của các DA. Trên cơ sở kết quả rà soát và cam kết của các chủ đầu tư, địa phương sẽ quyết định điều chuyển vốn (đối với kế hoạch vốn thuộc thẩm quyền của tỉnh) hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chuyển kế hoạch vốn của các DA chậm giải ngân để ưu tiên bố trí cho các DA quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh...

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát lại khả năng giải ngân đến cuối năm của từng DA để xem xét, điều chỉnh dự toán cho phù hợp. Với những DA có khả năng hoàn thành giải ngân, phải chỉ đạo sớm giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu để bảo đảm tiến độ… Các địa phương chỉ đạo các chủ DA có số dư tài khoản đặc biệt lớn và kéo dài trên 3 tháng nhưng chưa báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ cần khẩn trương hoàn tất thủ tục lập đơn rút vốn hoàn chứng từ đối với khối lượng công việc đã hoàn thành và đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi; không đợi dồn vào cuối năm mới làm thủ tục hoàn chứng từ. Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát, làm việc cụ thể với các địa phương và các DA có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản đặc biệt này. Đối với các DA giải ngân theo kết quả đầu ra, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, DA để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng DA, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành; không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương trình, DA hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ duy trì tổ chức giao ban tình hình giải ngân vốn hằng tháng để thúc đẩy giải ngân vốn nước ngoài...

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết