12/06/2010 - 21:35

Tìm giải pháp chống ngập cho thành phố

Quốc lộ 91 (đoạn phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) bị ngập khi triều cường dâng cao, người dân qua lại đoạn đường này gặp khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã triển khai lập Dự án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP Cần Thơ. Thời gian qua, đơn vị lập dự án này đã nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của địa phương về nội dung dự án. Đây sẽ là điều kiện để thực hiện các bước tiếp theo nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ngập úng ở TP Cần Thơ...

NGẬP ÚNG NGÀY CÀNG NGHIÊM TRỌNG

TP Cần Thơ có diện tích 1.400km2, nằm dọc theo sông Hậu và cách biển khoảng 86km nên chịu sự chi phối của dòng chảy sông Mê Công (qua sông Hậu), thủy triều biển Đông và mưa nội vùng...

Theo đánh giá của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam (QHTLMN), ngập lụt ở TP Cần Thơ năm sau thường lớn hơn năm trước và ngày càng nghiêm trọng. Hầu hết các quận, huyện của thành phố đều bị ngập khi triều cường hoặc mưa thời đoạn ngắn và ngập nghiêm trọng nhất là ở khu vực quận Ninh Kiều. Các tuyến đường ở quận Ninh Kiều như: Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng, Đại lộ Hòa Bình, Nguyễn Văn Cừ, quanh công viên Lưu Hữu Phước (đường 30-4-Lý Tự Trọng) và Trần Văn Khéo ngập sâu nhất tới 40-50cm và kéo dài khoảng 2-3 giờ; nhiều hẻm ngập 20-30cm và kéo dài 3-4 giờ, có nơi ngập kéo dài hàng ngày khi mưa lớn và triều cường, gây khó khăn rất lớn cho cuộc sống của người dân. Quận Bình Thủy mức độ ngập không nghiêm trọng bằng quận Ninh Kiều nhưng hiện tượng ngập úng đã xảy ra từ rất lâu, độ ngập phổ biến từ 20-30cm trong thời gian 2-3 giờ; khu vực ngập sâu trên 40cm là quốc lộ 91 (đoạn phường Trà Nóc), tỉnh lộ 918 (phường Bình Thủy), đường Trần Quang Diệu (phường An Thới); ở khu vực đất nông nghiệp nhiều nơi ngập sâu 1-1,1m gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Quận Ô Môn độ ngập phổ biến ở các phường từ 20-30cm, nước rút ngay sau mưa khoảng 1-3 giờ; các khu đất sản xuất nông nghiệp có độ ngập 70-80cm, có nơi 1-1,2m, thời gian ngập khoảng 1-2 tháng vào những năm lũ lớn. Quận Cái Răng độ ngập phổ biến 20-40cm, thời gian 2-3 giờ; nơi ngập sâu nhất là khu vực cầu Quang Trung (phường Hưng Phú)...

Nguyên nhân gây ngập úng do TP Cần Thơ có địa hình thấp, trung bình 1-1,5m, nhiều nơi dưới 1m, nên khả năng tiêu thoát nước kém, dễ bị ngập khi gặp lũ, triều cường. TP Cần Thơ có lượng mưa không lớn (1.636mm/năm), nhưng lại thường có những trận mưa trên 50mm hoặc trên 100mm/ngày kết hợp với triều cường gây ngập úng. Trong khi đó, TP Cần Thơ có hệ thống tiêu thoát nước chưa hoàn chỉnh và còn nhiều hạn chế. Ý thức của người dân chưa cao cũng gây ra tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng, nhiều người thường vứt rác xuống kênh rạch và đường ống tiêu thoát nước, xây dựng nhà lấn chiếm kênh rạch làm cho tình trạng tiêu thoát nước khó khăn. Quá trình đô thị hóa cũng là nguyên nhân gây ngập úng nhiều hơn, đối với khu vực nội thành phần lớn đất đai được bê tông hóa, nhựa hóa, xây dựng nhà, công xưởng...; do đó khi mưa xuống hầu như toàn bộ lượng nước mưa tập trung thành dòng chảy (đường trở thành sông) vì không thể thấm xuống đất...

GIẢI PHÁP CHỐNG NGẬP

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp để từng bước giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn như: triển khai Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ có tổng kinh phí đầu tư trên 39,1 triệu USD, giai đoạn 1 của dự án này đã kết thúc và đã mở rộng được 62 hẻm, cải tạo hồ Xáng Thổi...; thành phố đang triển khai giai đoạn 2 của dự án. Ngoài ra, thành phố đã triển khai Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Cần Thơ gồm: xây dựng tuyến cống bao thu gom nước thải sinh hoạt, các trạm bơm, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước mưa hiện hữu, xây dựng nhà máy xử lý nước thải...

Mới đây (vào ngày 4-6-2010), Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cùng với đại diện một số sở, ngành đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về góp ý nội dung Dự án Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ lần cuối cùng, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Phó Viện trưởng Viện QHTLMN (đơn vị lập Dự án Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ), đã trình bày nhiều phương án chống ngập cho thành phố như: ngăn lũ triều cường bằng đê bao nhỏ theo các kênh rạch hiện có; ngăn lũ triều bằng hệ thống đê bao vừa theo các trục thoát nước chính như: rạch Trà Nóc, rạch Bình Thủy, rạch Bằng Tăng, rạch Thơm Rơm, kênh Bà Chiêu, kênh Thắng Lợi... Ngăn lũ triều bằng hệ thống đê bao lớn vùng trung tâm TP Cần Thơ (17.724ha) dọc theo sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Tắc Ông Thục và kênh Ô Môn; các vùng khác bằng hệ thống đê bao vừa. Ngăn lũ triều bằng hệ thống đê bao lớn thành những vùng khép kín theo 2 bờ sông Tiền và sông Hậu kết nối với ven biển Đông và biển Tây; đây là giải pháp lâu dài cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có xem xét đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trong các phương án trên, phương án ngăn lũ triều bằng hệ thống đê bao lớn vùng trung tâm TP Cần Thơ được xem là tối ưu và khả thi nhất để chống ngập cho thành phố. Xét về địa hình cảnh quan, tài nguyên đất, hệ sinh thái thủy sinh, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư... thì phương án này tốt hơn các phương án còn lại. Nếu chọn phương án này chỉ phải đầu tư xây dựng 18 ô bao, 176 cống và 35 trạm bơm; tổng mức đầu tư vào khoảng 6.701,6 tỉ đồng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND thành phố và đại diện một số sở, ngành đã đồng tình với phương án ngăn lũ triều bằng hệ thống đê bao lớn vùng trung tâm TP Cần Thơ, đồng thời có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho Viện QHTLMN hoàn thiện Dự án Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: “Trong những năm gầy đây, TP Cần Thơ ngày càng ngập sâu hơn đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do đó, việc trình Thủ tướng phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ phải càng sớm càng tốt...”. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã thống nhất, 2 bên sẽ soạn thảo tờ trình và hoàn thiện nội dung dự án (trong đó có xin cơ chế về vốn đầu tư thực hiện dự án), để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: HỒNG BẢO

Chia sẻ bài viết