02/06/2019 - 11:08

Tìm dư địa cải thiện môi trường đầu tư 

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, gắn với nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 - 2018, TP Cần Thơ đã từng bước cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố đang phấn đấu vào “Nhóm địa phương có chất lượng điều hành Tốt” năm 2019. Để đạt mục tiêu này, thành phố phải nỗ lực tìm dư địa cải cách hành chính, tạo đột phá trong việc xây dựng môi trường đầu tư.

Cán bộ Chi cục Thuế quận Bình Thủy tư vấn, hỗ trợ thủ tục cho người nộp thuế.

Tăng niềm tin

Theo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và nâng cao chỉ số PCI, thành phố ghi nhận đã đạt được 18 kết quả trên các lĩnh vực liên quan. Đơn cử như chỉ số PCI của thành phố năm 2018 tăng 4 bậc so với năm 2014; hệ sinh thái khởi nghiệp từng bước được hình thành; hoạt động “Gặp gỡ giữa chính quyền và doanh nghiệp” được tổ chức định kỳ 2 đợt/năm; Nghị quyết số 19 đã được thành phố cụ thể hóa thành các Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể và giao cho các sở, ngành, quận, huyện triển khai theo từng đầu công việc; Xây dựng chính sách đầu tư phát triển cụm công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Một trong những điểm nhấn đặc biệt quan trọng là trong năm 2018, thành phố đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, đối với 48 dự án mời gọi đầu tư trực tiếp, đã có 28/48 dự án có Nhà đầu tư đăng ký. Trong đó 8 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư 22.610 tỉ đồng; 3 dự án đang trình UBND thành phố xem xét quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn 8.096 tỉ đồng. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn lập phương án đấu giá hoặc đã có nhà đầu tư đang nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất theo quy định của Luật Đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, năm 2018, Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.335 doanh nghiệp các loại hình, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 7.749 doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân 5,47 tỉ đồng/doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại nền kinh tế sau khi tạm ngừng hoạt động đạt 67,12%, tỷ lệ hộ kinh doanh đủ điều kiện đồng ý chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp đạt trên 14%. Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký tăng vốn trên 30,8% với số vốn tăng bình quân 15 tỉ đồng/doanh nghiệp. Điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố có nhiều chuyển biến, tạo được niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.

Quyết tâm tạo đột phá

Trong giai đoạn 2014-2018, một kết quả quan trọng của thành phố trong việc cải thiện chỉ số PCI chính là nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Nổi bật như tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập qua mạng, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp từ 7 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc; giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 15 ngày; thời gian cấp phép xây dựng trong khu chế xuất và khu công nghiệp được rút ngắn xuống còn 10 ngày; Rút ngắn thời gian cấp C/O không quá 4 giờ làm việc đối với xuất khẩu bằng đường hàng không; không quá 8 giờ làm việc đối với xuất khẩu bằng các phương tiện khác; các hồ sơ được giải quyết trước hạn đạt 60% và đúng hạn là 40%; các hồ sơ nhận qua đường bưu điện được trả trong ngày…

Thời gian qua công tác hoàn thuế được thực hiện đúng quy định, thời gian giải quyết đối với hồ sơ hoàn thuế 6 ngày làm việc, đối với hồ sơ kiểm tra trước khi hoàn thuế là 40 ngày làm việc; thời gian kiểm tra thuế được thực hiện không quá 5 ngày, thời gian thanh tra thuế không quá 30 ngày.

Theo ông Lê Tấn Nẫm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, để không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, công tác kiểm tra, thanh tra thuế được thực hiện theo kế hoạch, trên cơ sở phân tích hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; xác định các tiêu chí kê khai của người nộp thuế có rủi ro cao. Quá trình kiểm tra, thanh tra thuế đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và quy trình thanh tra, kiểm tra thuế, không gây khó khăn, phiền hà làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.

Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp, các Hội nghề nghiệp của thành phố cũng phát huy tích cực vai trò của mình.  Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, Hiệp hội luôn nỗ lực để làm tốt vai trò là cầu nối giữa chính quyền thành phố và các doanh nghiệp trong Hiệp hội. Hiệp hội mong muốn thành phố tiếp tục tạo điều kiện cùng Hiệp hội tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe các để xuất, kiến nghị và giải quyết kịp thời. Hiệp hội cũng khuyến khích các doanh nghiệp, các sở ngành chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ số để không bị tụt hậu trong hội nhập.

Để vào “Nhóm địa phương có chất lượng điều hành Tốt” theo kết quả đánh giá chỉ số CPI, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần phát huy hơn nữa Mô hình một cửa và một cửa liên thông, rà soát, kiện toàn các quy chế phối hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, các sở, ngành thành phố đang rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, tạo mọi thuận lợi, rút ngắn thời gian, chi phí và rủi ro thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp, người dân và các nội dung có liên quan đến các chỉ số thành phần thuộc tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thành phố cũng xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống, nhất là đổi mới quy trình quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Bài, Ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết