15/05/2014 - 15:53

VĨNH THẠNH

Tìm “đầu ra” cho cánh đồng lớn

Vụ đông xuân 2013-2014, huyện Vĩnh Thạnh có 26 cánh đồng lớn (CÐL) với tổng diện tích 6.385ha, tăng 11 CÐL và tăng 2.934ha so với vụ trước. Mặc dù diện tích CÐL được mở rộng đáng kể song chỉ có khoảng 39% tổng diện tích CÐL được doanh nghiệp (DN) cam kết thu mua, tương đương 2.500ha lúa. Tìm giải pháp nâng chất CÐL và huy động các DN tham gia bao tiêu lúa đảm bảo đầu ra cho nông dân là mục tiêu huyện Vĩnh Thạnh đang thực hiện.

* Thiếu DN bao tiêu

Vụ đông xuân 2013-2014, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có 7 DN tham gia bao tiêu lúa và 7 DN tham gia cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Ông Phan Văn Năm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Với hình thức DN tham gia đầu tư lúa giống, vật tư đầu vào cho nông dân, các hợp đồng bao tiêu được thực hiện suôn sẻ hơn, sự đồng thuận giữa đôi bên cao hơn. Trong vụ đông xuân DN thu mua chủ yếu là các giống Jasmine 85, OM 5451, Nàng Hoa 9, AG PPS 103, OM 2517, DS1. Trong đó Jasmine 85 là giống chủ lực được DN bao tiêu nhiều nhất. Điều làm nông dân phấn khởi là giá lúa các DN thu mua cùng thời điểm, cùng chủng loại cao hơn giá thị trường 100 đồng đến 200 đồng/kg. Các DN thường thanh toán cho nông dân sau khi bán từ 1-3 ngày, có DN thanh toán tiền mua lúa tại nhà máy, có DN chi trả tiền tại hộ gia đình. Việc thanh toán tương đối thuận lợi đối với những DN có quan hệ hợp tác với nông dân qua một số vụ. Tuy nhiên, việc mua lúa theo hợp đồng đã ký đối với các DN mới bước đầu hợp tác với nông dân còn trở ngại, một số DN chậm thanh toán tiền mua lúa nên việc thực hiện hợp đồng còn nhiều khó khăn".

Thu hoạch lúa trên "Cánh đồng lớn" ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: MỸ THANH

Đối với các cánh đồng ngoài mô hình, lợi nhuận bình quân khi sản xuất giống Jasmine 85 của nông dân đạt hơn 23,8 triệu đồng/ha. Trong khi ở các CĐL, cùng loại giống này lợi nhuận của nông dân đạt trên 25,7 triệu đồng/ha. Song, đầu ra của các CĐL vẫn chưa ổn định, diện tích cánh đồng lớn được mở rộng song các công ty chỉ bao tiêu một phần. Ông Hà Thanh Nhân, nông dân CĐL Tân Lợi (xã Thạnh Lợi), cho biết: "Tôi tham gia sản xuất trong CĐL từ năm 2011 đến nay với diện tích 3,5ha. Nhờ được ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng lúa hàng hóa cũng tốt hơn, chi phí sản xuất giảm đáng kể. Tuy nhiên, do CĐL vẫn chưa có DN vào bao tiêu sau 6 vụ sản xuất nên bà con bán tự do cho thương lái bên ngoài theo giá thị trường. Việc tăng thu nhập của CĐL chủ yếu nhờ vào tiết giảm chi phí sản xuất, song nếu có DN vào bao tiêu thì tôi cùng bà con trong cánh đồng sẽ yên tâm hơn".

Với mục tiêu nâng chất lượng lúa hàng hóa, gia tăng thu nhập cho nông dân, huyện Vĩnh Thạnh đã vận động mở rộng được các CĐL gắn với nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng lúa gạo. Song, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, vẫn băn khoăn: "Diện tích cánh đồng lớn tăng, chi phí sản xuất giảm nhưng mối liên kết "4 nhà" từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm còn lỏng lẻo, diện tích bao tiêu của DN cho các CĐL chưa nhiều. Huyện chủ động tạo mọi điều kiện cho các DN bao tiêu như hoàn thiện hệ thống đê bao tại các khu vực sản xuất CĐL, cải thiện, nâng cấp hạ tầng thủy lợi để DN thuận tiện đưa ghe vào thu mua lúa. Đồng thời, cam kết hỗ trợ tạo điều kiện cho những DN muốn đầu tư hạ tầng thu mua kho chứa trên địa bàn. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề đầu ra cho các CĐL đòi hỏi phải có sự tham gia của ngành công thương, ngành nông nghiệp thành phố trong việc gắn kết trách nhiệm 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa".

* Hợp lực mở lối ra

Theo các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ, thực hiện lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đòi hỏi DN phải có nguồn năng lực tài chính để đầu tư hệ thống kho chứa, lò sấy và cung ứng giống vật tư đầu vào cho nông dân. Vì thế, các DN phải triển khai từng bước căn cứ vào nhu cầu thực tế và năng lực hiện có. Đối với các CĐL đã triển khai qua nhiều vụ trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, hiện các DN đang tập trung nâng chất phát triển CĐL theo chiều sâu, áp dụng quy trình quản lý chất lượng chặt chẽ hơn để cung ứng cho các thị trường xuất khẩu khó tính. Ông Nguyễn Minh Trung Đức, Phó Phòng Đầu tư Công ty Cổ phần Gentraco, cho biết: "Hiện công ty cũng đã ký hợp đồng bao tiêu 300ha giống OM 4218 cho vụ hè thu 2014 trên địa bàn Vĩnh Thạnh. Mặc dù các CĐL đã đi vào sản xuất ổn định song một số nông dân trong cánh đồng lớn vẫn còn tâm lý e ngại khi công ty đưa vào áp dụng các quy trình canh tác mới để quản lý chất lượng lúa hàng hóa theo yêu cầu ngày càng cao của khách hàng nhập khẩu. Vì thế, ngành nông nghiệp thành phố và địa phương cần hỗ trợ DN trong việc vận động nông dân tuân thủ các quy trình sản xuất mà công ty yêu cầu thực hiện".

Nắm bắt những khó khăn của Vĩnh Thạnh trong việc liên kết với DN xuất khẩu gạo, tại hội nghị Sơ kết tình hình sản xuất, thực hiện CĐL vụ đông xuân 2013-2014 và triển khai kế hoạch sản xuất, bao tiêu các CĐL vụ hè thu 2014, Sở Công thương thành phố đã mời một số thương nhân xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cùng tham gia hội nghị và cung cấp các thông tin liên quan đến các CĐL ở Vĩnh Thạnh chưa có DN vào bao tiêu nhằm kết nối DN với Ban quản lý các CĐL để ký kết hợp tác hình thành vùng nguyên liệu cho DN. Theo ông Đỗ Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hiệp Lợi, Công ty hiện tham gia bao tiêu tại tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp và huyện Thới Lai với các giống Jasmine 85, ST5, IR50404. Với trụ sở chính đặt tại TP Cần Thơ, công ty cũng mong muốn hợp tác với các CĐL ở Vĩnh Thạnh chưa có DN vào bao tiêu để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Ban quản lý các CĐL nào chưa có DN bao tiêu có thể chủ động liên hệ với Công ty để giới thiệu về năng lực sản xuất, quy mô của cánh đồng và bàn bạc hướng hợp tác lâu dài.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, khẳng định: "Vĩnh Thạnh là một trong những địa bàn sản xuất lúa hàng hóa trọng điểm của thành phố. Với nỗ lực tìm đầu ra cho các CĐL của Vĩnh Thạnh, Sở Công thương đóng vai trò đầu mối kết nối các DN xuất khẩu gạo với địa phương và Ban quản lý các CĐL để ký kết các hợp đồng bao tiêu cho các CĐL. Về phía địa phương phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất trong CĐL tuân thủ các quy trình kỹ thuật theo yêu cầu công ty, quản lý tốt dư lượng phân thuốc để nâng cao chất lượng lúa gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Theo lộ trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, các thương nhân xuất khẩu gạo bắt buộc phải xây dựng vùng nguyên liệu thông qua các CĐL. Vì vậy, các DN cũng cần chủ động nắm bắt thông tin về việc phát triển quy mô các CĐL của thành phố nhằm chủ động tìm kiếm vùng nguyên liệu phù hợp với yêu cầu và năng lực sản xuất bao tiêu của đơn vị mình".

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết