28/03/2008 - 09:05

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát

Tiếp tục chương trình làm việc, trong 2 ngày 26 và 27-3 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ, tháng 3, để thảo luận và cho ý kiến các dự án Luật (sửa đổi) và dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa.

Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận sâu về các dự án Luật (sửa đổi) Thi đua khen thưởng, Phòng chống ma túy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Các tổ chức tín dụng, Giao thông đường bộ, Thi hành án dân sự và Quốc tịch. Đa số các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng trước và trong khi điều khiển ô tô; giảm nồng độ cồn trong máu từ dưới 80 miligam/100 mililít máu xuống dưới 50 miligam/100 mililít máu đối với người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy. Các thành viên Chính phủ cũng ủng hộ việc hình thành Quỹ bảo trì đường bộ, từ các nguồn khác nhau như phí sử dụng cầu đường, phí dịch vụ quảng cáo dọc hai bên đường, tiền từ bán đấu giá công khai những biển số đẹp theo yêu cầu của người sử dụng khi đăng ký xe cơ giới. Mặt khác để đảm bảo an toàn cho người đi xe khách, cũng cần sát hạch, kiểm tra chất lượng, nâng độ tuổi của người lái ô tô chở từ 10 người chở lên. Các thành viên Chính phủ cũng đồng ý việc nâng thẩm quyền của lực lượng Công an trong việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và thanh tra, xử lý việc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Về dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi) các thành viên Chính phủ nhất trí bỏ điều 3 của Luật Quốc tịch năm 1998. Nguyên tắc một quốc tịch là cứng nhắc và thực sự khó khăn trong triển khai trên thực tế, bởi vì qua hơn 9 năm thực hiện cho thấy nó không phù hợp với xu hướng hội nhập và không đáp ứng nguyện vọng thiết tha của một bộ phận khá lớn người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Do vậy, dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi) qui định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa được thôi, chưa bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc chưa bị mất quốc tịch Việt Nam theo điều ước quốc tế thì vẫn là người có quốc tịch Việt Nam”. Dự thảo cũng qui định một số trường hợp công dân nước ngoài nếu được Chủ tịch nước cho phép thì sẽ được mang cả quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài bao gồm: Người có chồng, vợ, cha, mẹ hoặc con là công dân Việt Nam; người có Huân chương, huy chương, danh hiệu cao quí do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng hoặc có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; người mà khi được nhập quốc tịch Việt Nam có lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, an ninh quốc phòng của Việt Nam. Trong dự thảo cũng qui định miễn một số điều kiện đối với những người nhập quốc tịch Việt Nam hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam.

Thảo luận về dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa, đa số các thành viên Chính phủ nhất trí chỉ nên mở trong 3 lĩnh vực là giáo dục, văn hóa - thể dục thể thao và y tế. Theo đó, các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa như giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao, khoa học công nghệ, môi trường, xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em, sẽ được ưu đãi, khuyến khích trong giao đất, cho thuê đất. Theo dự thảo Nghị định, cơ sở được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động xã hội hóa trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động. Cơ sở xã hội hóa được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà thời gian hưởng ưu đãi theo các qui định trước đây đã hết thì được hưởng thuế suất 10%. Đồng thời, để khuyến khích đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động. Một số thành viên Chính phủ cũng đề nghị các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng danh mục các loại hình, tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn của từng lĩnh vực xã hội hóa, sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành tiếp thu ý kiến đóng góp hoàn thiện các dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét phê chuẩn, đồng thời nhắc nhở các thành viên Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của kế hoạch năm, trong đó quyết liệt chỉ đạo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tăng cường công tác dự báo sát với tình hình thực tiễn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới sụt giảm đang tác động đến kinh tế nước ta.

T.T (TTXVN)

Chia sẻ bài viết