23/09/2023 - 18:10

Tiếp tục hỗ trợ tổng cầu, tăng niềm tin kinh doanh cho doanh nghiệp

Tháng 8-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng nhẹ (tăng 2,6%) so với cùng kỳ năm 2022, do nhu cầu tiêu dùng trong nước mở rộng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên nếu tính chung 8 tháng, IIP giảm 0,4% so với cùng kỳ, doanh thu thương mại - dịch vụ vẫn chưa phục hồi về ngưỡng trước đại dịch. Tăng trưởng tín dụng tháng 8-2023 tăng nhẹ lên 9,4% (so cùng kỳ), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng của những năm gần đây, điều này cũng phản ảnh niềm tin của nhà đầu tư và đầu tư của khu vực tư nhân tiếp tục yếu. Bên cạnh đó, bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, nhóm hàng thực phẩm và nhà ở là hai nguyên nhân chính làm tăng CPI. Các hoạt động kinh tế chậm lại cũng làm số thu ngân sách giảm (giảm 9,1% so cùng kỳ); thâm hụt ngân sách lũy kế đến tháng 8-2023 khoảng 2,3 tỉ USD…

Các chỉ số này phản ánh, dù tín hiệu tổng cầu tháng 8, tháng 9-2023 có tăng nhẹ nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cập nhật những diễn biến kinh tế Việt Nam gần đây, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) nhận định, trong khi sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu có thể đã chạm đáy và tiêu dùng trong nước vẫn ổn định, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu. Những biến động tăng giá gần đây của giá năng lượng toàn cầu đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ về lạm phát CPI. Điều này cũng có thể ngăn cản Ngân hàng nhà nước nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Việc tiếp tục duy trì trạng thái thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy cần đảm bảo việc quản lý ngoại hối linh hoạt để ứng phó với các điều kiện bên ngoài. Ngoài ra, tăng tốc hơn nữa giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn; để thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn cần tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh và ưu tiên ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi, đầu tư thêm vào nguồn nhân lực.

Một số dự báo gần đây của các tổ chức quốc tế và trong nước cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III-2023 sẽ phục hồi khả quan hơn so quý II và tăng tốc trong quý cuối năm nay. Song, các dự báo cũng lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 của Việt Nam, do tổng cầu thế giới vẫn ở xu thế bấp bênh, khó đoán định. WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng 4,7% (trong khi dự báo trước đó là tăng 6,3%). Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam về mức 5,8%, so với dự báo 6,5% trước đó. Còn Tổ chức OECD điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay ở mức 4,9% do các khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải… Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với các dự báo hồi đầu và giữa năm 2023, nhưng các tổ chức cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt vào năm 2024 và tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, vững chắc hơn.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết