07/08/2022 - 10:09

Tiếp tục gỡ khó, thúc đẩy đà phục hồi kinh tế 

GIA BẢO

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), trong 7 tháng đầu năm 2022, khó khăn bủa vây và chịu nhiều sức ép lớn của bối cảnh thế giới, nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo và được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Tuy nhiên, tăng trưởng của nhiều nền kinh tế thế giới đang chậm lại, các nước tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất, chi phí sản xuất tăng… sẽ là những thách thức đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước.

Cầu Mỹ Thuận 2 (vốn ngân sách nhà nước) đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Ảnh: AN CHI

Tăng trưởng trong khó khăn

Trong 7 tháng đầu năm nay, bối cảnh thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhất là trong lĩnh vực tiền tệ, giá cả hàng và các rào cản thương mại tăng… đã tạo áp lực rất lớn đối với các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng với sức chống chịu có hạn trước nền kinh tế vừa phải ứng phó với những tác động từ bên ngoài, vừa phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải quyết những khó khăn nội tại. Ðiều đó đòi hỏi phản ứng chính sách thận trọng, nhưng phải linh hoạt, kịp thời, quyết liệt và hiệu quả để đạt các mục tiêu phục hồi và phát triển.

Theo Bộ KH&ÐT, chỉ số CPI 7 tháng chỉ tăng 2,54%, cơ bản ổn định so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Các cân đối xuất nhập khẩu duy trì ở mức thặng dư, xuất siêu 764 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ, đảm bảo cho các nhiệm vụ chi, tạo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa và triển khai các chương trình chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 8,8%; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trên 130.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp 1,4 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Những điểm sáng của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm nay đã phản ánh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp và hưởng ứng tích cực của người dân. Các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh đang phát huy hiệu quả tích cực. Thống kê của Bộ Tài chính, đến hết tháng 7-2022, tổng số thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh khoảng 89.200 tỉ đồng. Còn theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lũy kế đến cuối tháng 6-2022, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên 722.000 tỉ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng; miễn, giảm lãi cho hơn hơn 562.000 khách hàng với hơn 92.000 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 6-2022, tổng số tiền lãi các TCTD đã giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 50.000 tỉ đồng…

Cùng với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (S&P, Fitch Ratings, Moody’s) đều xếp hạng triển vọng “ổn định” và “tích cực” và đánh giá kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt hơn kỳ vọng. Cuối tháng 7-2022, IMF đã tiếp tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 từ 6% lên 7%, trong khi hạ mức dự báo của nhiều quốc gia khác. Nhiều chuyên gia nhận định khả năng chống chịu của nền kinh tế là khá tốt tại thời điểm hiện nay, nhưng vẫn cần tháo nhiều điểm nghẽn mới có thể đạt mục tiêu phục hồi như kỳ vọng.

Còn nhiều thách thức phải vượt qua

Mới đây, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, các báo cáo và ý kiến đã nhận định, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế có nhiều khởi sắc, nhiều ngành kinh tế phục hồi. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 27-7-2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,44% so với cuối năm 2021 và tăng 16,6% so với cùng kỳ; mặt bằng lãi suất, tỷ giá duy trì hợp lý, góp phần kiềm chế lạm phát, giảm bớt chi phí vốn, hỗ trợ tích cực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, dù chưa đạt như kỳ vọng, nhưng việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã có bước chuyển biến ban đầu. Thống kê sơ bộ của Bộ KH&ÐT, đến nay đã giải ngân được 48.000 tỉ đồng trong tổng số 301.000 tỉ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ðây là kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc triển khai một số chính sách vẫn còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra, như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ lãi suất cho vay 2%/năm. Nguyên nhân do nguồn phân bổ từ ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa kịp thời; vẫn còn tâm lý sợ sai, lúng túng trong triển khai; ngân hàng cần thời gian để rà soát, xác định các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 cũng nhận định đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31-7-2022 đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 36,71%). Có 17 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt có 1 cơ quan Trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn. Nguyên nhân do giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, điều chỉnh nhiều lần, công tác quản lý dự án còn nhiều bất cập; đồng thời, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công…

Theo các chuyên gia, nhiều nền kinh tế lớn đã và đang thực hiện điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô và biên độ lớn. Ðiều này sẽ ảnh hưởng đến giá cả, tỷ giá đồng ngoại tệ và cán cân xuất nhập khẩu của các quốc gia, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do tác động của đại dịch và nguy cơ khủng hoảng năng lượng. Vì vậy, cần có thêm giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời cho các hoạt động sản xuất kinh doanh; ổn định giá cả vật liệu đầu vào, nhất là xăng dầu, vật liệu xây dựng… để thúc đẩy các dự án đầu tư công.

TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế, cho rằng, 2 nguồn lực quan trọng để phục hồi kinh tế, đó là vốn đầu tư công và vốn tín dụng ngân hàng. Chính phủ có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chính sách luôn có độ trễ nhất định, nếu việc triển khai chậm đến với các đối tượng thụ hưởng chính sách sẽ gây khó khăn cho đà phục hồi. Bên cạnh đó, một số quốc gia đã điều chỉnh tăng lãi suất, điều này sẽ tác động rất lớn đến chính sách tiền tệ trong nước. “Lâu nay các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng đã khó, thì nay sẽ càng khó hơn, nếu lãi suất cho vay tăng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cần được đẩy mạnh hơn nữa để tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, duy trì đà phục hồi. Nhưng rót vốn phải trên cơ sở nội lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; không thể dàn đều hỗ trợ, vì sẽ không hiệu quả nếu rót vốn cho doanh nghiệp không còn khả năng phát triển. Bản thân doanh nghiệp cũng phải ước lượng sức khỏe của mình để tính toán sử dụng nguồn vốn” - TS Hiệp cho biết.

Chia sẻ bài viết