25/06/2009 - 08:41

Kinh tế 6 tháng 2009

Tiếp tục chiều hướng tăng trưởng dương với tốc độ 3,9%

* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,55%

Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tại cuộc họp giao ban sản xuất tháng 6 được tổ chức ngày 24-6 tại Hà Nội, tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn. Do vậy, tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm nay đạt 3,9%, nhích hơn so với quý I (3,1%). Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng 6,5% của 6 tháng đầu năm 2008, tốc độ này giảm khá mạnh và chỉ bằng 60%.

Bộ KHĐT cho biết: Hầu như các lĩnh vực kinh tế đều giữ được tăng trưởng dương trong 6 tháng qua cho dù chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá xuất khẩu (XK) giảm, thị trường XK bị thu hẹp, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) tháng 6 tăng 8,2% và đây là tháng thứ 5 liên tục tăng tại lĩnh vực này (tháng 2 tăng 8,4%, tháng 3 tăng 2,3%, tháng 4 tăng 5,4%, tháng 5 tăng 6,8%). Tuy nhiên, tính chung với lĩnh vực xây dựng, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ đạt 3,48%, trong khi cùng kỳ năm trước là 7%. Khu vực dịch vụ tăng khá nhất với tốc độ 5,5%, nhưng vẫn thấp hơn con số 7,6% của cùng kỳ năm trước. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt tốc độ tăng trưởng 1,2%, tuy nhiên vẫn thấp hơn một nửa so với cùng kỳ (3,04%).

Về Kim ngạch xuất nhập khẩu, so cùng kỳ 6 tháng 2008, kim ngạch XK chỉ giảm 10,1% với 27,6 tỉ USD ước đạt, song kim ngạch nhập khẩu giảm tới 34% so với cùng kỳ với con số ước đạt 29,7 tỉ USD. Mặc dù như vậy, vấn đề nhập siêu trở lại đang là vấn đề được các bộ, ngành, địa phương lưu tâm; khi mà mức nhập siêu trong 6 tháng qua chiếm 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó riêng tháng 6 lên tới gần 1 tỉ USD và là tháng thứ 3 liên tiếp trở lại nhập siêu. Bộ KH ĐT cho biết, hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên vật liệu cho sản xuất, nhập khẩu cho tiêu dùng chỉ chiếm 10% tổng giá trị nhập khẩu.

Giá cả có chiều hướng tăng cũng là một vấn đề. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,55% so với tháng trước và so với tháng 12-2008 tăng 2,68%. So với 6 tháng cùng kỳ năm trước, chỉ số giá bình quân 6 tháng năm nay tăng 10,27%.

Cuộc họp đã lắng nghe phản hồi của các địa phương, ngành và các doanh nghiệp về các hiệu quả tích cực của các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ cũng như những vấn đề còn khó khăn và hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cũng như các chương trình dự án thuộc các nguồn vốn khác. Theo nhìn nhận chung của cuộc họp, việc giải ngân các nguồn vốn vẫn chậm so với kế hoạch và đây là một trong những trọng tâm cần phải nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa trong 6 tháng cuối năm; cùng với đó là quan tâm xử lý những khó khăn làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn.

* Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã tăng 0,55% so với tháng 5-2009, đưa CPI 6 tháng qua tăng 2,68% so với tháng 12-2008 và tăng 10,27 % so với cùng kỳ 2008.

CPI tháng 6 tăng ở cả 10 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,07-1,45%. Tăng mạnh nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng là 1,45%. Tiếp theo là nhóm đồ dùng và dịch vụ khác với mức tăng 1,36%; nhóm phương tiện đi lại và bưu điện với mức tăng 1,35% trong đó chủ yếu là tăng ở nhóm phương tiện đi lại. Trong tháng 6, nhóm thực phẩm tăng khá mạnh với mức tăng 0,67% trong khi nhóm này chiếm tới 25% trong rổ hàng hóa chung. Tăng thấp nhất vẫn là nhóm giáo dục với mức tăng 0,07%.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại-Giá cả TCTK Nguyễn Đức Thắng, CPI tháng 6 tăng là do giá cả một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, chất đốt tăng khá mạnh; kéo theo sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác. Bên cạnh đó, gói kích cầu tiêu dùng của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6 tăng 2,3% so với tháng 5; 6 tháng tăng 20% so với cùng kỳ 2008 khiến giá cả tăng nhẹ. Trong khi đó, nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào cũng tăng nhẹ khiến chi phí sản xuất bị đẩy lên và giá thành sản phẩm cũng tăng theo. Đặc biệt, với nhu cầu về nhà ở cao như hiện nay, giá nhà đất đang tiếp tục tăng mạnh. Ngoài ra, với việc tăng lương tối thiểu từ 540.000 nghìn đồng/tháng lên 650.000 đồng/tháng; tăng 5% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội từ tháng 5 đã gây ra hiệu ứng tâm lý khiến giá cả nhiều hàng hóa thiết yếu tiếp tục tăng nhẹ.

MINH CHÂU-NGUYỄN KIM ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết