01/09/2008 - 09:56

Tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường

Để cho con có được bộ sách giáo khoa mới, một bộ quần áo mới, những quyển tập trắng tinh tươm… trong ngày khai giảng, nhiều bậc phụ huynh phải tính toán thật chặt chẽ, chi li. Và khi sách vở, quần áo… tăng giá, gánh nặng chi phí đầu năm học càng nặng hơn trên vai người nghèo. Với sự tiếp sức của nhiều chương trình học bổng, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, con đường đến trường của những học sinh nghèo bớt đi gập ghềnh, trắc trở.

* Chi phí đầu năm học: gánh nặng của người nghèo

Dò danh sách học sinh được vào lớp 1 bán trú của Trường Tiểu học Bình Thủy, quận Bình Thủy, chị Nguyễn Thị Nga mừng rỡ khi thấy tên con trai mình. Thế nhưng, sau niềm phấn khởi, chị không khỏi lo lắng khi nhìn đến các khoản đóng góp đầu năm học xấp xỉ 1,3 triệu đồng. Chị nhẩm tính, các khoản tiền trường, sách vở, quần áo... cũng phải tốn khoảng 2 triệu đồng. Đó là chưa kể con trai lớn của vợ chồng chị năm nay vào lớp 10 trường bán công, tốn kém không ít. Chị Nga tâm sự: “Vợ chồng tôi đều là công nhân viên chức nhà nước. Thu nhập của cả hai chỉ tròm trèm 3,5 triệu đồng/tháng. Để lo chi phí đầu năm học cho con, từ mấy tháng nay, vợ chồng tôi chi tiêu hết sức tằn tiện. Vậy mà, bây giờ cũng thiếu trước hụt sau”.

Có việc làm, thu nhập khá ổn định như vợ chồng chị Nga còn cảm thấy gánh nặng oằn trên vai khi lo cho con đến trường, huống chi những gia đình nghèo thành thị. Mỗi lần đến năm học mới là Phan Ngọc Xuân, học sinh lớp 9, Trường THCS Thới Bình, quận Ninh Kiều, lại thêm lo lắng. Xuân kể: “Cha em mất cách nay 10 năm. Mẹ em tái giá nên em sống với bà nội. Bà cháu sống bằng tiền của các cô chú hỗ trợ. Để đóng học phí đầu năm học, mua sắm thêm dụng cụ học tập, quần áo... cho năm học mới, em phải tiết kiệm từ vài tháng trước”. Để có thể học đến lớp 9, hè năm nào, Xuân cũng cặm cụi chằm nón lá thuê, lấy tiền công đóng học phí, mua sắm sách vở...

B Diệp Thị Thu Hồng, Phĩ Bí thư Thường trực Quận ủy Bình Thủy trao qu đầu năm học mới cho học sinh ngho, học sinh giỏi quận Bình Thủy. 

Gần đến ngày khai giảng năm học mới, căn nhà nhỏ trên đường Quang Trung của bà cháu em Thạch Phạm Vĩnh Hà, học sinh lớp 8, Trường THCS An Lạc, cứ đóng cửa suốt. Ở tuổi 70, hằng ngày, bà ngoại của Hà vẫn phải rong ruổi khắp các ngả đường kiếm tiền lo cho cháu ăn học. Hàng xóm của bà kể: “Từ sáng sớm bà ấy đã đi bán vé số đến tối. Về đến nhà, ăn vội miếng cơm rồi bà đi lượm ve chai đến khuya. Hổm rày, thấy bà đi nhiều hơn, chắc là kiếm tiền lo cho thằng cháu ngoại học hành”.

Chi phí đầu năm học là nỗi lo chung của nhiều phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Minh Thùy, nhà ở ấp Nhơn Lộc 2, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, bộc bạch: “Tôi định cho con vào học ở trường mẫu giáo thị trấn, nhưng bây giờ đành tính lại vì các khoản đóng góp đầu năm đến 135.000 đồng, đó là chưa kể phải mua đồng phục 20.000 đồng/bộ; bộ đồ dùng học tập cũng 70.000- 80.000 đồng...”. Gia đình chị Thùy sống bằng nghề mua bán nhỏ. Mỗi ngày hai vợ chồng chị chèo ghe vào các vườn trái cây nhỏ, thấy người ta bán gì thì mua nấy rồi mang ra chợ bán lại, tiền lời ngày nào, ăn hết ngày đó. Có hôm không mua bán được gì, hai vợ chồng về không, chịu thâm hụt vốn. Vì vậy, với vợ chồng chị, lo vài trăm ngàn đồng cho con đi học không phải là chuyện dễ, phải tính toán cẩn thận, so đo từng tí một.

Những tháng gần đây, hầu như tất cả các mặt hàng: sách vở, quần áo... đều tăng giá. Giá các loại tập tăng từ 15% trở lên, thậm chí có loại tập giá tăng lên gần gấp đôi. Giá sách giáo khoa tăng trung bình khoảng 10%, đồng phục học sinh tăng giá từ 20% đến 40%...

* Chung tay lo cho học sinh nghèo

Những ngày gần kề khai giảng năm học mới, chúng tôi đến nhà em Phan Ngọc Xuân. Trái với tâm trạng đầy lo âu trước đây khi nhắc đến gia cảnh, Xuân đang vui vẻ chuẩn bị tập, sách. Xuân khoe: “Em vừa được nhận học bổng “Bitis - Nâng niu tài năng Việt”- 600.000 đồng và 1 đôi dép. Ba em là thương binh nên em còn được tặng 1 bộ sách giáo khoa mới và được thưởng 10 quyển tập”. Với khoản tiền học bổng được nhận, sau khi đóng học phí, còn dư chút ít, bà nội Xuân mua cho em hai bộ đồng phục mới tinh. Xuân phấn khởi: “Có tiền đóng tiền học, có sách vở đầy đủ, bây giờ bà cháu em đã nhẹ lo hơn”.

Còn em Thạch Phạm Vĩnh Hà cũng đã nhận được sự hỗ trợ của Hội Khuyến học quận Ninh Kiều từ nhiều năm qua. Chị Nguyễn Phạm Như Loan, cán bộ Hội Khuyến học quận Ninh Kiều, cho biết: “Chúng tôi phát hiện Hà có ý định nghỉ học từ năm lớp 6, nên có kế hoạch hỗ trợ cho cháu mỗi tháng 100.000 đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng giúp Hà tiếp tục đến lớp. Từ lúc kết thúc năm học, chúng tôi không trao tiền cho Hà nữa, mà để dành suốt 4 tháng nay để trao cho bà cháu em trang trải chi phí đầu năm học”.

Thời gian qua, nhiều ban ngành đoàn thể đã chung tay lo cho học sinh nghèo, hiếu học bằng nhiều hoạt động thiết thực. Để giảm chi phí tập sách cho các gia đình khó khăn, trước khi bước vào năm học 2008-2009, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ trao hơn 1.000 quyển tập cho học sinh nghèo ở các quận, huyện. Hội khuyến học thành phố cũng đã vận động và trao hơn 20.000 quyển tập cho học sinh các quận, huyện, các trường THPT. Ở quận Cái Răng, ngoài phần hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học thành phố, Hội Khuyến học quận còn vận động được hơn 5.000 quyển tập, 60 suất học bổng của Hội người Việt Nam tại Pháp và 130 phần quà, 10 học bổng của các công ty khác trao cho học sinh nghèo trên địa bàn... Ông Huỳnh Văn Nguyệt, Ủy viên Hội Khuyến học quận Cái Răng, nói: “Đầu mỗi năm học, chúng tôi luôn cố gắng vận động thật nhiều mạnh thường quân hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em không phải bỏ học vì nghèo”.

Điều đáng quan tâm là khi học sinh gặp khó khăn, sự chung tay, góp sức của cộng đồng giúp các em tiếp tục đến trường là điều hết sức ý nghĩa. Chi Hội Khuyến học Chùa Phật học, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s)... và nhiều đơn vị, cá nhân khác đã và đang tích cực trong việc vận động, hỗ trợ học sinh. Chính sự hỗ trợ này giúp những học sinh nghèo có điều kiện đến lớp, giảm thiểu số học sinh nghèo bỏ học trên địa bàn thành phố.

Con đường đến trường của học sinh nghèo vẫn rất cần sự tiếp sức của cộng đồng...

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết