12/08/2008 - 20:41

Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó

Những DN sử dụng nhiều lao động ngoài chi phí đầu vào tăng còn phải đối mặt với vấn đề tiền lương của công nhân (Trong ảnh: Sản xuất tại xưởng may của Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, TP Cần Thơ).

Đó là ý kiến mà các chuyên gia kinh tế đã nêu ra trong buổi tọa đàm “Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2008” tổ chức tại Cần Thơ vừa qua. Chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp phải tiết kiệm tối đa để ổn định sản xuất, chủ động vượt khó, nhưng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

NHIỀU SỨC ÉP

Mở đầu cuộc tọa đàm, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên chuyên gia kinh tế cao cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: “Hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô có cải thiện, nhưng lạm phát vẫn ở mức cao, tình hình khó khăn này có thể còn kéo dài. Do đó, các doanh nghiệp (DN) phải chủ động tính toán lại sản xuất, chuẩn bị nhiều phương án ứng phó với biến động thị trường. Những năm qua, đầu tư tăng, nhưng tập trung vào khu vực nhà nước vẫn là chủ yếu, trong khi đó, tăng trưởng chủ yếu nhờ vào khu vực kinh tế tư nhân. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng ở một số mặt hàng, nhưng giá đầu vào tăng, khó khăn về tín dụng, ngoại tệ... đã làm cho lợi nhuận xuất khẩu giảm đáng kể. Hiện nay, xuất khẩu hàng hóa rủi ro hơn là bán ở thị trường nội địa”.

Theo phản ánh của một số DN, sức ép từ giá nguyên vật liệu tăng, buộc DN phải tính toán cắt giảm những khoản chi không cần thiết để đảm bảo kế hoạch sản xuất, đồng thời chủ động vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, DN cần những chính sách hỗ trợ cụ thể như: nới lỏng tín dụng đối với ngành sản xuất, tính mức thuế phù hợp với điều kiện giá đầu vào đã tăng, cung cấp thông tin dự báo kịp thời và minh bạch về thị trường, chính sách điều tiết vĩ mô của Chính phủ...

Mới đây, Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI-Cần Thơ) vừa công bố kết quả khảo sát 57 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, ngân hàng và 20 hộ nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 6 tháng đầu năm 2008. Trong 57 DN có 86% DN đạt doanh thu khá ở mức trung bình trở lên, 62% đạt lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên trung bình... Hiện tại, lãi suất ngân hàng chiếm đến 50% tỷ suất lợi nhuận, DN không đủ vốn hoạt động, trong khi đó, lợi nhuận giảm và khó khăn trong mở rộng sản xuất kinh doanh. Trên 50% DN cho biết sẽ giữ nguyên qui mô sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất trong tình hình lạm phát. Mặc dù lãi suất cao, nhưng có đến 86% DN kỳ vọng được tiếp tục vay vốn ngân hàng trong thời gian tới.

LIÊN KẾT - GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

Hiện nay, gánh nặng chi phí đầu vào tăng, những DN sử dụng nhiều lao động (dệt may, thủy sản...) còn đối mặt với vấn đề tiền lương của công nhân và cạnh tranh giữa các DN cùng ngành hàng. Đó là chưa tính đến chi phí vận chuyển, bởi hầu hết những mặt hàng thủy sản, may mặc của DN ở ĐBSCL đều đóng hàng và xuất khẩu qua các cảng ở TP Hồ Chí Minh.

Công ty cổ phần Tô Châu, TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) chuyên nuôi trồng và chế biến thủy sản, thức ăn thủy sản, hiện có 60 ha nuôi cá và nhà máy chế biến với công suất 12.000 tấn/năm. Ngoài thị trường trong nước, công ty còn xuất khẩu sang HongKong, Singapore, Nhật Bản, Mỹ và EU. Ông Trần Minh Ngãi, Tổng giám đốc Công ty CP Tô Châu, bức xúc: “Giá thành chế biến 1kg cá tra hiện đã là 16.000 đồng. Tuy nhiên, có DN chỉ chào bán với giá 13.000 đồng! Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh, nhưng phải lành mạnh và cần có một cơ chế quản lý để chế tài việc bán phá giá của DN cùng ngành hàng”. Nhiều ý kiến cho rằng, các DN có cùng ngành hàng cần ngồi lại để tính giá sàn và thống nhất giá để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh với nhau.

Nhiều DN đã nhận thức được vấn đề sống còn trong nền kinh tế nhiều biến động là phải hợp tác vượt khó. Tuy nhiên, những chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô cũng cần phải tham khảo ý kiến của Hiệp hội ngành nghề và DN để phù hợp với thực tế khi ban hành. Bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại- Du lịch- Đầu tư tỉnh An Giang, chia sẻ: Các DN phải tự cứu mình và nêu lên những vấn đề cụ thể từ thực tế sản xuất. Làm thế nào để những thông tin này đến được những nhà hoạch định chính sách. Mặt khác, làm sao để có sự liên kết thật sự, cùng cộng sinh với nhau giữa người sản xuất và DN. Từ trước đến nay, sự liên kết này dường như chỉ là hình thức. Hội nhập kinh tế, nếu không liên kết cộng sinh rất dễ bị thua trên sân nhà.

ĐBSCL hiện có 12.000 DN nhỏ và hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh lạm phát, tất cả chi phí đầu vào đều tăng, để có giá sàn và tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” thì vai trò của Hiệp hội ngành, nghề là rất quan trọng. Việt Nam gia nhập WTO, nền kinh tế thị trường có những vấn đề mà nhà nước không thể can thiệp quá sâu. Hiệp hội ngành, nghề là cơ quan đại diện cho DN, bảo vệ uy tín và phát huy hình ảnh của DN. Trên thực tế vai trò của Hiệp hội ở ĐBSCL còn khá mờ nhạt, vẫn chưa đủ “lực” để đại diện cho DN trong hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, VCCI sẽ cùng với DN ở ĐBSCL thành lập tổ để tổng hợp ý kiến về thực trạng sản xuất, những ngành hàng, sản phẩm nào cần tín dụng, ngoại tệ để đề xuất với Trung ương. Trước mắt, cần tạo môi trường kinh doanh thoáng cho DN vừa và có cơ chế đặc thù cho DN nhỏ, hộ kinh doanh. Hiện tại, nếu hình thành tập đoàn kinh tế thì thủy sản phải đi đầu và đây là thế mạnh sẵn có của DN trong vùng.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết