 |
Làm gì để giữ công nhân đang là một trong nhiều vấn đề làm đau đầu các DN may mặc. (Trong ảnh: Xưởng may của Công ty TNHH May Xuất nhập khẩu Hào Tân - Khu Công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng). |
Năm 2008, ngành thương mại thành phố Cần Thơ xuất khẩu có kế hoạch 6 triệu sản phẩm hàng may mặc. Theo Sở Công Thương, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 1,3 triệu sản phẩm, giá trị khoảng 8 triệu USD. Ước trong 6 tháng, giá trị xuất khẩu sẽ được 11,7 triệu USD với 1,76 triệu sản phẩm, nhưng mới chỉ đạt gần 30% kế hoạch năm. Dự đoán kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc năm nay khó đạt chỉ tiêu, do chi phí nhân công, lãi suất ngân hàng tăng trong khi giá gia công không tăng.
DOANH NGHIỆP: ĐUỐI SỨC VÌ CHI PHÍ
Trên địa bàn thành phố, hiện có một số doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu hàng may mặc như: Công ty cổ phần (CP) May Tây Đô, Công ty CP May Meko, Công ty TNHH Kwong Lung Meko, Công ty TNHH May Xuất nhập khẩu Hào Tân, Công ty TNHH May Việt Thành. Thị trường xuất khẩu của DN chủ yếu ở các nước: Mỹ, Nhật, Nga, Canada, Pháp, Đức... Năm 2007, thành phố chỉ xuất gần 3,6 triệu sản phẩm (tổng giá trị trên 33,5 triệu USD), đạt gần 60% kế hoạch năm và bằng 86% so với năm 2006.
Theo ước tính của Sở Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2008, giá trị xuất khẩu hàng may mặc khoảng 11,7 triệu USD với 1,76 triệu sản phẩm. Mặc dù giá trị xuất khẩu đã cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 3,3%) nhưng theo nhận định của ngành thương mại năm nay kim ngạch xuất khẩu rất khó đạt kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên phụ liệu tăng, sản phẩm may mặc chủ yếu là gia công nên phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, đồng thời chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây không phải là mấu chốt của vấn đề, bởi theo một số DN, 6 triệu sản phẩm là không nhiều và họ thừa khả năng để đạt, vấn đề là lợi nhuận thực tế từ giá trị xuất khẩu mang lại. Trên thực tế, lợi nhuận hàng năm của ngành may mặc thành phố chưa đạt đến mức 10% trên tổng doanh thu. Mặt khác, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, không phải DN nào cũng có cơ hội.
Ông Nguyễn Thái Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Tây Đô, bức xúc: “Doanh nghiệp không thể tăng năng suất “phi mã” như lãi suất ngân hàng được. Hàng năm, lợi nhuận trên doanh thu của chúng tôi chỉ đạt khoảng 5%, trong khi tất cả các chi phí đầu vào hiện đã vượt qua giá gia công rất nhiều so với năm 2007. Hiện nay, lương tối thiểu của công nhân đã 900.000 đồng/người/tháng (tăng 100%), nếu trả thấp hơn sẽ mất lao động, nhưng trả cao hơn DN không còn lợi nhuận. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi mất khá nhiều lao động. Càng sản xuất càng lỗ, hiện công ty chịu lỗ bình quân 500- 700 triệu đồng/tháng. Những DN có vốn lưu động còn cầm cự được, còn DN phải vay 100% vốn sản xuất như Tây Đô đang ngất ngư vì lãi suất ngân hàng”. Theo ông Hùng tính toán, với mức lãi suất 1,5- 1,8%/tháng trên tổng số 60 tỉ đồng mà công ty đang vay ngân hàng, phải trả lãi suất trong năm 2008 chiếm 30% trên tổng số tiền gia công (40 tỉ đồng) mà đơn vị đặt ra năm nay, rồi còn tiền lương công nhân, thuế, khấu hao máy móc... Mặc dù, từ cuối năm 2007, trong đàm phán hợp đồng với đối tác nước ngoài, giá gia công đã tăng 10% trong năm 2008.
Nhiều DN ngành may mặc trên địa bàn thành phố cũng cùng “tâm trạng” như Công ty CP May Tây Đô. Ngoài việc trả lãi suất cao, thêm vào đó thùng các-tông, chỉ may, phí vận chuyển và các khoản phí liên quan đến sản xuất đã tăng từ 20% trở lên. Ông Nguyễn Phùng Xuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH May Xuất nhập khẩu Hào Tân (Khu Công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng), cho biết: “Vật giá leo thang ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, lương công nhân đã tăng 15%, nhưng DN vẫn mất 10% số lượng này từ đầu năm đến nay. DN còn 300 công nhân, lương bình quân 1 triệu đồng/tháng, chúng tôi đang chạy khắp nơi tìm công nhân để duy trì nhịp độ sản xuất, ổn định thị trường xuất khẩu, nhưng rất khó khăn trong việc tìm người”. Theo ông Xuân, từ đầu năm đến nay, số lượng hàng xuất khẩu của DN tăng chứ không giảm. Trong tình hình thiếu nhân công và phải cạnh tranh với các nước trong khu vực về giá gia công, DN phải tìm biện pháp để tăng năng suất sản xuất, bởi lượng hàng không giảm mà nhân công lại đang giảm rất nhiều. Năm 2008, Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Hào Tân có kế hoạch xuất khẩu khoảng 700.000 sản phẩm, tăng 15% so với năm trước. Hiện nay, bình quân 1 tháng xuất khoảng 40.000- 50.000 sản phẩm. Thị trường xuất khẩu chính của DN là Nhật Bản, chủ yếu là quần áo bảo hộ lao động.
Hàng loạt khó khăn như: thiếu vốn, lãi suất ngân hàng, lao động lành nghề, cơ sở vật chất... đã tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của DN. Ở Cần Thơ, hầu như không có DN nào theo đuổi ngành công nghiệp phụ trợ cho may mặc, DN phải nhập nguyên phụ liệu tới 80%, trong nước chỉ đáp ứng được 20% như vải, chỉ và dây kéo. Ngoài phí vận chuyển khi mua nguyên phụ liệu, DN còn chịu chi phí đóng hàng xuất khẩu tại Cảng TP Hồ Chí Minh. Năm 2008, EU bỏ hạn ngạch dệt may với Trung Quốc, DN đứng trước áp lực cạnh tranh mới, trong khi những cái khó chưa giải quyết hết.
“GỒNG MÌNH” VƯỢT KHÓ
Có thể nói, một số DN xuất khẩu may mặc ở Cần Thơ đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều DN đã phải tự bơi để cứu mình, thậm chí họ còn tính đến chuyện chuyển chủ sở hữu để bảo toàn lực lượng lao động, nhà xưởng và có cơ sở để trả lãi ngân hàng.
Trong quí I-2008, tỷ giá USD/VNĐ giảm, tạo nhiều áp lực đối với DN xuất khẩu. Đầu tháng 4-2008, tỷ giá USD/VNĐ tăng trở lại, DN chưa kịp mừng thì Ngân hàng Nhà nước lại hạn chế cho vay ngoại tệ. Trong khi đó, phần lớn DN trong ngành may mặc Cần Thơ đều làm gia công, chứ không làm FOB như trước (mua nguyên liệu bán thành phẩm) do năng lực tài chánh yếu. Ông Nguyễn Thái Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Tây Đô, cho rằng: “Năm 2008, EU dỡ bỏ hạn ngạch dệt may đối với Trung Quốc, điều này sẽ rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh. Trong khi ngành may mặc chỉ giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, chứ giá trị gia tăng không bao nhiêu và không phải là ngành lợi nhuận. Trong lần làm việc mới đây với lãnh đạo thành phố, tôi đã từng đề nghị cho chúng tôi thành lập công đoàn ngành may mặc để giảm bớt một phần chi phí cho DN, nhưng vẫn chưa nhận được trả lời nào từ cơ quan chức năng. Bây giờ, chúng tôi phải chủ động tìm giải pháp để ổn định sản xuất, có thể sẽ chuyển quyền sở hữu công ty”.
Theo các DN, do lực lượng công nhân lành nghề, nên giá gia công của Việt Nam hiện đã cao hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan. Do vậy, rất khó đàm phán tăng giá gia công và đối tác nước ngoài sẽ chọn những nước có giá gia công rẻ hơn. Chi phí sản xuất tăng, nhưng DN khó mà tăng ca liên tục để đảm bảo lượng hàng đã hợp đồng. Theo ông Nguyễn Thái Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Tây Đô nếu sản xuất ca đêm, DN sẽ đỡ một phần chi phí tiền điện (không rơi vào giờ cao điểm) nhưng sẽ vi phạm Luật lao động và công nhân chán nản dễ nghỉ việc.
Trên thực tế, một số DN phải vay 100% vốn ngân hàng để sản xuất đang phải “gồng mình” vượt khó. Nhiều DN đã linh hoạt trong việc giữ những thị trường “truyền thống” của mình. Ông Nguyễn Phùng Xuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH May Xuất nhập khẩu Hào Tân, cho biết: “Nhật Bản là thị trường ổn định, giá gia công tăng theo giá thị trường, chúng tôi đã xuất sang thị trường này gần 10 năm nay. Chúng tôi chưa có kế hoạch thâm nhập thị trường châu Âu, bởi chưa đủ sức cạnh tranh ở thị trường khó tính này”. Còn Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành (Khu Công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng) đang củng cố nội lực của DN để ổn định thị trường chính là Mỹ và EU.
Theo ông Phan Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong điều kiện hiện nay, chưa thể giúp gì cho doanh nghiệp được, chỉ hỗ trợ DN thông tin, xúc tiến thương mại. Còn DN cho rằng, hầu hết các hợp đồng đã ký trong năm 2008 đều tăng về số lượng, giá gia công, nhưng DN vẫn khó khăn, do chi phí đầu vào đang tăng “phi mã” và họ chọn tư thế đối đầu để vượt khó.
Bài, ảnh: GIA BẢO
Hiện nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư trên 2.000 tỉ đồng sản xuất xơ polyeste từ sản phẩm hóa dầu tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Vinatex còn kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 1 nhà máy sản xuất xơ polyeste ở tỉnh Đồng Nai và 2 nhà máy ở tỉnh Bình Dương. Mặt khác, mô hình cổ phần, thành lập các khu vực trồng bông trang trại ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Quảng Ngãi và Đồng Nai, với mục tiêu đến năm 2010 có từ 45.000 ha đến 50.000 ha bông phục vụ sản xuất đang khẩn trương thực hiện. Dự kiến, khi các nhà máy của Vinatex ra đời, từ năm 2009 trở đi, tỷ trọng sản xuất xơ polyeste sẽ đáp ứng 15- 20% nhu cầu so với hiện nay phải nhập khẩu hoàn toàn và đến năm 2012 đáp ứng 50%. Khi chủ động được nguyên phụ liệu, giá trị lợi nhuận trong ngành dệt may sẽ tăng và DN giảm được một phần chi phí trong nhập khẩu nguyên phụ liệu. |