19/06/2009 - 21:40

Cất nhà, trồng cây trong vùng quy hoạch để chờ bồi thường ở phường Tân Phú, quận Cái Răng

Tiền mất, tật mang!

Phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, là một trong những địa phương có nhiều dự án đang triển khai xây dựng, trong đó có dự án Khu tái định cư và nhà ở công nhân thuộc Khu công nghiệp Hưng Phú I. Dự án này đã có quyết định quy hoạch, thu hồi đất và có trên 100 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong khi cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành kiểm kê tài sản, áp giá bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng thì rất nhiều hộ dân tự tiện xây dựng nhà, trồng cây ăn trái qua mặt cơ quan chức năng để được bồi hoàn. Tình trạng này nếu không được ngăn chặn kịp thời và xử lý đến nơi đến chốn thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy...

Vay “nóng” xây nhà, trồng cây chờ đền bù

Ngày 13-12-2005, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 4172/2005/QĐ-UBND về việc quy hoạch đất xây dựng Khu tái định cư và nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hưng Phú I, tọa lạc khu vực Phú Thạnh, phường Tân Phú. Ngày 12-5-2008, UBND TP Cần Thơ cũng đã ban hành Quyết định số 1067/QĐ-UBND về việc thu hồi đất giai đoạn II để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư và nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hưng Phú I. Dự án này đang trong quá trình kiểm kê tài sản, bồi hoàn để giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình. Mặc dù quy hoạch đã được công bố, đang tiến hành kiểm kê tài sản để bồi hoàn, nhưng nhiều hộ dân vẫn thản nhiên xây dựng nhà, trồng cây ăn trái để chờ bồi hoàn. Đến khu vực Phú Thạnh vào đầu tháng 6-2009, chúng tôi không khỏi giật mình trước sự thay đổi về nhà ở, vườn cây ăn trái ở nơi đây. Nhưng sự thay đổi này không phải là kết quả của sự phát triển kinh tế xã hội mà là sự thay đổi nhằm mục đích lợi dụng dự án để trục lợi.

Một căn nhà được chủ đất dựng lên sau khi có quy hoạch để chờ bồi hoàn. 

Ông Lê Thanh Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phú, cho biết: “Đa phần bà con sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng sau khi công bố quy hoạch dự án Khu tái định cư và nhà ở công nhân thuộc Khu công nghiệp Hưng Phú I ở khu vực Phú Thạnh, rất nhiều bà con tự tiện xây nhà, công trình và trồng cây ăn trái trên phần đất đang chờ kiểm kê, bồi hoàn. Không có tiền, nhiều hộ còn mạo hiểm vay “nóng” bên ngoài, với lãi suất cao. Những hộ không có điều kiện thì cho người khác trồng cây, xây nhà trên đất của mình với thỏa thuận ăn chia, chủ vườn 50% và người xuất tiền đầu tư 50% khi được bồi hoàn”.

Chúng tôi đi theo con lộ đầy sình bùn, uốn khúc dọc theo rạch Bùng Binh. Từ con lộ nhìn vào những khu vườn cây ăn trái ở khu vực Phú Thạnh không khó để phát hiện dấu hiệu bất thường trong các khu vườn. Nhiều căn nhà được xây dựng một cách gấp gáp, tạm bợ, với những vật liệu tiền chế, lọt thỏm dưới những tán vườn cây ăn trái. Bên trong nhà trống rỗng, cỏ dại mọc um tùm, không bóng người ở. Xung quanh nhà, cây ăn trái (chủ yếu là cam sành) được chủ vườn vừa trồng rất nhiều. Có nơi cây ăn trái được bọc gốc, rồi tập kết thành đống, chuẩn bị đem đi trồng.

Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng khu vực Phú Thạnh, nói: “Ngay khi công bố quy hoạch, chính quyền địa phương đã thành lập đoàn đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động nhân dân không nên xây dựng, trồng cây ăn trái trên phần đất đang triển khai dự án. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn bất chấp, cố tình xây nhà, trồng cây để chờ được bồi hoàn. Phát hiện vi phạm, chính quyền địa phương xuống lập biên bản, nhưng bà con vẫn tiếp tục vi phạm. Có trường hợp chỉ qua một đêm thì nhà cửa đã được cơi, nới hoặc xuất hiện một căn nhà mới hoàn toàn; trong vườn, cây ăn trái trồng dầy đặc. Không ít trường hợp thuê cây từ nơi khác đem về trồng trong vườn, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương”.

Ở khu vực Phú Thạnh chẳng ai mà không biết đến gia cảnh nghèo khó của hộ ông Nguyễn Văn L.. Nhưng đùng một cái, chỉ vài ngày, ông L. đã xây dựng được căn nhà tường trị giá trên 50 triệu đồng. Có nhà mới nhưng khi gặp chúng tôi ông L. không giấu được nỗi lo âu: “Nghe mấy ông trong xóm nói xây nhà được bồi thường nhiều tiền. Thấy người ta làm, gia đình tôi dù túng thiếu cũng chạy đôn chạy đáo vay “nóng” để xây nhà. Bồi thường đâu chưa thấy, nhưng hàng tháng tôi phải đóng lãi cả triệu đồng”. “Chú làm vậy không được bồi thường thì sao?”. Tôi hỏi. Ông L. trả lời tỉnh bơ: “Đâu có được! Tôi tốn tiền bạc triệu để xây nhà, khi thu hồi phải bồi thường cho tôi chứ! Không bồi thường tôi không giao mặt bằng!”.

Tình trạng này không chỉ làm cho địa phương đau đầu, mà còn gây ra tâm lý lo ngại của nhiều người dân chân chính. Ông Tư Nhàn, một lão nông có hơn 3.000m2 đất vườn bị thu hồi ở khu vực này, nói: “Việc kiểm kê tài sản, bồi thường đã có qui định rất cụ thể. Dù mình có lèo lách bằng cách nào đi nữa thì đã vi phạm cũng không được bồi thường. Nhiều người trong xóm xúi tôi mua, thuê cây về trồng, xây nhà chờ bồi hoàn nhưng tôi quyết không làm. Mình làm thế, chẳng những không được lợi ích gì mà đôi khi còn lâm vào cảnh tiền mất, nợ mang. Tôi đề nghị cơ quan thẩm quyền kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn, không cho kẻ xấu lợi dụng qui hoạch để trục lợi. Đó cũng là đem lại sự công bằng cho những người dân thiệt tình như chúng tôi”.

“Mạnh tay” xử lý vi phạm?

Theo hướng dẫn liên ngành số 01/HDLN-XD-TN&MT ngày 27-5-2008, của Sở Xây dựng - Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ về việc hướng dẫn một số nội dung về thực hiện Luật Đất đai, Luật Xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn TP Cần Thơ qui định: “Vị trí nhà, đất trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết được duyệt, đã có nhà đầu tư đang triển khai và đã có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền: Về đất: giữ nguyên hiện trạng và mục đích sử dụng đất. Về xây dựng công trình: Không được xây mới, cơi nới, mở rộng diện tích, chỉ được sửa chữa nhỏ (như chống dột, chống sập, thay nền, vách ngăn...)”. Ông Võ Đức Hiền, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cái Răng, cho biết: “Dự án Khu dân cư và nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hưng Phú I đã có quyết định quy hoạch, thu hồi đất, có chủ đầu tư nên người dân xây dựng công trình, trồng cây ăn trái sau quy hoạch là sai qui định. Trước thực trạng này, quận sẽ kết hợp với chính quyền địa phương, huy động cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhằm phát hiện và xử lý, kịp thời những trường hợp vi phạm. Đối với những trường hợp đã vi phạm, quan điểm của quận là xử lý nghiêm, không có trường hợp ngoại lệ”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Hoàng Thống, Phó ban Bồi thường thiệt hại- Giải phóng mặt bằng quận Cái Răng, cho biết: Theo quy định tại Điều 70 của Luật Xây dựng, những trường hợp sau đây sẽ không được bồi thường: “Đất lấn chiếm; Công trình xây dựng trái phép, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu và tài sản khác xuất hiện hoặc phát sinh trong phạm vi mặt bằng quy hoạch xây dựng sau thời điểm công bố quy hoạch xây dựng; các trường hợp khác theo qui định của pháp luật”. Mặt khác, Quyết định số 91/2008/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ cũng qui định: “Nhà, công trình khác gắn liền với đất được xây dựng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất công bố mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xây dựng thì không được bồi thường. Nhà, công trình khác gắn liền với đất được xây dựng sau ngày 01 tháng 07 năm 2004 mà tại thời điểm xây dựng trái với mục đích sử dụng đất được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xét duyệt thì không được bồi thường. Tài sản gắn liền với đất được tạo lập sau khi có Quyết định thu hồi đất được công bố thì không được bồi thường, bao gồm cả cây trồng trên đất”. Dự án Khu tái định cư và nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hưng Phú I đã có quyết định qui hoạch vào năm 2005 và có quyết định thu hồi đất vào năm 2008. Do đó, những trường hợp xây dựng công trình, trồng cây ăn trái sau thời điểm qui hoạch sẽ không được bồi thường thiệt hại.

Về hướng xử lý những trường hợp vi phạm, ông Lê Thanh Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phú, cho biết: “Qua thống kê sơ bộ, có khoảng 79 trường hợp vi phạm cất nhà không phép đã bị lập biên bản, còn hơn 20 trường hợp vi phạm, chúng tôi đang làm thủ tục xử lý. Khi phát hiện tình trạng người dân có đất nằm trong dự án xây dựng nhà, công trình, trồng cây ăn trái, chúng tôi đã đến lập biên bản, yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đa phần người dân vi phạm vẫn bất chấp. Hiện nay, UBND phường đang phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục cần thiết để cưỡng chế 7 trường hợp vi phạm làm gương. Sau đó, tất cả các trường hợp vi phạm, nếu không tự nguyện tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, di dời cây ăn trái phát sinh sau qui hoạch, sẽ bị cưỡng chế theo qui định”.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết