21/04/2024 - 13:37

Tiêm vaccine là giải pháp hiệu quả để phòng bệnh dại 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố tuy không phát hiện bệnh dại trên chó, mèo nhưng nguy cơ xảy ra ổ dịch rất cao nếu không thực hiện tốt các giải pháp phòng dịch.

Nhân viên CDC Cần Thơ tiêm vaccine phòng dại cho người dân.

Ngày 16-4-2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ phối hợp Sở Y tế thành phố và Trường Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, lớp tập huấn nhằm giúp cán bộ y tế, lực lượng thú y và chính quyền địa phương cập nhật thông tin, có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bệnh dại. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo cam kết thực hiện “5 không”: không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo; không nuôi chó, mèo chưa tiêm vaccine phòng bệnh dại; không nuôi chó, mèo thả rông; không để chó, mèo cắn người; và không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường. Trong năm 2024, Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 9 lớp tập huấn phòng, chống bệnh dại tại các quận, huyện.

TP Cần Thơ hiện có trên 28.200 hộ nuôi chó, mèo. Ông Phạm Trường Yên cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, không phát hiện bệnh dại trên chó, mèo. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra bệnh dại nếu thực hiện không tốt các giải pháp phòng, chống...

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong của động vật và người mắc bệnh dại thường là 100%. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Tiêm vaccine dự phòng dại cho chó, mèo từ 1 tháng tuổi trở lên, sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần. Năm 2023, cả nước có 674.888 người điều trị dự phòng bệnh dại, tăng hơn 209.000 người so với năm 2022. Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận khoảng 100.000 người đi tiêm phòng dại. Khu vực miền Nam có số lượng người tiêm vaccine dự phòng dại cao nhất trên cả nước (năm 2023 chiếm trên 65%).

Theo BS CKI Lê Phúc Hiển, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ, ghi nhận từ năm 2017-2021, 100% số ca tử vong do không đi tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm không đầy đủ. Trong đó, 43,8% chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó vẫn bình thường nên không đi tiêm; 16,4% dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại; 11% là không hiểu biết về bệnh dại; 8,2% là không có tiền để đi tiêm phòng; 5,5% trẻ nhỏ bị chó cắn không nói với gia đình...

Ở Việt Nam, nguồn truyền bệnh dại chủ yếu là chó (chiếm 96,1%) và mèo (3,9%). Thời gian ủ bệnh thông thường từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ khởi phát của bệnh dại trên người có các biểu hiện: mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, sốt, đau cơ, cảm giác ngứa, đau hay dị cảm ở vết cắn (triệu chứng kiến bò), thay đổi tính tình... Thời kỳ toàn phát trên người: thể hung dữ (hốt hoảng, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, cơn co giật, co thắt thanh quản và cơ hô hấp, ngừng tim, ngừng thở, sốt cao, đồng tử giãn không đều, tăng tiết, tử vong), thể bại liệt (liệt tiến triển lan tỏa từ chi bị cắn đến chi khác, liệt cơ cổ, mặt, lưỡi (gây sặc), liệt các cơ hô hấp, tử vong). Đối với những người bị phơi nhiễm (bị chó, mèo cắn, cào, liếm...) phải được xử lý vết thương và đến các điểm tiêm phòng dại để được khám, điều trị dự phòng.

Theo Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 30-11-2019, chủ vật nuôi kê khai hoạt động nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết nuôi chó, mèo trong khuôn viên gia đình; khi đưa chó, mèo ra khỏi nhà phải rọ mõm và có người dắt để đề phòng cắn người. Trường hợp để chó, mèo cắn người thì chi trả những chi phí liên quan theo quy định. Chấp hành việc tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo và chi trả tiền tiêm phòng vaccine dại theo quy định...

Theo số liệu của CDC Cần Thơ, số người bị chó, mèo cắn, cào (ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận) đến tiêm vaccine dự phòng và huyết thanh kháng dại trong 3 tháng đầu năm 2024 là 5.377 lượt người.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết