14/11/2015 - 17:01

Tạp bút

Tiếc chữ

Một buổi sáng tháng 11 tôi tìm đến Nam Nhã Đường, một Phật Đường trên vàm sông Bình Thủy của TP Cần Thơ. Nơi đây vẫn được người dân trong vùng ví như "Long nhãn" của làng cổ Long Tuyền, một ngôi làng mà quá trình phát triển hàng trăm năm đã tạo nên thành phố trung tâm cho cả vùng châu thổ hôm nay. Tôi đã nhiều lần dẫn học trò mình đến Nam Nhã Đường, chỉ cho chúng tấm bia dựng trước sân ghi lại dấu tích một thời oanh liệt của ngôi Phật Đường thuộc tông phái Minh Sư có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được Việt hóa và gắn với lịch sử đấu tranh của đất nước suốt hai thời kháng chiến. Tôi cũng từng nói với học sinh về ngôi chùa tỏa sáng tinh thần "Nhập thế" gắn chặt đạo và đời dù vẫn "thoát tục tu tiên" này.

Phật Đường Nam Nhã vốn quen thuộc là thế mà sao lần nào đến đây tôi cũng bâng khuâng cảm hoài! Trải bao lớp thời gian, chùa vẫn giữ được vẻ tịch mịch, cổ kính. Vẫn ba bức tượng đồng sáng chói của Thích Ca, Khổng Tử, Thái Thượng Lão Quân như một minh chứng thú vị của tư tưởng "Tam giáo đồng nguyên". Vẫn ánh sáng mờ mờ ảo ảo của chiếc huyền đăng (đèn treo). Vẫn những nét chạm trổ tinh tế trên khám thờ, trên những vòm cửa của ngôi chính điện, trên những thân cột đường bệ, uy nghiêm...

Đứng trên sân chùa, trước mắt là con rạch nước rong đang dâng đầy, trong sân là hoa kiểng xanh um. Và trên chính khoảng sân thoáng đãng ấy, chếch về phía tay trái từ ngoài sông nhìn vào là một chiếc lò đắp xi măng có hình như một chiếc tháp nhỏ, rỗng ruột, lúc nào nhìn vào cũng thấy giấy cháy thành lớp lớp tàn tro, có khi khói còn nghi ngút. Cứ tưởng chỉ là một cái lò đốt giấy thường thôi, nhưng bên ngoài lò là ba chữ Hán khắc rõ vành vạnh: TÍCH TỰ LÔ! Lò tiếc chữ. Kỳ lạ chưa? Đó là nỗi bâng khuâng, cảm hoài của tôi mỗi khi đến đây. Chẳng lẽ người xưa viết sai? Rõ ràng là một chữ "Tích" có bộ Tâm hẳn hoi. Cụ thủ từ già nay đã mất, có lần giải thích cho tôi rằng: Đây là lò đốt giấy, các giấy có chữ Nho như Kinh Phật, thơ phú người xưa không muốn để rơi vãi rồi bị chà đạp làm nhơ bẩn nên lượm lại đem vào lò đây đốt. Đốt mà trong lòng vẫn thương tiếc chữ thánh hiền, chữ của người xưa nên mới có tên đặt như vậy. Sau đó, tro giấy lại được rải xuống con sông trước cửa. Bởi không có gì tinh sạch như nước sông, theo quan niệm thời ấy...

Không biết lời giải thích ấy có đúng không hay cũng chỉ là suy nghĩ riêng từ lòng tôn trọng chữ nghĩa của người xưa . Ấy thế mà tôi cứ chạnh lòng mỗi lần lên đây, mỗi lần đứng trước ba chữ TÍCH TỰ LÔ khắc trên cửa lò. Cứ nhớ lời nói của cụ thủ từ rồi nghĩ đến bài giảng trong lớp về nhân vật Huấn Cao trong "Chữ người tử tù" của nhà văn Nguyễn Tuân. Cái cảnh "cho chữ" trong nhà tù "xưa nay chưa từng có" ấy, vẻ khúm núm của viên quản ngục khi đặt những đồng kẽm đánh dấu ô chữ và sự hào sảng ngất trời của Huấn Cao trong ngòi bút "Rồng bay phượng múa" như một sự kết hợp để thăng hoa vẻ đẹp của tài hoa và nhân cách ấy sao rạng ngời đến thế, xúc động lòng người đến thế ! Mà nào đâu chỉ là chuyện "chơi chữ", viết chữ. Đằng sau chữ còn là "Nghĩa" ấy chứ ! Tầng tầng lớp lớp nghĩa trong một nét chữ viết ra, một tấm lòng được trao tặng. Tôi lại nghĩ, cái "Lò Tiếc chữ" ở Nam Nhã Phật Đường có từ hàng trăm năm này biết đâu cũng thế. Người xưa vẫn quan niệm Chữ có hồn kia mà. Chữ cũng thơm tho từ tấm lòng, từ khí phách của người viết chữ, có phải?

Nhưng mà, hình như những điều ấy cũng chỉ là "vang bóng một thời"?... Đứng trên sân Nam Nhã Đường, nghe từng làn gió mát dịu, đắm mình vào không gian tĩnh mịch cổ kính, nghe như đâu đây tiếng rì rầm của người xưa, lòng tôi bâng khuâng tiếc nhớ một thời chữ nghĩa lung linh, rực rỡ nét tinh anh.

NGUYỄN NGỌC TUYẾT

Chia sẻ bài viết