Tỉ phú mê lúa hữu cơ Ba Đại
Ở tuổi 67, dù đã có của ăn của để, mỗi năm thu lợi nhuận từ ruộng lúa 2 vụ ngót nghét hơn 1,3 tỉ đồng, nhưng ông Ba Đại (Nguyễn Văn Đại), ngụ ấp Ngã Cạy, xã Đông Yên, huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) vẫn miệt mài với ruộng đồng như một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.
Buổi đầu gian khó
Thời còn trai trẻ, ông Ba Đại được bạn bè gần xa mến mộ bởi ngón đờn tuyệt nghệ cùng giọng ca tài tử làm say đắm lòng người. Ông Đại tâm tình: “Hồi mới hỏi cưới, dòng họ bên vợ nói, lấy Ba Đại nó suốt ngày đờn hát, mày có nước cạp đất ăn”. Nghe những lời đó lòng ông se thắt, tận trong tâm thức, một ý chí, quyết tâm làm giàu trỗi dậy. Ba Đại đành gác lại niềm đam nghệ thuật, quyết chí làm giàu từ đồng đất quê nhà, để rồi ở tuổi 67, ông đã làm nên tên tuổi khắp vùng Miệt Thứ khi trở thành bậc lão nông tri điền hiểu rành rọt từng tấc đất, ngọn lúa. Nhưng để có được thành công như hôm nay, những gian truân mà vợ chồng ông đã trải qua cũng không phải ít.
Ông Ba Đại bên căn nhà trị giá 25 cây vàng của mình.
Năm 1979, ông Đại cưới vợ, tích góp mua 5 công đất ruộng lập nghiệp. Đất đai bấy giờ còn nhiễm phèn nặng nên chỉ cấy được lúa mùa, mỗi năm lúa thu hoạch chỉ được vài giạ mỗi công, cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau. Để có thêm thu nhập, vợ chồng ông Đại phải làm lụng cật lực, hết cắm câu, đặt lọp đến nấu rượu, nuôi heo. Nhiều đêm thức trắng bên ngọn đèn dầu leo lét, ông lo cho cuộc sống sau này, lo cho hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, cho tương lai các con... Những lúc đó, vợ ông là nguồn động viên an ủi, là hậu phương vững chắc luôn ủng hộ, kề cận, tiếp thêm động lực giúp ông vượt qua muôn vàn gian nan mà có lúc ông tưởng mình đã buông xuôi.
Mảnh ruộng sau nhiều năm được vợ chồng ông Ba Đại cải tạo, bồi đắp cũng dần trở nên bằng phẳng, màu mỡ hơn, năng suất lúa dần cải thiện. Hễ dư được đồng nào, vợ chồng ông chi tiêu cẩn thận, dành dụm mua thêm đất ruộng. Cần mẫn lao động, không nản chí trước khó khăn, đam mê học hỏi, áp dụng kiến thức khoa học cùng kinh nghiệm thực tế vào sản xuất, nên từ vài công đất ban đầu, đến năm 1999, khi chuyển đổi từ lúa mùa sang canh tác 2 vụ lúa/năm, ông Ba Đại đã có trong tay 8ha đất ruộng. Căn nhà mái ngói khang trang mọc lên trị giá 25 lượng vàng của gia đình ông ở ấp nghèo Ngã Cạy là kết quả của quá trình miệt mài lao động, ý chí vươn lên, làm giàu từ đất lúa, được bà con gần xa cảm phục.
Ông Ba Đại tâm sự: “20 năm vật lộn với ruộng đồng, nếu không cơ giới hóa, không ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, chọn giống lúa thích hợp với đất thì không tài nào khá lên được. Ngày xưa ông bà mình nói: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhưng theo tôi, giống phải là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng thua trong sản xuất”. Với quan niệm giống lúa là yếu tố quyết định sự thành công vụ mùa, ông Ba Đại tìm tòi thử nghiệm nhiều giống lúa mới, hễ nghe ở đâu có giống lúa phù hợp với vùng đất phèn mặn, năng suất cao là ông lặn lội tới nơi mang về trồng thử nghiệm. Ông rong ruổi từ An Giang, qua miệt Đồng Tháp, rồi duyên phận cho đưa đẩy giúp người có lòng, ông gặp được Kỹ sư Hồ Quang Cua - người đã cùng cộng sự lai tạo thành công nhiều giống lúa như ST5, ST8, ST16, ST19, ST20, ST21 và 2 giống lúa ST24, ST25 nổi tiếng, từng được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới.
Bám ruộng làm giàu
Năm 2015, khi xã Đông Yên vẫn chưa nhiều người biết gì đến chuyện làm lúa theo hướng hữu cơ thì ông Đại đã đưa giống lúa ST5 chất lượng cao từ Sóc Trăng về bén rễ trên ruộng nhà. Đây là giống lúa chịu hạn mặn, giá bán cao hơn các loại lúa hàng hóa khác nhưng năng suất thấp nên ít người dám chuyển đổi. Ông Đại nhớ lại, lúc đó ông quyết định chuyển sang trồng lúa theo hướng hữu cơ sau một thời gian tìm tòi học hỏi các mô hình trồng lúa hữu cơ ở các tỉnh khác. Nhưng vì mới bắt đầu, chưa am hiểu về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ nên thời gian đầu thất bại. Lúa lên không đều, hạt gạo chưa đủ thơm ngon như ông mong muốn, còn năng suất đạt thấp. Nhiều người cười cho là ông gàn dở, khuyên nên bỏ ý định làm lúa hữu cơ vì tốn nhiều công chăm sóc lại không được bao nhiêu, những lúc như vậy thì vợ ông lại là người động viên, tin tưởng ủng hộ tuyệt đối vào cách làm của ông.
Sự động viên của vợ tiếp thêm sức mạnh giúp ông Ba Đại có niềm tin và quyết tâm thực hiện giấc mơ gạo hữu cơ của mình. Ông Ba Đại áp dụng tất cả những kiến thức vào canh tác lúa, đồng thời thường xuyên liên lạc với các chuyên gia, nhà khoa học về kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ để tìm ra lời giải. Ông quả quyết rằng làm lúa theo hướng hữu cơ là con đường đi đúng đắn và là xu thế của thời đại. “Khi sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân khỏe mà người ăn hạt gạo hữu cơ cũng khỏe hơn. Quan trọng là lúa sạch luôn bán được giá cao, cho lợi nhuận nhiều hơn”. Nhờ vào những cải tiến mới cũng như những bài học rút ra sau những lần thất bại, đến vụ đông xuân năm 2022-2023, ông Ba Đại bắt đầu tạo được kỳ tích với 11ha ruộng canh tác lúa hữu cơ với giống ST25, năng suất lúa đạt gần 8 tấn/ha, lợi nhuận thu về 77-80 triệu đồng/ha/năm. Lại thêm một lần vượt khó, lại thêm một lần ông Ba Đại chứng minh tình yêu đất, yêu cây lúa, yêu lao động của mình sẽ cho quả ngọt.
Không thể để bà con nông dân cứ làm nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, bị thương lái ép giá, thu nhập thấp, lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn, được mùa, mất giá, ông Ba Đại lại từng bước thuyết phục bà con cùng tham gia tổ hợp tác bơm tưới, áp dụng kỹ thuật canh tác mới, cách làm mới cùng bà con nông dân làm giàu. Nhờ uy tín của mình ông được bầu làm tổ trưởng. Năm 2023, với sự kiến nghị của ông Ba Đại, tổ hợp tác của ông được đầu tư trạm bơm điện 3 pha phục vụ bơm tưới trị giá 375 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện. Cũng từ đó, giúp giảm chi phí bơm tát, tăng lợi nhuận trong sản xuất.
Không chỉ là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Ba Đại từng tham gia công tác ở ấp và từng được nhân dân tin tưởng bầu giữ nhiều vị trí quan trọng ở ấp như Trưởng ấp, Bí thư chi bộ ấp. Dù ở vị trí nào thì ông cũng làm việc bằng tất cả sự nhiệt huyết, tận tâm phục vụ, được nhân dân ấp Ngã Cạy tín nhiệm và tin yêu. Dù nay đã lớn tuổi, ông Ba Đại vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ, làm tốt nhiệm vụ người đảng viên, đem kinh nghiệm của mình cùng với chi bộ vận động nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết chi bộ đề ra. Ông Ba Đại thường nói với con cháu mình: “Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, phải yêu lao động, luôn phấn đấu, trước tiên là phải học tốt, trở thành những người chuyên nghiệp trên lĩnh vực của mình. Nếu các con là nông dân, phải có tình yêu đất, yêu cây lúa, áp dụng được thành tựu khoa học mới làm chủ được đồng đất quê mình, mới thoát cảnh nghèo khó”.
Với 11ha ruộng, nhiều người khuyên ông Ba Đại cho thuê, mỗi ngày cũng bỏ túi tiền triệu nhưng ông chỉ cười rồi bảo: “Ai chẳng muốn nhàn hạ, ngặt nỗi ngày nào không dậy sớm ra đồng hít thở không khí trong lành, không ngửi được mùi bùn đất, mùi hương lúa mới là tôi bệnh”.
Bài, ảnh: GIA PHÚC