25/12/2010 - 21:52

Thủy lợi miền Tây sông Hậu thời Pháp thuộc

Kinh Xà No bây giờ. Ảnh: Đ.H.T 

Miền Tây sông Hậu hay “miền Hậu Giang”, “miệt Hậu Giang” bao gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ nằm phía hữu ngạn sông Hậu là vùng đất được khai khẩn sau cùng trong quá trình hình thành đất phương Nam. Cách đây hơn một thế kỷ, miền Tây sông Hậu còn khá hoang vu, giao thông vận tải và sản xuất nông nghiệp còn rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Vào thế kỷ 19, khi xâm lược Việt Nam và các quốc gia khác, hải quân là lực lượng tiến công mạnh nhất của thực dân phương Tây. Do đó, đường thủy, gồm đường biển và đường sông là môi trường tác chiến rất quan trọng và không thể thiếu được đối với thực dân Pháp.

Ở Nam bộ từ năm 1866, người Pháp đã đào những con kinh nhằm phục vụ cho các cuộc hành quân bình định bằng đường thủy ở ĐBSCL. Đô đốc Dupré đã cho hai tàu cuốc đi theo hải quân đến nạo vét và mở rộng kinh Bến Lức và kinh Trạm (Bảo Định). Kinh Bảo Định dài 22 km, nối liền sông Vàm Cỏ Tây từ thị xã Tân An bây giờ đến sông Mỹ Tho (Tiền Giang).

Sau khi Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên bị thực dân Pháp chiếm (1867), Nam kỳ trở thành đất thuộc địa của Pháp. Người Pháp liền sau đó triển khai các chương trình nghiên cứu khai thông, nạo vét các kinh rạch, trước mắt phục vụ cho mục đích quân sự là bình định trấn áp các phong trào yêu nước.

Công việc đào kinh từ năm 1874 đến năm 1884, ban đầu cũng do giới quân sự chủ trương, khởi xướng. Nhưng mục đích quân sự luôn gắn liền với lợi ích về kinh tế. Thực dân Pháp đã thấy được tác dụng to lớn của những con kinh đào ở khu vực ĐBSCL đối với việc cai trị và khai thác miền đất nầy.

Từ năm 1880 - 1890, ở Nam kỳ, thực dân Pháp đã đào được 2,1 triệu m3 đất kinh rạch, mở rộng được 169.000 ha đất canh tác so với thời Nguyễn. Phần lớn là nạo vét, mở rộng các kinh có sẵn do triều đình nhà Nguyễn đào đắp để phát triển kinh tế nông nghiệp và “an dân”. Một số kinh được người Pháp nạo vét, đào đắp, sửa sang thời kỳ nầy như: Ba Láng, Cái Côn, Carabelli, Bocquillon, Kế Sách, Thạnh Lợi, Bà Tích, Trà Nóc, Ông Trương, Cái Mương.

Sau khi những con kênh hình thành, diện tích đất khẩn hoang tăng lên nhanh chóng. Năm 1880, hai tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá mới có 20.000 ha, thì năm 1890 đã có 83.000 ha đất được khai thác.Thời ấy dân nghèo tứ xứ các nơi tự động kéo nhau đến cất lều, trại trên những bờ kinh mới đào, vét, “cắm dùi” khai khẩn ruộng đất. Nhưng dù đổ bao công cán vất vả, khó nhọc, phần lớn lưu dân, nông dân cuối cùng cũng trở thành tá điền ngay trên chính mảnh đất của mình đã dầy công khai phá. Chủ đất thực thụ là các quan Tây, quan ta đã được Nhà cầm quyền cấp quyền sở hữu trên bản đồ điền địa để phát canh thu tô, bóc lột thành quả lao động, công sức của những lưu dân.

Chỉ có một số ít kinh rạch được đào mới hay nạo vét bằng cơ giới, còn phần lớn do dân phu miền Hậu Giang bị bắt đi làm xâu (sưu) để đào như: Ba Rinh, An Tập, Tiếp Nhựt (1911), Rạch Vọp ở Sóc Trăng; Cây Dương - Trà Lồng ở Cần Thơ, Ô Môn, Bà Đầm Thác Lác, Xà No (1903), Trà Bồng, Tân Phước thuộc Cần Thơ - Rạch Giá - Sóc Trăng.

Ngày 8 - 9 - 1900, phủ Toàn quyền Đông Dương thành lập một hội đồng gồm các kỹ sư công chính, các tỉnh trưởng và đại diện các điền chủ người Pháp để hoạch định một chương trình đào kinh cho cả vùng ĐBSCL với nhiệm vụ chủ yếu là “cải tạo kinh rạch hiện có là thượng khẩn”. Chương trình này được duyệt vào tháng 11 - 1900. Năm 1901, người Pháp thành lập “Công ty đào sông” và các viện công chính Đông Dương. Kế hoạch hàng năm được chi 2 triệu france từ ngân sách Đông Dương và 240.000 france trích ở ngân sách Nam kỳ. Chương trình này được đưa ra đấu thầu ngày 6 - 2 - 1904 và tháng 3 - 1904 được duyệt. “Công ty Kỹ nghệ Pháp” tại Viễn Đông trúng thầu.

Từ 1906 - 1908, “Công Ty” đào kinh Hậu Giang - Long Mỹ, thuộc Cần Thơ - Sóc Trăng, đào thêm các kinh mới: Phụng Hiệp, Cây Dương, Xẻo Vông, Carabelli, Mang Cá, Ba Rinh, Lacoste. Bắt đầu đào kinh Cái Lớn đi Trèm Trẹm. Từ năm 1911 - 1913, bọn thực dân mở rộng kinh Bassac - Long Mỹ, Ba Xuyên - Ô Môn, Sóc Trăng - Phụng Hiệp, Hậu Giang - Long Mỹ, Bạc Liêu - Cà Mau và kinh Tiếp Nhựt… Chỉ trong 9 năm (1905 - 1913), khối lượng đào kinh bằng tàu cuốc đã lên đến 37,5 triệu m3.

Từ 1914 - 1929, công cuộc đào kinh có quy mô nhất là kinh Rạch Giá - Hà Tiên- đánh dấu sự kiện thực dân chuyển sang khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên. Khu nầy rộng trên 220.000 ha, nằm giữa Rạch Giá - Hà Tiên - Tri Tôn. Đây là vùng đất hoang hóa ngập úng quanh năm, với lau sậy và rừng tràm mênh mông. Năm 1926, thiết kế được duyệt, gồm một kinh chính Rạch Giá - Hà Tiên đi song song với bờ biển với chiều dài 81 km, sâu 3,5 - 3,8 m, khối lượng đào đắp 7,2 triệu m3. Kinh chính được nối thông với biển bằng 4 kinh nhánh, bề rộng mặt nước 28 m, để thoát nước ra biển Tây. Từ kinh chính có 4 kinh phụ đi sâu vào vùng trũng để tiêu úng và phèn: kinh Tri Tôn (31 km), kinh Ba Thê (40 km), kinh Hà Giang, kinh Tám Ngàn. Kinh Rạch Giá - Hà Tiên được thi công vào cuối năm 1926, những tàu cuốc hiện đại nhất thời đó được tập trung về đây để thi công. Nếu cộng cả kinh đào xáng và đào tay thì thời điểm này đã có 1.664 km kinh mới. Những kinh đào lớn trong đợt này còn có: cải tạo mở rộng kinh Ô Môn - Thị Đôi (1917 - 1918), đào kinh Ba Rinh (1925), kinh Sóc Trăng - Bố Thảo (1914 - 1915), kinh Cái Lớn (1925 - 1926).

Kinh chính Rạch Giá - Hà Tiên cùng 4 kinh xẻ ra biển Tây hoàn thành vào năm 1930. Hệ thống kinh này cho phép thâm nhập sâu và rộng vào khu Tứ giác Long Xuyên để chở lúa gạo ở những vùng đất mới khai khẩn. Các tuyến kinh nầy còn là con đường vận chuyển vôi, phốt phát và xi măng từ Hà Tiên về Sài Gòn một cách nhanh nhất, góp phần mở mang công nghiệp, cung ứng vật liệu xây dựng. Ngoài ra các thủy lợi nầy còn có chức năng thoát lũ ra biển Tây rất tốt, vẫn còn tác dụng đến ngày nay.

Người Pháp hồi ấy đã thấy được vị trí chiến lược của tỉnh Cần Thơ (cũ). Cần Thơ gần như là đầu mối của những công trình thủy lợi, thủy nông lớn với nhiều kinh rạch nhất ĐBSCL. Khoảng từ năm 1900 - 1920, có hơn 350 km kinh đào từ Cần Thơ nối qua Rạch Giá và Sóc Trăng. Đến năm 1923 - 1931, trong vùng Cần Thơ, chính quyền thực dân còn cải tạo mở rộng nhiều kinh rạch khác như: Tiếp Nhựt, Ông Ray, Ô Môn, Xẻo Vông.

Kinh Xà No thuộc thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang ngày nay được đào do sáng kiến của hai đại chủ điền người Pháp là Duval và Guéry. Họ bao chiếm mấy chục ngàn mẫu đất ở khu vực nầy. Năm 1900, hai nhân vật nầy vào đã vận động toàn quyền Poul Doumer cho đào kinh Xà No gấp để họ được thâu lợi sớm.

Kinh Xà No được đào bằng phương tiện xáng múc. Các gào thiết kế theo vòng tròn như xa quạt nước. Mỗi gào có dung tích 375l, bùn được thổi xa đến 60m. Máy có sức mạnh 3500 mã lực, vận hành bằng hơi nước qua nồi sốt-de được đốt bằng củi. Đây là phương tiện cơ giới đào kinh hiện đại nhất thời bấy giờ. Trên xáng có hàng chục kỹ sư, chuyên viên và hàng trăm nhân công làm việc khẩn trương, nhộn nhịp.

Kinh Xà No thi công từ năm 1901 đến năm 1903 thì hoàn thành. Thời ấy bề mặt kinh rộng 60m, thiết diện đáy 40m. Phí tổn công trình trên 3,6 triệu quan.

Kinh xáng Xà No nối liền Cần Thơ- Hậu Giang - Rạch Giá ra vịnh Thái Lan (đoạn Rạch Giá dài 22km), xuyên qua vùng đất màu mỡ, rộng lớn nằm giữa sông Cần Thơ và sông Cái Lớn. Lễ khánh thành kinh Xà No có Toàn quyền Đông Dương tới dự

Ngoài mục đích vơ vét của cải và cai trị xứ Nam kỳ, những công trình thủy lợi, kinh mương được thực hiện trong khoảng 80 năm thời Pháp thuộc đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp ở ĐBSCL mà rõ nét nhất là vùng Tây sông Hậu. Diện tích đất canh tác được mở rộng không ngừng với sản lượng lúa ngày một tăng. Giao thông đường thủy giữ vai trò chủ yếu trong giao thông vận tải. Sản xuất nông nghiệp phát triển. Dân chúng cư trú dọc các bờ kinh rạch mới ngày càng đông đúc. Chợ búa mọc lên ở các vàm sông, ngã ba, ngã tư sông... Năm 1930 lượng gạo xuất khẩu của nước ta lên đến 1,5 triệu tấn, chủ yếu từ những cánh đồng của miền Tây sông Hậu.

PHƯƠNG HOÀI

Chia sẻ bài viết