21/01/2008 - 21:53

Xuất khẩu hàng may mặc Cần Thơ

Thụt lùi?

Năm 2007, có thể xem là năm tăng trưởng nóng nhất của ngành dệt may cả nước, dù phải đối phó với sự cạnh tranh và hàng rào kỹ thuật khắt khe của thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung đó, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của TP Cần Thơ lại không đạt kế hoạch và còn thụt lùi so với năm trước. Vì sao?

Đối mặt với nhiều khó khăn...

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc cả nước năm qua đạt 7,8 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2006. Trong khi đó, xuất khẩu hàng may mặc ở TP Cần Thơ chỉ đạt gần 60% kế hoạch năm và bằng 86% so với năm 2006. Theo Sở Thương mại TP Cần Thơ, năm 2007 chỉ xuất khẩu được trên 3,5 triệu sản phẩm may mặc, tổng giá trị hơn 33,5 triệu USD.

Ông Phan Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Cần Thơ, cho biết: “Năm qua, các doanh nghiệp ở Cần Thơ đã mở thêm 4 thị trường mới, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng vẫn không đạt kế hoạch năm và giảm trên 562.000 sản phẩm. Nguyên nhân là do giá nguyên phụ liệu tăng, sản phẩm may mặc chủ yếu là gia công, nên phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, bên cạnh đó phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc”.

 Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu ở Công ty TNHH May Việt Thành.

Ông Nguyễn Thái Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần (CP) May Tây Đô, phân tích thêm: “Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của thành phố không tăng, do nhiều nguyên nhân. Trước hết, các nhà máy chế biến thủy sản đã thu hút lực lượng lao động của ngành may, trong khi ngành chưa có chính sách đối với công nhân nữ (thiếu nhà trẻ). Trong năm, không có thêm xí nghiệp mới. Giá gia công thế giới không tăng, nhưng chi phí sản xuất tăng, hầu hết doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng mới không có lời. Các doanh nghiệp đều làm gia công, không còn theo hình thức FOB (mua nguyên liệu bán thành phẩm) nữa, vì không có vốn và tiếp cận nguồn vốn tài chính khó. Chất lượng dạy nghề kém, tay nghề của công nhân mới yếu, không làm ra được nhiều sản phẩm, nên chán nản bỏ việc. Theo ông Hùng, đào tạo tay nghề cho một công nhân đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp phải mất từ 3 đến 12 tháng. Nếu một doanh nghiệp có nhiều công nhân mới, năng suất lao động giảm sẽ làm giảm sản lượng và doanh thu của đơn vị. Trong khi đó, nguồn vốn của doanh nghiệp lại hạn chế, việc vay vốn ngân hàng phải vay thế chấp và không phải doanh nghiệp nào cũng vay được số vốn mình cần.

Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Hào Tân (Khu công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng) dù đã xuất 650.000 sản phẩm (trị giá khoảng 900.000 USD) trong năm 2007, tăng 15% so với năm trước, nhưng cũng than phiền về phí vận chuyển. Ông Nguyễn Phùng Xuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Hào Tân, cho biết: “Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc ở Cần Thơ đều phải xuất qua cảng ở TP Hồ Chí Minh. Trung bình một chuyến xe mất từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng; chi phí này nếu cộng dồn lại trong năm khá nhiều. Còn nguyên phụ liệu phải nhập khẩu đến 80%, trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20%”.

Cần một “đòn bẩy”

Hiện tại, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp may mặc Cần Thơ chủ yếu ở các nước và vùng lãnh thổ: Mỹ, Nhật, Nga, Canada, Pháp, Đức và Hồng Công... Trên địa bàn thành phố hiện có một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu như Công ty CP may Tây Đô, Công ty CP may Meko, Công ty TNHH Kwong Lung Meko, Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Hào Tân, Công ty TNHH may Việt Thành. Việc doanh nghiệp trong ngành may mặc ở Cần Thơ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: thiếu vốn, lao động lành nghề, cơ sở vật chất... đã tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi đó, từ đầu năm 2008, EU bỏ hạn ngạch dệt may với Trung Quốc, áp lực cạnh tranh mới sẽ tăng lên, nhưng những cái khó khăn trong nội tại ngành chưa giải quyết hết. Vì thế, chỉ tiêu xuất khẩu 6 triệu sản phẩm của năm 2008, tăng gần 2 triệu sản phẩm so với năm trước, sẽ rất nặng nề đối với doanh nghiệp may mặc Cần Thơ, nếu không có chính sách hợp lý của các ban ngành hữu quan từ bây giờ.

Ông Nguyễn Thái Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP may Tây Đô: “Việc dư thừa ngoại tệ, đồng đô-la sụt giá tác động không nhỏ đến những doanh nghiệp xuất khẩu. Hệ quả là công nhân bị giảm tiền lương vô hình. Khi đó, chúng tôi  lại đang thiếu 600 lao động. Theo nhu cầu, công ty cần đến 2.000 công nhân, nhưng mới có 1.400 công nhân đang làm việc”.

Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Hào Tân cũng đang thiếu 60 công nhân, dù công ty đang xây dựng nhà ở miễn phí cho khoảng 100 công nhân.

Hầu hết các doanh nghiệp may mặc đều nhận định sẽ có sự cạnh tranh gay gắt với hàng dệt may Trung Quốc trong năm 2008. Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhưng các doanh nghiệp may mặc ở Cần Thơ vẫn chủ động sản xuất và ổn định những thị trường “truyền thống” của mình.

Ông Nguyễn Phùng Xuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Hào Tân, cho biết: “Nhật Bản là thị trường ổn định, giá gia công tăng theo giá thị trường, chúng tôi đã xuất hàng sang thị trường này gần 10 năm nay. Năm 2008, công ty có kế hoạch xuất khẩu tăng khoảng 20% so với năm 2007 và đang đàm phán để tăng giá gia công. Công ty chưa có kế hoạch thâm nhập thị trường châu Âu, bởi chưa đủ sức cạnh tranh ở thị trường khó tính này”. Từ tháng 11- 2007, Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Hào Tân xuất khẩu trực tiếp, nên đã giảm được 4% chi phí xuất ủy thác qua doanh nghiệp khác. Công ty đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu đồ bảo hộ lao động với Nhật Bản, giá gia công khoảng 1,2- 1,5 USD trên một sản phẩm. Còn Công ty CP May Tây Đô cũng có kế hoạch phấn đấu đạt 40 tỉ đồng tiền gia công trong năm nay, tăng 6 tỉ so với năm 2007.

Ông Phan Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành thương mại sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2008, chẳng hạn hỗ trợ một phần chi phí để doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã chủ động tìm thị trường và tuân thủ nghiêm ngặt trong việc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng vào sản xuất. Đây sẽ là đòn bẩy để doanh nghiệp đạt mục tiêu đề ra.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu cho sản xuất phải nhập khẩu càng làm tăng khó khăn cho các doanh nghiệp ngành may mặc xuất khẩu. Ở TP Cần Thơ hầu như không có doanh nghiệp nào theo đuổi ngành công nghiệp phụ trợ cho may mặc, nên các doanh nghiệp phải thêm phí vận chuyển khi mua nguyên phụ liệu ở TP Hồ Chí Minh. Tất cả những chi phí này trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

 

Chia sẻ bài viết