27/08/2016 - 16:09

Thuở ấy, miền Nam rợp trời cờ đỏ, quét sạch hung tàn

Nguyễn Hữu Hiệp

Từ hơn nửa thế kỷ nay, cứ vào những ngày lễ lớn, nhất là trong dịp Quốc khánh, trên mọi nẻo đường đất nước, trước mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học… Quốc kỳ Việt Nam được treo trang trọng, tự hào. Cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho sự hiện diện của nước ta cũng phất phới trên trời cao tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hành trình vươn xa của lá cờ Tổ quốc bắt đầu từ những ngày dân quân ta kháng Pháp…

Trong suốt quá trình chống giặc giữ nước, bằng chính xương máu của mình, nhân dân ta muôn người như một đều thể hiện tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", quét sạch kẻ xâm lăng, buộc chúng phải "cuốn cờ" ­ đó là những lá cờ thể hiện sự chiếm hữu bầu trời Việt Nam. Các nhà chí sĩ, những người nặng lòng yêu nước thương dân, thường nói hộ tấm lòng của đồng bào khi thấy cờ ngoại quốc nghênh ngang đặt chủ quyền ở nước ta. Khoảng đầu thập niên 30 thế kỷ trước, nhà nho yêu nước Nguyễn Quang Diêu (1880 ­ 1936) đã có bài thơ cảm tác:

Dọc ngang cờ Pháp với cờ Tàu!

Ủa lá cờ ta hẳn ở đâu?

Trông thế lực người sôi máu sắt,

Nghĩ danh giá nước thẹn mày râu.

Non sông vì nợ xưng Hồng Lạc,

Mặt mũi nào còn ngó Mỹ Âu.

Vinh nhục chung nhau ai cũng thế,

Thương nhau ta phải liệu sao nhau?

(Ngày Tết thấy cờ cảm tác)

Phụ nữ Hậu Nghĩa (Đức Hòa - Long An) may cờ cho bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: hoasen.edu.vn

Với ý đồ tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, đầu năm 1946 thực dân Pháp dựng lên Hội đồng tư vấn Nam Kỳ tự trị. Từ sự kiện này, trên báo Tương lai số ra ngày 23/2/1946, có bài về chế giễu:

Một lũ tay sai kể ra tám đứa

Niên canh đủ lứa, mũi xệp da vàng

(…)

Cả bọn hết lòng phụ tá man di

Cái hội chi chi? Người ta mới lập?

Về sau Hội đồng tư vấn Nam Kỳ nhường chỗ cho Hội đồng Nam Kỳ. Rồi chính phủ Nam Kỳ tự trị do Pháp dựng lên ngày 1/6/1946. Báo chí thời ấy đã mạnh dạn vạch mặt: "Toàn những ông chính phủ biểu". Mấy thủ tướng Nam Kỳ tự trị Nguyễn Văn Thinh trước, Lê Văn Hoạch sau, đều không thể tránh được búa rìu dư luận. Tờ Sài Gòn mới ra ngày 15/12/1946 "Chào mừng thủ tướng mới" bằng một bài văn tế:

Cờ tự trị ngẩn ngơ trước gió

Uổng tử thành thương hại đốc tờ Thinh

Tuồng thực dân hăm hở kéo màn

Nam Kỳ quốc bỗng sanh thầy thuốc Hoạch

Dây một sợi còn mai mỉa đó (*)

Có vui chăng mà chọn lấy con đường?

Ghế 3 chân đã vững vàng chưa?

Không khéo nữa lại ngã theo cái ạch! (…)

Đứng trước những thứ cờ "ngẩn ngơ trước gió" như thế, người Nam Bộ không thể không chướng, nên đã dặn dò con cháu lúc lên đường tập kết :

Con ra thưa với Bác Hồ,

Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao.

Theo tư liệu của Đảng, tháng 2-1941 Bác Hồ về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hôm ấy, Người mang theo một lá cờ bằng lụa đỏ, ở giữa đính ngôi sao vàng bằng giấy. Lá cờ này sau đó được treo trong Hội nghị thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) ngày 19-5-1941. Hiện lá cờ lịch sử này được trân trọng giữ gìn ở Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội.

Cũng năm ấy, trên tờ Việt Nam Độc Lập số 107 (kỳ thật là số 7) ra ngày 1/10/1941, ở mục "Vườn văn" có đăng bài thơ "Cờ đỏ ngôi sao" với tranh minh hoạ lá cờ đỏ sao vàng đang bay lượn trong gió. Bài thơ như sau:

Lúc Tổ quốc đang gặp cơn gió bụi

Vẻ vang thay lá cờ đỏ ngôi sao!

Đó là mầu nhiệt huyết của đồng bào

Dồn dật lại nên phong trào giải phóng

Nó tràn khắp cả ba kỳ rất chóng

Nó cuốn theo cả toàn quốc nhân dân

Nó không chia quý, tiện và phú, bần

Nó không chia gái, trai và lão, ấu

Hễ người Việt là phải ra tranh đấu

Để cứu mình và cứu nước nhà

Đó là gương anh dũng của dân ta

Nó là cờ của Việt Nam độc lập

Sao năm cánh đã tưng bừng rọi khắp

Không chỗ nào không chiếu tới nơi

Nó oai nghiêm đứng chính giữa lòng người

Nó sáng suốt soi đường cho dân Việt

Năm cánh lại là hình dung đoàn kết

Cả sĩ, nông cho đến công, thương, binh

Toàn dân ta đều nhất trí đồng tình

Đoàn kết chặt thì sức mình cũng mạnh

Chắc đánh tan lũ đế quốc Nhật – Tây

Chắc làm cho non nước Việt sau này

Sớm phất phới lá cờ Việt Nam độc lập.

Bài thơ vừa giải thích ý nghĩa hàm chứa của lá cờ, vừa kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng vùng lên cứu nước để Quốc kỳ Việt Nam độc lập sớm phất phới khắp non sông.

Tuy không có in tên, nhưng người đọc cũng có thể nhận biết tác giả là ai, bởi tờ Việt Nam Độc Lập ra mắt số đầu ngày 1/8/1941 (ghi số 101 với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của những tờ báo cách mạng bí mật đã ra đời từ trước đó ở Khuối Nậm thuộc Pác Bó, xã Trường Hà, Cao Bằng do chính Bác Hồ sáng lập khi mới về nước, việc ghi số như vậy cũng đồng thời nhằm đánh lạc hướng địch) chính là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh. Một đặc điểm trong cách viết của báo này là sử dụng rộng rãi thể văn vần, nhằm giúp người đọc dễ học thuộc, nhớ lâu, truyền miệng cho thuận tiện. Từ những cơ sở đó, và sau khi đã "đọc kỹ văn phong bài thơ, chúng ta cũng dễ nhận ra phong cách của ngòi bút Bác Hồ" (suy luận của PGS.TS Sử học Đỗ Quang Hưng).

Cờ đỏ sao vàng chính là "Cờ khởi nghĩa phất phới vàng pha máu". Nó đã thôi thúc lòng yêu nước, đưa công cuộc kháng chiến chính nghĩa của toàn dân đến thắng lợi hoàn toàn, đúng y như những vần thơ đầy hào khí của Bác trong bài Nhóm lửa đăng trên báo Việt Nam Độc Lập số 133 ngày 1/8/1942:

Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi,

Chiếu lên cờ Độc lập Tự do.

Và sau đó:

Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông,

 Đưa tin thắng lợi cờ hồng tung bay!


N. H. H.

(*) Do không người dân nào ủng hộ, và thấy bị Pháp đánh lừa, Nguyễn Văn Thinh biết xấu hổ, biết tủi nhục nên đã tự treo cổ bằng dây điện. Hoạch lên thay, rốt rồi cũng "ngã theo cái ạch"!

Chia sẻ bài viết