26/03/2012 - 14:43

CHUẨN HÓA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ Ở TP CẦN THƠ

Thực tiễn và những yêu cầu bức bách

Xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) là đơn vị hành chính cấp cơ sở - nơi thể hiện trực tiếp và cụ thể các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã đóng vai trò then chốt trong việc đưa các chủ trương, chính sách này đến gần với dân, trực tiếp chăm lo đời sống người dân. Thời gian qua, kiện toàn bộ máy và chuẩn hóa đội ngũ CBCC cấp xã luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền ở TP Cần Thơ quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, tiến trình xây dựng “cấp xã là nền tảng của chính quyền; CBCC cấp xã trưởng thành là nguồn bổ sung cho cấp trên” ở thành phố Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Bài 1: CHUẨN HÓA, TRẺ HÓA CÁN BỘ CÔNG CHỨC CẤP XÃ

* SƠN HÀ

Ngày 31-12-2009, UBND TP Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 17/2009/CT-UBND về tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và chuẩn hóa đội ngũ CBCC cấp xã (Chỉ thị 17). Sau hơn 2 năm thực hiện chỉ thị này, theo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng CBCC cấp xã từng bước đi vào ổn định và chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCC cấp xã từng bước được nâng lên. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả, nhiệm vụ quản lý nhà nước ở cơ sở, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của toàn thành phố...

* TẠO NỀN CHO VIỆC CHUẨN HÓA

Ông Nguyễn Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: Sau khi UBND TP Cần Thơ ban hành Chỉ thị 17, Sở Nội vụ thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt tinh thần nội dung của chỉ thị và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã trên cơ sở đề nghị của địa phương. Đồng thời, Sở Nội vụ phối hợp kiểm tra việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng cấp xã và tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn việc bầu cử đại biểu HĐND cấp xã nhằm đảm bảo các chức danh giữ chức vụ chủ chốt đạt chuẩn theo Quyết định số 04/2004/QĐ – BNV ngày 16-1-2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn cụ thể đối với CBCC cấp xã. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra công vụ ở các xã, phường, thị trấn; trong đó có kiểm tra việc chuẩn hóa đội ngũ CBCC cấp xã và thực hiện chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ.

Đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Cần Thơ
đã và đang được chuẩn hóa, trẻ hóa. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận một cửa
xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền đang giải quyết hồ sơ
cho người dân.Ảnh: SƠN HÀ.

Tiếp tục triển khai, quán triệt sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và sự quan tâm của cấp ủy, hầu hết UBND cấp quận, huyện đều tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị 17 đến tất cả cán bộ chủ chốt cấp huyện và cấp xã; ban hành nhiều văn bản, kế hoạch thực hiện Chỉ thị nghiêm túc. UBND cấp quận, huyện cũng chỉ đạo cho Đảng ủy, UBND cấp xã tiếp tục xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát, thống kê số lượng, chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã chưa đạt chuẩn, phân loại để có kế hoạch đưa đi đào tạo (chuyên môn, chính trị) và số CBCC không đủ điều kiện để đào tạo theo quy định. Theo ông Nguyễn Việt Trung, từ kết quả của việc rà soát, hơn 2 năm qua, các cấp quận, huyện đã thực hiện việc luân chuyển điều động 54 trường hợp chưa đạt chuẩn sang các vị trí công tác khác và điều động, bố trí những người có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí chức danh đảm nhiệm; giải quyết thôi việc cho 37 trường hợp không đạt chuẩn và không đủ điều kiện cử đi đào tạo. Ngoài ra, qua kết quả cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016, tình hình tổ chức bộ máy HĐND, UBND cấp xã được kiện toàn kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, số lượng CBCC cấp xã được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính, số lượng CBCC được bổ sung đáng kể so với quy định cũ, đảm bảo các chức danh đều có người đảm nhiệm. Tổng số CBCC cấp xã được UBND TP Cần Thơ quy định là 2.029 người, nhưng hiện nay chỉ có 1.688 người.

* TỪNG BƯỚC NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN, CHUYÊN MÔN

Theo ông Lê Việt Sĩ, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, công tác cán bộ là một trong những công tác quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Vì vậy, thời gian qua, quận luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ CBCC từng bước đạt chuẩn, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các phòng, ban chuyên môn và các phường. Thực hiện Chỉ thị 17, hơn 2 năm qua, quận Ô Môn đã tuyển dụng 22 trường hợp, cử đi đào tạo về chuyên môn cho CBCC phường trên 99 trường hợp, cử đi đào tạo lý luận chính trị 49 trường hợp. Bên cạnh đó, quận cũng thường xuyên cử cán bộ, công chức phường đi bồi dưỡng, tập huấn các lớp kỹ năng để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Ông Lê Việt Sĩ cho biết: “Từ khi thực hiện Chỉ thị 17, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị CBCC các phường của quận Ô Môn tăng lên đáng kể. Đến nay, CBCC phường đạt và vượt chuẩn trên 78%, cao hơn so với năm 2009 khoảng 20% và có 56 trường hợp đang học các lớp tại chức để chuẩn hóa trình độ. Để đạt được kết quả khả quan này, lãnh đạo các cấp xác định được tầm quan trọng của công tác cán bộ, công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, chuyển đổi vị trí công tác, từ đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả”.

Theo Sở Nội vụ thành phố, 2 năm qua, trên địa bàn thành phố có 189 CBCC cấp xã được cử đi đào tạo chuyên môn trình độ trung cấp và 394 CBCC được đào tạo trình độ đại học. Ngoài ra, 2.190 CBCC cấp xã được bồi dưỡng chuyên môn, chính trị. Số CBCC cấp xã tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên được 170 người và 140 người hoạt động không chuyên trách... Sau khi tổ chức thi tuyển công chức cấp xã, thành phố đã tuyển dụng được 345 người có trình độ trung cấp, đại học về làm việc tại cấp xã... Thời gian qua, thành phố có nhiều đầu tư thích đáng bằng nhiều cơ chế, chính sách nhằm củng cố, tăng cường trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ CBCC cấp xã có trình độ đại học về công tác cơ sở. Cụ thể: TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 50/2007/QĐ-UBND ngày 28-12-2007 quy định thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ nguồn nhân lực TP Cần Thơ (giai đoạn 2007-2011); Quyết định số 44/2010/QĐ-UBND ngày 26-11-2010 quy định thực hiện Chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực cho TP Cần Thơ (giai đoạn 2011-2015).

* NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Hơn 2 năm thực hiện chuẩn hóa đội ngũ CBCC cấp xã theo tinh thần Chỉ thị 17, ông Nguyễn Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, nhận định: Đến nay, chất lượng CBCC từng bước được nâng lên, đa số CBCC có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng vận dụng đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước; biết phát huy trí tuệ tập thể, có khả năng lãnh đạo, quản lý thực hiện công việc hiệu quả, sâu sát với công việc, tận tụy với nhân dân. Kết quả này góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, UBND cấp xã đi vào chiều sâu, đa dạng hóa các phương thức; thể hiện vai trò là cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương... giải quyết tốt các thủ tục hành chính, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố... Đặc biệt, từ Chỉ thị 17, nhiều địa phương đã có những đề án riêng nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn hóa đội ngũ CBCC cấp xã nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc ngày càng cao trong tình hình mới. Quận Thốt Nốt là một điển hình. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: UBND quận Thốt Nốt luôn xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế. Muốn xây dựng và phát triển kinh tế bền vững thì phải có đội ngũ CBCC ngang tầm, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, đảm bảo được các yêu cầu, nhiệm vụ mới. Vì vậy, thời gian qua, song song với việc thực hiện Chỉ thị 17, Quận ủy, UBND quận Thốt Nốt đã nghiên cứu và đề ra chủ trương thu hút nguồn nhân lực, sử dụng nhân tài giai đoạn 2010 – 2015 (gọi tắt là Đề án Thốt Nốt 30+3). Bên cạnh mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ CBCC của quận, Đề án Thốt Nốt 30+3 nhằm thu hút, tạo điều kiện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có ngay việc làm.

Theo Đề án Thốt Nốt 30+3, những ứng viên có học lực khá, giỏi sau thời gian được bố trí thử việc (3 tháng) tại các ban, ngành cấp quận và UBND cấp phường nếu được thủ trưởng đơn vị tiếp nhận xác nhận năng lực chuyên môn, đạo đức, ý thức kỷ luật tốt, Đề án sẽ hỗ trợ 15 triệu đồng/ứng viên và ứng viên đó còn được hưởng các chế độ theo Quyết định số 44/2010/QĐ-UBND. Những ứng viên đang học đại học tại các trường trong và ngoài thành phố, Đề án hỗ trợ 6 triệu đồng/năm/ứng viên cho đến khi ứng viên tốt nghiệp. Hơn 2 năm qua, triển khai thực hiện Đề án Thốt Nốt 30+3, quận Thốt Nốt đã thu hút được 52 sinh viên (trong đó có 2 ứng viên có trình độ thạc sĩ; 14 ứng viên đang học) có học lực khá giỏi về công tác. Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, mục tiêu của Đề án Thốt Nốt 30+3, đến năm 2015, Thốt Nốt phấn đấu xây dựng được 90 CBCC có trình độ đại học và trên đại học được đào tạo chính quy theo quy hoạch của quận, có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ sẽ được bố trí sử dụng đúng ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thốt Nốt trong giai đoạn 2010-2015 và đến năm 2020.

(Còn tiếp)

Kỳ tới:
Bài 2: Cần đột phá trong chuẩn hóa và thu hút cán bộ công chức

Chia sẻ bài viết