31/05/2020 - 14:28

Thực phẩm đầu đời giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh 

Những thực phẩm tiêu thụ lúc đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện về trí não và thể chất của trẻ, cũng như giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh về sau. Dưới đây là những thực phẩm nền tảng mà Tiến sĩ nhi khoa người Mỹ Tanya Altmann khuyến khích cho trẻ ăn trước tiên.

Ăn cùng con là cách giúp trẻ dễ dàng tiếp nhận thực phẩm mới và xây dựng thói quen ăn uống có lợi. Ảnh: Raisingchildren.net.au

Trứng. Không chỉ dễ chế biến, trứng còn là nguồn cung lành mạnh về chất đạm, chất béo cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ nhỏ như biotin và sắt. Phụ huynh có thể tạo sở thích ăn trứng cho con bằng cách bổ sung trứng sớm và thường xuyên trong bữa ăn, hoặc để bé phụ đập hoặc đánh trứng khi nấu ăn.

Mận khô. Không chỉ dồi dào vitamin, khoáng chất và chất chống ôxy hóa quan trọng, mận khô còn giàu chất xơ giúp phòng và điều trị hiệu quả chứng táo bón, giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh trong những năm đầu đời. Các mẹ có thể xay nhuyễn hoặc trộn mận khô với yến mạch hoặc thực phẩm khác khi tập ăn cho bé nhỏ. Với bé lớn hơn, có thể cắt nhỏ hoặc để nguyên trái và khuyến khích trẻ tự ăn.

Bơ. Nhờ chứa hàm lượng cao kali, chất xơ và chất béo không bão hòa đơn lành mạnh, loại quả này rất tốt cho sức khỏe tim, não và mắt, nên giới thiệu cho trẻ từ khi ăn dặm. Đừng vội nản chí khi thấy bé nhỏ nhà bạn không thích ăn bơ nghiền ngay, bởi với một số thực phẩm, trẻ cần làm quen nhiều lần trước khi cảm thấy thích và chịu ăn. Với các bé lớn hơn, cha mẹ có thể cùng con chế biến và ăn để tăng phần thích thú.

Cá. Ngoài là nguồn cung tuyệt vời về chất đạm, cá còn chứa vitamin D – dưỡng chất mà hầu hết trẻ nhỏ (lẫn người lớn) cần bổ sung nhằm xây dựng xương khớp và phòng tránh nhiều bệnh. Trong đó, các loại cá béo - như cá hồi, cá trích, cá ngừ - chứa hàm lượng cao axít béo Omega 3, đặc biệt là EPA và DHA rất tốt cho sự phát triển của mắt và não trẻ. Để tránh việc không thích ăn cá khi lớn, nên sớm cho bé dùng cá từ sau 6 tháng tuổi, nhưng nhớ gỡ sạch xương.

Chế phẩm từ sữa. Nhóm thực phẩm này cung cấp đủ 9 dưỡng chất mà đa số trẻ nhỏ khó dung nạp đủ - gồm canxi, kali, phốt-pho, prôtêin, vitamin A, vitamin D, vitamin B12, riboflavin và niacin. Trong đó, sữa tươi là nguồn cung tốt nhất về vitamin D cho các bé. Lưu ý, chỉ nên cho trẻ dùng sữa chua và phô mai sau 6 tháng tuổi, còn sữa tươi nguyên hoặc ít béo thì dùng sau 1 tuổi. Với trẻ từ 1-2 tuổi, sữa tách béo hoặc ít béo là lựa chọn tốt nhất.

Hạt và bơ hạt. Đây là nguồn bổ sung tiện lợi chất đạm thực vật, vitamin E và chất béo không bão hòa đơn lành mạnh. Khi bé được 6 tháng tuổi, mẹ có thể thêm 1 muỗng cà phê bơ đậu phộng vào món cháo yến mạch cho con thử, sau đó dùng phết lên bánh mì khi trẻ lớn hơn. Nghiên cứu cho thấy giới thiệu sớm và thường xuyên bơ hạt giúp giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm này cho trẻ.

Thịt gà và các loại đậu. Thịt gà là nguồn cung lành mạnh chất đạm, sắt và kẽm, đồng thời cũng dễ cho trẻ ăn bằng tay. Còn các loại đậu thì giàu chất xơ, đạm, vitamin và khoáng chất. Các mẹ nên siêng đổi cách chế biến gà/đậu để tạo thói quen ăn uống đa dạng, tránh dùng hình thức chiên hoặc xào nhiều dầu mỡ không tốt cho sức khỏe.

Các loại quả mọng nước. Nhóm trái cây này giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất mà cơ thể trẻ cần để hoạt động bình thường và duy trì sức khỏe. Đơn cử, dâu tây cung cấp vitamin C và các dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển mắt và não, cũng như chứa các chất chống ôxy hóa giúp phòng bệnh. Còn trái cây họ cam quýt chứa hàm lượng cao vitamin C, folate, chất xơ mà mọi đứa trẻ cần. Phụ huynh có thể tập con ăn nhóm trái cây này bằng cách làm bánh, pha sinh tố hoặc thêm vào món sữa chua.

Các loại rau lá màu xanh đậm. Đây là thực phẩm nên ưu tiên giới thiệu cho trẻ, bởi chúng chứa hầu hết vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và duy trì cân nặng cân đối. Mặc dù có nhiều hình thức chế biến để món rau hấp dẫn hơn, song phụ huynh cần nhớ nêu gương cho con, vì nếu bạn không ăn rau thì trẻ cũng vậy.

Ngũ cốc nguyên hạt. Đây là nguồn cung năng lượng tuyệt vời, giàu chất xơ giúp phòng và điều trị chứng táo bón. Chất xơ cũng nuôi dưỡng lợi khuẩn trong ruột, giúp trẻ tăng sức đề kháng.

Nước. Khi trẻ bắt đầu dùng thức ăn đặc, hãy cho uống từng ngụm nhỏ nước để bé quen với vị nước trắng và hình thành thói quen uống nước về sau.

HƯƠNG THẢO (Theo Weelicious.com)

Chia sẻ bài viết