17/08/2018 - 08:53

Bà Lâm Thanh Liễu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều:

Thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới 

Ngành giáo dục quận Ninh Kiều chủ động triển khai công tác chuẩn bị năm học mới: huy động trẻ mầm non (MN) ra lớp; tuyển sinh đầu cấp; tiếp nhận, thuyên chuyển và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên; tu sửa xây mới cơ sở vật chất... Bà Lâm Thanh Liễu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ninh Kiều, cho biết thêm:

- Quận đã hoàn thành công tác huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh lớp 1, lớp 6. Việc huy động học sinh ra lớp ở các bậc học ở cơ sở vượt kế hoạch đề ra, nhất là trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 110,6%. Năm học 2018-2019, toàn quận có 15.230 học sinh trong độ tuổi đến trường. Trong đó có 1.114 trẻ nhà trẻ, mẫu giáo có 5.302 trẻ, học sinh lớp 1 có 4.878 em, lớp 6 là 3.936 học sinh.

* Hiện nay, cơ sở vật chất, trường lớp có đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh không, thưa bà?

- Đến nay, Ninh Kiều cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhận trẻ và học sinh.

Năm học mới này, quận có 4 trường mầm nom được xây mới và đưa vào sử dụng: Rạng Đông, Anh Đào, Hoàng Anh, 8 Tháng 3. Công trình xây dựng Trường THCS Đoàn Thị Điểm dự kiến được bàn giao vào năm 2019. Theo kế hoạch từ đây đến cuối năm, ngành giáo dục rà soát các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia đối với các Trường THCS An Khánh, Mầm non Anh Đào, Mầm non Hoàng Anh.

Hiện tổng số trường do phòng quản lý, chỉ đạo chuyên môn là 79 trường, trong đó có 55 trường công lập (kể cả 2 trường tiểu học và mầm non thuộc Trường Cao đẳng Cần Thơ) và 24 trường mầm non tư thục (tăng 1 trường tư thục so với cùng kỳ). Ngoài ra còn có 30 nhóm trẻ độc lập, trên địa bàn quận có 10 trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp học do Sở GD&ĐT thành phố trực tiếp chỉ đạo quản lý. Quy mô, mạng lưới trường lớp trên đáp ứng nhu cầu của học sinh trên địa bàn.

Trong dịp hè, Phòng GD&ĐT quận chỉ đạo các trường trực thuộc tiến hành tu sửa, bảo dưỡng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học nhằm chuẩn bị cho năm học mới với tổng kinh phí trên 1,78 tỉ đồng. Trong đó, phần mua sắm trang thiết bị dạy học trên 250 triệu đồng. Cụ thể: Chủ các trường mầm non tư thục đã chi sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất trên 600 triệu đồng, mua sắm trang thiết bị trên 150 triệu đồng. Các trường công lập sử dụng phần khấu hao cơ sở vật chất từ nguồn thu dịch vụ bán trú trên 350 triệu đồng và từ kinh phí tự chủ trên 285 triệu đồng.

* Xin bà cho biết việc chuẩn bị nguồn lực giáo viên, cán bộ phục vụ năm học mới ?

- Hiện quận Ninh Kiều có trên 2.300 cán bộ, giáo viên và nhân viên (không tính các trường phổ thông nhiều cấp học). Sau khi rà soát số lớp sau tuyển sinh, Phòng GD&ĐT xác định lại biên chế để điều chuyển giáo viên theo yêu cầu từng trường; đề nghị tuyển dụng giáo viên còn thiếu so với biên chế được duyệt. Trước khi bước vào năm học mới, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; đã cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán ở các bậc học, cấp học tham dự các lớp bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các đơn vị phối hợp tổ chức. Ngành cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Quận ủy, Trung tâm Y tế quận tổ chức bồi dưỡng chính trị năm 2018 cho cán bộ quản lý và giáo viên; đồng thời, phối hợp với Hội đồng Giáo dục quốc phòng quận bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học.

Trường Mầm non Rạng Đông.

* Bà có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2018-2019 của ngành giáo dục quận?

- Ngành tập trung rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp, nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục, phù hợp với nhu cầu xã hội. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý giáo dục. Các trường tiếp tục đổi mới đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới chương trình, sách giáo khoa gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Song song đó là chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, sáng tạo...

*  Xin cảm ơn bà!

MINH HOÀNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết