13/07/2016 - 10:20

Thới Lai

Thực hiện nhiều giải pháp hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới

Năm 2016, huyện Thới Lai phấn đấu công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã NTM lên 5/12 xã. Đảm bảo xây dựng NTM của huyện đúng lộ trình, Thới Lai tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các xã hoàn thành các tiêu chí NTM.

Đạt từ 13 tiêu chí trở lên

Huyện Thới Lai có 12 xã tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện có 3 xã đã được công nhận xã NTM là xã Trường Xuân (năm 2014), xã Đông Bình (năm 2015) và xã Trường Xuân A (tháng 4-2016). Đến nay, xã Thới Thạnh cơ bản đạt 20/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí của TP Cần Thơ về NTM. Xã đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hóa cùng cải tạo cảnh quan môi trường. Các xã còn lại, như: xã Đông Thuận đạt 17 tiêu chí; xã Thới Tân, Xuân Thắng, Tân Thạnh đạt 16 tiêu chí; xã Định Môn, Trường Thành, Trường Xuân B đạt 15 tiêu chí và xã Trường Thắng đạt 13 tiêu chí.

Thời gian qua, các cấp chính quyền luôn quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố và huyện Thới Lai kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Thới Lai, cơ sở hạ tầng thiết yếu trong thời gian qua luôn được các địa phương và nhân dân quan tâm thực hiện. Qua đó, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đáp ứng nhu cầu và phục vụ cho sản xuất của người dân, giao thông ngày càng thông suốt, đi lại dễ dàng, người nghèo được hỗ trợ nhà ở... Thực hiện hiệu quả và sát sao chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, Thới Lai đã kiện toàn bộ máy, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM 12 xã và thành lập Ban Phát triển ở 101 ấp trên toàn huyện. Đồng thời, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội, cán bộ, đảng viên cùng tham gia xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức được các xã tổ chức lồng ghép trong các hội nghị, các buổi họp ấp, thông qua các cuộc họp tổ chức đoàn thể, qua hệ thống loa truyền thanh hay qua tranh ảnh, qua các hình thức văn hóa, văn nghệ… Kết quả người dân tích cực tham gia chương trình hơn, vốn đóng góp xây dựng NTM từ người dân năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, nhiều người dân tự nguyện hiến đất để phục vụ cho những công trình công cộng nông thôn, tham gia giám sát các công trình địa phương thực hiện, tăng cường tham gia sản xuất có tổ chức như: tham gia vào mô hình cánh đồng mẫu, tổ hợp tác, hợp tác xã... Chính vì vậy, xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực, một số xã về đích NTM trước thời hạn.

Theo lộ trình xây dựng NTM của huyện Thới Lai, xã Trường Xuân A hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2018. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng lòng của người dân, xã Trường Xuân A về đích trong xây dựng NTM sớm hơn dự kiến khoảng 2 năm. Bà Võ Thị Kim Son, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân A, cho biết: Điểm thuận lợi trong xây dựng NTM của xã là được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp. Đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn xã thông qua đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, phát triển sản xuất… góp phần thành công trong công cuộc xây dựng NTM. Đến nay, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, cơ sở vật chất dần hoàn thiện, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Thu nhập bình quân đầu người xã Trường Xuân A đạt 33,15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến đầu năm 2016 còn 76 hộ, chiếm 4,41% tổng số hộ…

Đảm bảo lộ trình xây dựng NTM

Tháng 4-2016, UBND huyện Thới Lai tổ chức công nhận xã Trường Xuân A đạt chuẩn NTM. Hiện xã Thới Thạnh cơ bản hoàn thành 20 tiêu chí và dự kiến công nhận đạt chuẩn xã NTM vào tháng 8-2016. Từ đây đến cuối năm, xã NTM Đông Thuận phấn đấu hoàn thành xây dựng xã NTM (còn 3 tiêu chí chưa đạt là trường học, cơ sở vật chất văn hóa và thu nhập). Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh cho biết: Hiện, xã tập trung theo dõi, đôn đốc đảm bảo tiến độ các công trình giao thông, trường học. Bên cạnh đó, vận động nhân dân xây dựng cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch đẹp; nâng chất các tiêu chí đã đạt tiến đến công nhận xã NTM.

Theo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Thới Lai, khó khăn trong quá trình xây dựng NTM của huyện là việc huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn còn hạn chế. Nguồn vốn huy động của doanh nghiệp và tín dụng còn khó khăn do chưa thật sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư; xã hội hóa trong xây dựng NTM tại địa phương vẫn còn thấp. Nguyên nhân do các xã xây dựng NTM trên địa bàn huyện là xã nông nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn xã khá ít nên huy động vốn xây dựng NTM từ xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Đảm bảo lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn, Đảng bộ, UBND huyện Thới Lai tiếp tục quán triệt quan điểm về xây dựng NTM, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, dứt khoát phải kiên trì, thường xuyên, liên tục và bền vững. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Theo đó, các ban, ngành liên quan rà soát và có chương trình, kế hoạch hỗ trợ các xã thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí có liên quan; báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm về công tác thực hiện các tiêu chí được giao. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch của xã đã xây dựng hằng năm, từ đó thúc đẩy quá trình xây dựng NTM đạt hiệu quả, đảm bảo đúng kế hoạch đã đề ra. Tổ chức sơ, tổng kết có biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác xây dựng NTM; phát huy, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả.

Ngoài ra, Thới Lai tiếp tục quan tâm rà soát công tác quy hoạch sản xuất, xem xét trên quy mô lớn để khắc phục tình trạng mất cân đối trong sản xuất, nhất là nông, thủy sản. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân; tập trung xây dựng những vùng sản xuất lớn theo mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Đối với các xã cần tập trung triển khai các tiêu chí mang tính đột phá của địa phương để thu nhập và đời sống của người dân nông thôn dần được cải thiện và nâng cao. Đồng thời, xây dựng và thực hiện các dự án hỗ trợ đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết