05/10/2013 - 19:30

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế

9 tháng, GDP của TP Cần Thơ tăng 10,32% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn trì trệ, DN loay hoay với bài toán ổn định sản xuất, tìm kiếm thị trường và tồn tại. Điều này tác động trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước của thành phố, chi đầu tư phát triển…

Tăng trưởng, nhưng vẫn khó

Theo báo cáo của Sở Công thương, 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 7,84% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước thực hiện gần 31.185 tỉ đồng, tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức hàng hóa bán ra khoảng 79.551 tỉ đồng, tăng gần 14,9% so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 66,3% kế hoạch năm (trong đó, bán lẻ đạt 42.476 tỉ đồng, tăng gần 13,8% so cùng kỳ năm trước và đạt 66,4% kế hoạch năm). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mới đạt 65,8% kế hoạch năm, do kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (gạo và thủy sản đông lạnh) giảm. Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "Từ đầu năm đến nay, ngành công thương gặp rất nhiều khó khăn. Quý 1, giá trị sản xuất ngành công nghiệp giảm rất nhiều, quý 2 và 3 mới tăng trở lại, nhưng không thể bù sụt giảm của quý 1. Với đà này, giá trị sản xuất công nghiệp, nội thương năm 2013 có khả năng chỉ đạt 96%- 97% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 1,2% và đạt 85% kế hoạch năm"…

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một DN đang hoạt động trong KCN Trà Nóc. Ảnh: T. HÀ

Sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, các chi phí đầu vào đều tăng, cầu thị trường thấp; giá xuất khẩu giảm, khiến kim ngạch xuất khẩu của một số DN đạt thấp. Thêm vào đó, thị trường các nước đang gia tăng các rào cản thương mại, kỹ thuật bằng những vụ áp thuế chống bán phá giá, kiểm tra hóa chất gắt gao cũng tác động ít nhiều đến DN. Trong khi đó, "sức khỏe" của DN ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, việc làm cho người lao động và an sinh xã hội. Theo số liệu của Sở Tài chính thành phố, tính đến 25-9 thì tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện gần 6.919 tỉ đồng, đạt 79,8% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao (thu nội địa, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu) đạt hơn 4.903 tỉ đồng (đạt gần 75% dự toán Trung ương giao, đạt 74,38% dự toán HĐND thành phố giao); có 7/14 khoản thu đạt 75% dự toán trở lên, vượt dự toán. Với kết quả này, để hoàn thành dự toán ngân sách năm 2013 là vấn đề không dễ dàng.

Theo lãnh đạo một số địa phương, thu ngân sách năm nay khó do sản xuất kinh doanh của DN không thuận lợi, DN không phát sinh thuế, thị trường có chuyển biến, nhưng không đủ bù đắp khoản sụt giảm của DN trong những tháng đầu năm… Thêm vào đó, Chính phủ thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, nhiều địa phương lúng túng trong phân bổ nguồn đầu tư phát triển. Tại phiên họp trực tuyến tháng 9-2013, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng đã yêu cầu các sở, ngành và quận, huyện rà soát tất cả các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, đề xuất thành phố điều chỉnh, có giải pháp khả thi thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tăng xuất khẩu để đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Hợp lực giải bài toán khó

Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế phục hồi chậm, chưa thực sự vững chắc, số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể còn ở mức cao. Do vậy, đảm bảo các mục tiêu phát triển, tăng trưởng là bài toán khó hiện nay. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong 9 tháng năm 2013, thành phố có 6 DN giảm vốn (giảm 37,9 tỉ đồng), giải thể 102 DN có vốn 225,8 tỉ đồng (cả năm 2012, 130 DN giải thể, vốn 250 tỉ đồng). Khó khăn của DN hiện nay vẫn là tiếp cận vốn vay ngân hàng, thị trường chưa khởi sắc, hàng tồn kho cao (tính đến cuối tháng 8-2013, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp thành phố là 20,4%). Còn thống kê của Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, tổng doanh thu của 184 dự án đang hoạt động tại các khu công nghiệp tập trung trong 9 tháng thực hiện trên 1.041 triệu USD, giảm 35% so cùng kỳ năm trước. Tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể đang diễn ra mạnh nhất trên lĩnh vực thủy sản, bất động sản. Đơn cử, chỉ quận Thốt Nốt hiện đến 40% DN ngành thủy sản ngưng hoạt động, giải thể, hoặc chuyển sang làm hàng gia công. Nếu tình trạng này kéo dài và không có hướng gỡ khả thi, DN "chết" hàng loạt sẽ tạo áp lực rất lớn đến thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố, tính đến 30-9, tổng thu nội địa trên địa bàn đạt 4.454 tỉ đồng, đạt khoảng 76% dự toán HĐND thành phố, trên 75% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng khoảng 35% so cùng kỳ. Hiện nay, chỉ có quận Bình Thủy thu ngân sách đạt dưới 75% dự toán được giao, các huyện, quận còn lại đạt trên tỷ lệ này. Ông Võ Kim Hoàng, Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, cho biết: Từ nay đến cuối năm, còn thu khoảng 1.467 tỉ đồng, bình quân thu 500 tỉ đồng/tháng. Dự kiến tổng thu nội địa cả năm đạt khoảng 5.939 tỉ đồng, đạt dự toán HĐND thành phố giao và vượt dự toán Bộ Tài chính giao (5.889 tỉ đồng). Để đảm bảo đạt kết quả, Cục Thuế sẽ cùng các sở ngành thành phố rà soát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đảm bảo thu đúng, thu đủ. Đồng thời, tăng xử lý nợ đọng (khoảng 664 tỉ đồng, trong đó thành phố hiện có 11 DN lớn nợ thuế trên 400 tỉ đồng)... Trước khó khăn về thu ngân sách nhà nước, lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để có phương án khả thi, cùng giải quyết bài toán khó này.

Đồng chí Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực thành phố, yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tập trung giải pháp hỗ trợ cho DN, kéo sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển. Sở Tài chính, Cục Thuế cần phân tích các nguồn thu thuế, đảm bảo thu đạt kế hoạch cao nhất, xử lý nợ đọng. Đảm bảo giải ngân vốn xây dựng cơ bản từ các nguồn: vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Trung ương phân bổ, vốn ODA… Thành phố đã ban hành Công văn số 4207/UBND-KT (ngày 5-9-2013) thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 1127/BTC-NSNN ngày 23-8-2013 của Bộ Tài chính về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân hàng nhà nước năm 2013, một số giải pháp trong những tháng cuối năm 2013. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận huyện định kỳ hằng tháng phải báo cáo kết quả thực hiện tại phiên họp UBND thành phố về các giải pháp tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công tác quản lý thị trường, kiểm soát nguồn thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại; xử lý các khoản nợ đọng thuế; giãn, miễn thuế; chống lãng phí trong chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm chi, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách… Trên cơ sở đó, phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013. Đảm bảo cân đối ngân sách, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế- xã hội ở mức cao nhất.

Gia Bảo

 

Chia sẻ bài viết