19/07/2008 - 09:55

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thực hiện các giải pháp đồng bộ để phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết xử lý tham nhũng

Trong sáu tháng đầu năm nay, công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả tích cực; việc khởi tố, truy tố đều tăng cả số vụ, số bị can...cho thấy: Cả hệ thống chính trị đã quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Luật phòng, chống tham nhũng. Sáu tháng cuối năm, phải phát huy mạnh mẽ các biện pháp phòng ngừa và xử lý tham nhũng theo hướng cụ thể từng lĩnh vực, từng vụ việc còn tồn đọng; thông tin kịp thời, chính xác về các vụ án tham nhũng để nhân dân thấy rõ kết quả đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước...Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thứ 7 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chiều 18-7 tại Hà Nội.

Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện bước 2 của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình chính khóa giảng dạy trong trường chính trị... Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố như: Công khai các thủ tục hành chính, quy trình, thời gian giải quyết công việc, các khoản kinh phí, việc mua sắm tài sản công. Đã có 35 cơ quan Trung ương và 57 địa phương báo cáo về việc kê khai tài sản được thực hiện tại 27.979 đơn vị trực thuộc với hơn 285 ngàn người đã kê khai tài sản, thu nhập; 22,33 đơn vị sử dụng ngân sách trả lương qua tài khoản. Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, các địa phương và 16 cơ quan Trung ương đã triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tốt, cụ thể: Tổng số 1.726 đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi về Văn phòng Ban chỉ đạo, qua xử lý đã xác định có 111 đơn, thư (5,1%) phản ánh dấu hiệu tham nhũng. Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an đã điều tra 12 vụ án tham nhũng nghiêm trọng với 96 bị can; đã kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát 4 vụ, 46 bị can. Thanh tra Chính phủ đã kết luận 8 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm gần 966,6 tỉ đồng và trên 45,647 USD. Đã kiến nghị thu hồi 668,6 tỉ đồng và 45,647 USD...chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự.v.v...Khởi tố 158 vụ, 339 bị can và truy tố 192 vụ, 471 bị can về tội tham nhũng (đều tăng so với cùng kỳ 2007).

Phân tích kết quả phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chỉ rõ: Hầu hết số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua và 6 tháng đầu năm nay đều là những vụ việc đã xảy ra từ mấy năm trước. Các vụ án trọng điểm như vụ PMU 18, Nguyễn Đức Chi, Nguyễn Lâm Thái, tham nhũng đất ở Đồ Sơn... cũng từ những năm trước, nay được phát hiện, đang xử lý; vụ xuất khẩu lậu than ở Quảng Ninh cũng cho thấy dấu hiệu kéo dài từ mấy năm nay, nhiều đối tượng tham gia...Đây là kết quả rất quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về chống tham nhũng; đồng thời cũng chứng minh Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Luật phòng, chống tham nhũng đã phát huy hiệu lực và hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan, chưa hài lòng với kết quả đấu tranh chống tham nhũng, phải tiến hành các giải pháp đồng bộ để tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết xử lý tham nhũng, củng cố bộ máy của Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trước mắt, các cơ quan tố tụng cần khẩn trương xử lý các vụ án trọng điểm như vụ Nguyễn Đức Chi, vụ án kinh tế tại PMU18, vụ điện kế điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Đối với 13 vụ án tham nhũng nghiêm trọng khác như: tham nhũng về đất đai tại Quán Nam (Hải Phòng); vụ vi phạm tại Sở quản lý vốn và kinh doanh ngoại tệ thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vụ Đề án tin học 112; vụ Nông trường Sông Hậu.v.v...Ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan tố tụng khẩn trương tập trung hoàn tất các bước để đưa ra xét xử, có thể xét xử từng phần của vụ án, tránh để tình trạng kéo dài, dẫn đến tâm trạng nhân dân hoài nghi về hiệu quả và quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tố tụng và các cơ quan chức năng phải rút kinh nghiệm trong việc chưa phối hợp xử lý đồng bộ đối với nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến. Việc cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xem xét hành vi sai phạm của ông Nguyễn Việt Tiến chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự, miễn truy tố là bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng việc xử lý về mặt hành chính chưa kịp thời...dẫn đến băn khoăn, nghi ngờ trong nhân dân. Việc xử lý kỷ luật về trách nhiệm của đảng viên của tổ chức Đảng và xử lý hành chính của chính quyền đối với ông Nguyễn Việt Tiến phải được tiến hành khẩn trương trong thời gian tới.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác của Ban chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Ban chỉ đạo bổ sung các nhiệm vụ cụ thể, những giải pháp gắn với từng lĩnh vực, từng vụ việc...để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả tích cực hơn nữa, không chỉ hoàn thiện các cơ chế phòng ngừa mà phải sớm phát hiện những vi phạm về tham nhũng mới phát sinh. Công tác phòng, chống tham nhũng trong sáu tháng cuối năm gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh“ phải được cụ thể hóa là: Thay đổi lề lối làm việc bằng việc đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng và triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kiên quyết xử lý các hành vi, vụ việc tham nhũng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ cơ sở trở lên.

HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết