10/11/2024 - 11:54

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 

Nhu cầu vay vốn tín dụng đang tăng cao, tuy nhiên dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và một số tổ chức quốc tế nhận định, việc giảm thêm lãi suất cho vay thời gian tới là rất khó khăn. Song, lãnh đạo NHNN khẳng định, tăng trưởng tín dụng năm 2024 hoàn toàn có khả năng đạt 15% như mục tiêu đã đề ra và các ngân hàng thương mại đang tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng ưu đãi để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Các TCTD đang tích cực đưa vốn ra thị trường (ảnh minh họa).

Nhiều áp lực để giảm lãi suất cho vay

Theo lãnh đạo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2023 và 10 tháng năm 2024 đã có xu hướng giảm sâu, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn nên cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,5% trong năm 2023 và 10 tháng năm 2024, lãi suất cho vay giảm khoảng 0,76%/năm so với cuối năm 2023. Ước cả năm 2024, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 0,86% so với cuối năm 2023. Mới đây, giải trình và làm rõ một số vấn đề về điều hành chính sách tín dụng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành chính sách tín dụng vẫn tiếp tục gặp áp lực. Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua, nên việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất thời gian tới là rất khó khăn.

Hiện nay, nhu cầu vay vốn tín dụng đang tăng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm. Theo lãnh đạo NHNN, nhu cầu vốn tín dụng tăng cũng gây sức ép lên mặt bằng lãi suất. Cùng với đó, sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất tiền đồng càng gia tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước. Khó khăn nữa là lạm phát giảm nhưng chưa bền vững và tiềm ẩn các rủi ro từ bên ngoài do độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn. Thị trường tài chính cũng chịu nhiều tác động và thách thức khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, thanh khoản hệ thống ngân hàng. Và trên thực tế, việc thắt chặt chi tiêu của người dân cũng ảnh hưởng đến sức hấp thụ vốn của nền kinh tế; một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng…

Theo thống kê từ NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết tháng 9-2024 tăng 9%, nên còn nhiều dư địa để đạt mục tiêu tăng 15% trong năm 2024. Tuy nhiên, rủi ro và thách thức mà hệ thống ngân hàng đang đối mặt là tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang tăng, đến cuối tháng 8-2024, nợ xấu nội bảng ở mức 4,7% (nếu không bao gồm 5 ngân hàng thương mại kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,99%). Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) thực hiện cho thấy, trong quý IV-2024 các TCTD có xu hướng điều chỉnh tăng nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ 0,09 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng bình quân 4,8% trong quý IV-2024 và tăng 13,2% trong năm 2024. Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, cần tận dụng các không gian của dư địa tài chính trong điều kiện khó giảm thêm lãi suất cho vay. Trong đó, tập trung vào các gói tín dụng chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, như gói tín dụng cho bất động sản, nhà ở xã hội, nông - lâm nghiệp và thủy sản để tăng dòng vốn ra thị trường.

Tận dụng dư địa để tăng trưởng

Báo cáo của Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cũng nêu, dự kiến đến hết năm 2024, dư nợ công khoảng 36-37%/GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 33-34%/GDP, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ khoảng 21-22% tổng thu ngân sách nhà nước, trong phạm vi Quốc hội cho phép. Ðiều này tạo dư địa để thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với những biến động phát sinh. Bên cạnh đó, một số tổ chức quốc tế cũng nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB) với triển vọng “Ổn định”; Moody’s xếp hạng ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”; S&P xếp hạng ở mức BB+, triển vọng “Ổn định”… Việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định tính hiệu quả của việc triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường minh bạch hệ thống tài chính - ngân hàng của nước ta. Ðiều này tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế.

Năm 2024, báo cáo của Chính phủ dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu quan tâm và đánh giá lại kỹ hơn 10 vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó có vấn đề về thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế,... Tỷ giá, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập; thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức… Ước tính khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 là 237.500 tỉ đồng; trong đó, quý IV-2024 là 76.900 tỉ đồng… Ðây là những khó khăn, thách thức tạo áp lực đến điều hành chính sách tài chính, tiền tệ.

Thống đốc NHNN cũng cho biết, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của NHNN đang góp phần kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu đề ra (4-4,5% năm 2024), góp phần củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngoài chỉ đạo các TCTD tăng cường đưa vốn ra thị trường, NHNN cũng yêu cầu các TCTD triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng. Chẳng hạn, hưởng ứng Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, các ngân hàng đã cam kết đưa ra gói tín dụng 120.000 tỉ đồng và đến nay gói này đã tăng lên 145.000 tỉ đồng. Nguồn vốn này của các TCTD huy động từ người dân và dùng nguồn lực của chính các TCTD để giảm lãi suất cho vay từ 1,5% đến 2%/năm cho khách hàng (với chủ đầu tư nhà ở xã hội là 3 năm và người mua nhà là 5 năm), nhưng gói này mới triển khai được khoảng 1.700 tỉ đồng, do đây là giai đoạn đầu của Chương trình. Ngoài ra, tín dụng bất động sản đang tăng nhanh và thường tăng cao hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế. Hiện dư nợ bất động sản lên đến 3,15 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Gói tín dụng cho nông - lâm nghiệp và thủy sản cũng đạt kết quả rất tích cực… Ðiều này sẽ góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Chia sẻ bài viết