18/10/2023 - 11:29

Thúc đẩy phát triển ngành Công Thương phía Nam 

Tại Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX năm 2023 do Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, 8 tháng năm 2023, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố phía Nam đã nỗ lực đạt được những thành tựu nổi bật. Tuy nhiên,  dự báo khả năng đạt được các chỉ tiêu của Chính phủ năm 2023 là rất khó khăn nên cần sự quyết liệt của các địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao.

Ðoàn công tác của Sở Công Thương TP Cần Thơ làm việc tại Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ.

Vượt khó

Khu vực phía Nam là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước; đầu mối trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Ðông Nam Á và thế giới. Trong đó vùng Ðông Nam Bộ (mà hạt nhân là TP Hồ Chí Minh) là trung tâm lớn, năng động về kinh tế, khoa học công nghệ; vùng ÐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước.

Trong 8 tháng năm 2023, sản xuất công nghiệp 18/20 tỉnh, thành phía Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 (cả nước giảm 0,4%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.113.000 tỉ đồng, tăng 13,75% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 52,26% so với cả nước; có 16/20 địa phương có mức tăng trưởng cao và cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước. Thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Hoạt động xuất khẩu phải đối diện với rất nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực phía Nam đạt 81,436 tỉ USD, phục hồi 95,51% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức phục hồi của cả nước 90%. Trong đó, 8/20 tỉnh, thành phố vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ gồm: Tiền Giang +17,01%; Hậu Giang +14,29%; TP Cần Thơ +7,36%; Bạc Liêu +6,91%; An Giang +3,98%; Bình Phước + 3,89%; Kiên Giang +2,83%; Long An +2,2%.

Trong 9 tháng năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ đạt được những kết quả khả quan. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định và tăng trưởng, thị trường tiêu thụ sản phẩm được khơi thông, mở rộng; công nghiệp tiếp tục trên đà tăng trưởng; thương mại dịch vụ tiếp tục tăng cùng với các chính sách kích cầu, hoạt động thương mại xúc tiến được đẩy mạnh. Ước 9 tháng năm 2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) TP Cần Thơ tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,94%, ngành phân phối điện tăng 3,16% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải, nước thải tăng 3,17%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2023 đạt 86.500 tỉ đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 1,6 tỉ USD, giảm 6,14% so với cùng kỳ. Công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) 9 tháng năm 2023 đã tiếp nhận và cấp tổng cộng 10.680 bộ hồ sơ với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 818,6 triệu USD.

Nỗ lực về đích

Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, sản xuất công nghiệp có tăng so với cùng kỳ nhưng một số địa phương tốc độ tăng trưởng thấp so với tiềm năng phát triển công nghiệp của khu vực, vẫn còn chỉ số sản xuất công nghiệp chưa phục hồi so với cùng kỳ năm 2022 (tỉnh Sóc Trăng phục hồi 96,3%, Vĩnh Long phục hồi 86,88%, so với cùng kỳ năm 2022).

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng cao, sụt giảm đơn hàng. Trong khi giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự phát triển mạnh, tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp chưa cao. Tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, thành lập mới và việc thu hút đầu tư mới còn gặp nhiều khó khăn. Công tác cải cách, xây dựng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính ở một số khu vực, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian…

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhìn nhận rằng, mặc dù ghi nhận được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Ðó là, IIP tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng tương đối thấp. Một số ngành chế biến tôm, may mặc, sản xuất giấy và bao bì từ giấy còn gặp khó khăn về đơn hàng đầu ra sản phẩm, giá nguyên liệu, mức cầu thị trường giảm…; tình hình xuất khẩu giảm so với cùng kỳ... Trước tình hình trên, ngành Công Thương thành phố đã phối hợp với Bộ Công Thương kịp thời triển khai một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, chính sách vốn vay... cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn. Ðồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp ÐBSCL, cũng như doanh nghiệp TP Cần Thơ xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như gạo, thủy sản, nông sản và nông sản thực phẩm chế biến, may mặc. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định thương mại tự do. Ðể ổn định thị trường trong nước những tháng cuối năm, Sở phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương chuẩn bị chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2023, Tết Nguyên đán năm 2024…

Dự báo khả năng đạt được các chỉ tiêu của Chính phủ năm 2023 là rất khó khăn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, nhấn mạnh: Ðể hoàn thành kế hoạch năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021-2025 đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ðẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định. Tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước. Thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng để tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao; phát triển thương mại điện tử. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

 

Chia sẻ bài viết