06/04/2019 - 13:40

Thúc đẩy liên kết TP Cần Thơ với các địa phương Nhật Bản 

Theo báo cáo kết quả chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản từ ngày 12 đến 16-3-2019 của đoàn công tác Cần Thơ, qua tiếp xúc với lãnh đạo TP Kobe đã mở ra cơ hội hợp tác mới. Tại buổi làm việc, ông Yoshinobu Nisaka, Thống đốc tỉnh Wakayama cho rằng, việc trước tiên là cần chi tiết hóa về ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) mà hai bên đã ký với nhau trong năm 2017. Ông cho rằng, nền kinh tế và nông nghiệp của tỉnh Wakayama và Cần Thơ nhiều tương đồng, trong thời gian qua tỉnh Wakayama tích cực tìm kiếm doanh nghiệp (tỉnh Wakayama chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) phù hợp,  giới thiệu hợp tác đầu tư tại Cần Thơ. Dịp này, tỉnh Wakayama tổ chức buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp Cần Thơ để hai bên hiểu rõ nhau hơn, cụ thể hóa các việc cần hợp tác...

Liên kết

Có 40 đại biểu gồm các doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền tỉnh Wakayama tham gia buổi kết nối. Tại đây, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, giới thiệu về tình hình kinh tế -xã hội, quan hệ quốc tế (đặc biệt quan hệ đối với Nhật Bản), tiềm năng cũng như vị trí chiến lược của TP Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL, về các định hướng hợp tác của TP Cần Thơ... Ông Hideyuki Inamoto, Phó Tổng Giám đốc Sở Công Thương, Du lịch và Lao động tỉnh Wakayama cũng cho rằng, buổi gặp gỡ là một cơ hội để doanh nghiệp từ cả hai phía tìm hiểu và nghiên cứu về lĩnh vực và nhu cầu hợp tác với nhau. Từ đó cụ thể hóa các việc cần phải làm để tiến hành hợp tác trong tương lai gần. Đại diện các doanh nghiệp đến từ Cần Thơ và các doanh nghiệp của tỉnh Wakayama được giới thiệu sơ lược về lĩnh vực, tiềm lực, nhu cầu cũng như mong muốn hợp tác giữa hai bên. Các doanh nghiệp Nhật đặt ra nhiều câu hỏi thể hiện sự quan tâm đối với các dự án của Cần Thơ và cho rằng sẽ đến tìm hiểu, tổ chức đoàn khảo sát thực tế.

Ký kết MOU giữa Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và KIC. Ảnh:  Chí Nguyện

Ký kết MOU giữa Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và KIC. Ảnh:  Chí Nguyện

Ông Hitoshi Kato, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nhật TP Sakai đã thông tin với đoàn công tác về những định hướng hợp tác sắp tới giữa Hội Hữu nghị Việt - Nhật TP Sakai và UBND TP Cần Thơ. Thông qua đó, ông Võ Thành Thống hy vọng Cần Thơ sẽ nhận được sự hỗ trợ của ông Hitoshi Kato và các thành viên của Hội hữu nghị trong việc tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp của TP Cần Thơ và doanh nghiệp của TP Sakai. Đồng thời đề nghị ông Hitoshi Kato tác động đến chính quyền TP Sakai, các hiệp hội, doanh nghiệp của TP Sakai nghiên cứu đầu tư, hợp tác thương mại… với các doanh nghiệp TP Cần Thơ trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thủy hải sản; hỗ trợ về việc tìm kiếm đối tác thành lập Phòng Khám bệnh Đa khoa Nhật - Việt tại TP Cần Thơ để điều trị bệnh cho người nước ngoài, người Việt Nam có nhu cầu.

Ông Kyoshiro Ichikawa, Tổ phó Tổ công tác Nhật Bản tại TP Cần Thơ mong rằng, sau chuyến đi lãnh đạo TP Cần Thơ sẽ chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể để phát huy những thành quả đã đạt được, nhanh chóng hiện thực hóa mối liên kết đã xây dựng được từ chuyến đi.

Thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

Tại buổi làm việc với Học viện Máy tính Kobe (KIC) - Học viện đào tạo về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) giải quyết các vấn đề trong cuộc sống (nông nghiệp, môi trường,...). Ông Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và ông Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã giới thiệu về lĩnh vực và thế mạnh của  các trường và đề xuất nhu cầu hợp tác. Đó là mong muốn học viện đưa giảng viên sang trường nghiên cứu khoa học, công nghệ và ngược lại cho sinh viên bậc cao học và nghiên cứu sinh của trường sang học viện để nghiên cứu. Cùng đó, mong KIC khảo sát và nghiên cứu về dự án Smart City trên địa bàn thành phố. Ông Võ Thành Thống cho rằng Cần Thơ đang đẩy mạnh phát triển nhanh lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, đô thị thông minh,... nên rất cần kinh nghiệm về ICT trong nhiều lĩnh vực của KIC. Trong chuyến công tác, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cũng đã ký kết MOU với Học viện ngoại ngữ Okayama.

  Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, chuyến đi đạt kết quả tốt, từ những cuộc gặp gỡ, thành phố đã định hướng, phát huy hiệu quả xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản vào Cần Thơ trong tương lai. Phát huy hiệu quả sau chuyến công tác, các đơn vị cần tăng cường hợp tác thương mại, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Cần Thơ với doanh nghiệp Nhật Bản. Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển Cần Thơ trong tương lai. Cần quan tâm nguồn nhân lực sẵn sàng cung cấp cho các đối tác Nhật Bản khi đến đầu tư tại Cần Thơ và phục vụ xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Các đại diện doanh nghiệp TP Cần Thơ trong đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản đã gặp gỡ và trao đổi với hai doanh nghiệp của Nhật: Japan Meai và Fellow International. Doanh nghiệp hai bên giới thiệu về lĩnh vực hoạt động cũng như các nhu cầu hợp tác quốc tế của nhau. Các doanh nghiệp cùng nhau thảo luận về cơ hội, định hướng hợp tác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và giáo dục trong thời gian tới. Làm việc với chính quyền TP Kobe (hiện tại có 37 doanh nghiệp của TP Kobe đang đầu tư ở Việt Nam). Ông Võ Thành Thống mong nhận được hỗ trợ từ phía Công ty TNHH Kobelco Eco-solutions trong việc cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của TP Cần Thơ tại Cái Sâu, Ninh Kiều và đề nghị công ty nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải tại Công ty Thủy sản Tâm Phương Nam và Công ty Bột mì Đại Phong để đạt chuẩn xả thải của Việt Nam. Ông Hidetoshi Terasaki, Phó Thị trưởng TP Kobe ủng hộ đề nghị và cam kết sẽ hỗ trợ, kết nối hợp tác với Cần Thơ trong những lĩnh vực này.

Điểm nhấn của chuyến đi này là đoàn công tác đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương. Hội nghị với sự tham dự của hơn 120 đại biểu (hơn 90 đại biểu Nhật Bản). Các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến các vấn đề: chất lượng nguồn điện sản xuất tại TP Cần Thơ; các hỗ trợ của TP Cần Thơ dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư ngoài phạm vi khu công nghiệp... Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn tìm hiểu về các doanh nghiệp địa phương và các đối tượng khách hàng tại Cần Thơ mà các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hướng tới hợp tác, làm ăn... Tất cả các nội dung câu hỏi đã được đại diện đoàn TP Cần Thơ trả lời cụ thể, đồng thời giới thiệu các đầu mối chịu trách nhiệm chính để tiếp tục trao đổi, thảo luận để có những hợp tác sâu rộng sau hội nghị. Cuộc hội nghị đã được phía Nhật Bản đánh giá là thiết thực, đã cung cấp những thông tin được các đối tác quan tâm.

Làm việc với ông Yasushi Tanaka, Phó Giám đốc cấp cao của  Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), ông Võ Thành Thống đưa ra một số đề xuất như: Mong JICA hỗ trợ Cần Thơ xây dựng một mô hình mẫu, nhằm lan tỏa, tác động mạnh đến sự phát triển toàn vùng ĐBSCL. Hỗ trợ cho TP Cần Thơ xây dựng quy hoạch tích hợp đến năm 2030 tầm nhìn 2050 (đầu nối với các tỉnh ĐBSCL) để Cần Thơ thực sự trở thành trung tâm động lực của cả vùng ĐBSCL. Mong JICA hỗ trợ cho thúc đẩy các doanh nghiệp của vùng Kansai đầu tư vào Cần Thơ; hỗ trợ kêu gọi đầu tư Dự án Bệnh viện tim mạch Cần Thơ với quy mô 200 giường. Trong khuôn khổ chuyến công tác, TP Cần Thơ cũng khai trương Văn phòng liên lạc Can Tho Desk tại Tokyo.

Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, hỗ trợ liên lạc đoàn công tác cho rằng, Cần Thơ cần tìm và thực hiện các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn mang tính dẫn dắt, có sức lan tỏa cao. Các đoàn của Nhật Bản đi nước ngoài để khảo sát môi trường đầu tư thường lên kế hoạch từ rất sớm, vì vậy Cần Thơ nên triển khai sớm các kế hoạch.

NAM HƯƠNG

Chia sẻ bài viết