10/07/2020 - 09:03

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn 

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được hiểu là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. KTTH góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Phân loại rác tại nguồn chính là bước đi đầu tiên quan trọng để giúp các sản phẩm nhựa trở về đúng vị trí trong nền kinh tế tuần hoàn. Trong ảnh: Hoạt động tuyên truyền phân loại rác tại nguồn ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều.

KTTH là xu hướng chung của toàn cầu và đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Singapore...  Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của KTTH như: mô hình vườn - ao - chuồng; mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp… Cùng với đó, các chiến dịch về bảo vệ môi trường, điển hình là chống rác thải nhựa đã được cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên cả nước tích cực hưởng ứng. Hay mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Ðà Nẵng; mô hình Nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ... Tháng 9-2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Biên bản ghi nhớ cùng 13 thành viên của Liên Minh tái chế Bao bì Việt Nam nhằm chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm trong việc thúc đẩy nền KTTH tại Việt Nam thông qua các hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải. Ðầu tháng 7 này, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh công bố thành lập Viện Nghiên cứu phát triển KTTH - là viện nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này. Viện Nghiên cứu phát triển KTTH ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chú trọng về giải pháp khoa học và công nghệ, chính sách trong phát triển KTTH tại Việt Nam trên nền tảng hệ sinh thái doanh nghiệp - Chính phủ - đại học…

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, để phát triển KTTH, nước ta đang gặp nhiều thách thức, chủ yếu ở các khâu:  nhận thức - hợp tác - đổi mới - công nghệ - chính sách. Thách thức lớn nhất hiện nay là làm thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp về mô hình và giá trị của KTTH. Việc nhận thức đúng bản chất của KTTH bắt đầu từ khâu thiết kế đến triển khai trong tất cả ngành, lĩnh vực. Ðiều này phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và chính sách của Nhà nước.

Ðể phát triển KTTH tại Việt Nam, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Việt Nam cần hệ thống hóa các khâu của KTTH trong các văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh giáo dục đào tạo về KTTH và áp dụng các quy định về thành phần tái chế. Ðồng thời, thí điểm và mở rộng phân loại rác tại nguồn; phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp và sản phẩm tái chế; xây dựng cơ sở dữ liệu về KTTH và phát triển công nghệ. Cùng với đó là các giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp…

Bài, ảnh: LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết