07/12/2022 - 09:04

Thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp ĐBSCL chuyển đổi sản xuất bền vững 

Bài, ảnh: MỸ HOA

Hiện sản xuất nông nghiệp ở ÐBSCL đang đối mặt với biến đổi khí hậu (BÐKH), làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong vùng. Ðể các HTX nông nghiệp ÐBSCL vượt qua thách thức, phát triển bền vững, các bộ ngành và các địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX chuyển đổi sản xuất, nâng cao năng lực thích ứng BÐKH, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh mới.

HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa, huyện Phong Điền ứng dụng công nghệ cao vào trồng nấm đông trùng hạ thảo.

ÐBSCL hiện có trên 2,4 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, với khả năng cung cấp trên 90% sản lượng gạo, 70% lượng thủy sản và hơn 36% sản lượng trái cây xuất khẩu, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp của cả nước, góp phần đảm nhiệm tốt vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Hiện toàn vùng có hơn 2.500 HTX nông nghiệp và có nhiều HTX nông nghiệp linh động chuyển đổi cây trồng vật nuôi; chuyển đổi lịch thời vụ, kết hợp sử dụng các giống mới vào sản xuất; ứng dụng công nghệ cao vào quy trình canh tác nông nghiệp. Cùng đó, triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, thích ứng với BÐKH như làm công trình, làm đê bao, bờ kè, cống ngăn mặn… Qua đó ÐBSCL đã hình thành đa dạng mô hình HTX kiểu mới, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại, thông minh, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Ðiển hình là mô hình "Cánh đồng không dấu chân", đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất để thay một số cách thức làm nông cũ tại HTX Nông nghiệp Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà nông. Ông Nguyễn Văn Tắc, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Bình, cho biết: Nhiều năm liền, HTX đã hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất theo "Cánh đồng không dấu chân". Theo đó, HTX được trang bị 10 thiết bị bay, chuyên phục vụ nhu cầu gieo sạ và phun thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời đầu tư 9 máy cày, 15 máy gặt đập liên hợp, kết hợp đầu tư hệ thống lò sấy, kho trữ lúa có quy mô lớn… để thực hiện cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất. Từ đó, giúp nông dân giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hạt lúa, đảm bảo hợp đồng cam kết với doanh nghiệp. Nhờ áp dụng đồng bộ các phương thức canh tác lúa theo hướng hiện đại, nên HTX đã giữ được mối làm ăn lâu dài với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho hơn 1.200ha diện tích canh tác lúa của thành viên; đồng thời, mang lại lợi nhuận trên 20% cho hơn 120 nông dân trong HTX.

Theo ông Tắc, canh tác lúa theo xu hướng hiện đại đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho nhà nông, nhưng tình hình sản xuất lúa của HTX cũng đang chịu ảnh hưởng của BÐKH, nhất là hiện tượng thời tiết cực đoan, nên ngoài việc phát huy năng lực nội tại, HTX rất mong tiếp cận được các nguồn lực cũng như các chính sách hỗ trợ HTX nâng cao năng lực hoạt động, thích ứng với BÐKH từ các bộ, ngành và địa phương. Từ đó, sẽ tạo điều kiện cho HTX tổ chức lại sản xuất cũng như áp dụng có hiệu quả các biện pháp canh tác lúa thích ứng BÐKH, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của HTX và quan trọng là phát huy tốt vai trò liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh thị trường và tạo thu nhập ổn định cho nhà nông vào HTX.

Ðánh giá tác động của BÐKH đối với bối cảnh sản xuất của HTX nông nghiệp tại vùng ÐBSCL, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Hoàng Vũ Quang, nói: "Phần lớn HTX vùng ÐBSCL gặp nhiều khó khăn trong thích ứng với BÐKH như nhận thức và trình độ hiểu biết của nông dân ở các HTX về BÐKH còn chưa cao; HTX thiếu vốn đầu tư khoa học công nghệ mới cũng như hạn chế về quy mô diện tích và số lượng thành viên; chưa lồng ghép được các giải pháp thích ứng với BÐKH trong xây dựng, thực hiện phương án sản xuất kinh doanh tại HTX… Và để hỗ trợ HTX nông nghiệp nâng cao năng lực thích ứng với BÐKH, các bộ, ngành hữu quan và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BÐKH cho các HTX; hỗ trợ các tỉnh ÐBSCL xây dựng các mô hình HTX nâng cao năng lực thích ứng BÐKH; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX, áp dụng các biện pháp thích ứng BÐKH; xây dựng tài liệu, hướng dẫn HTX tổ chức sản xuất để đạt chứng chỉ carbon, tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính… Từ đó, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Ông Lê Ðức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hiện ÐBSCL đã có nhiều mô hình HTX sản xuất quy mô lớn, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của các địa phương. Song, trước tác động biến đổi khí hậu, phần lớn các HTX nông nghiệp vùng ÐBSCL đã áp dụng nhiều biện pháp phi công trình để thích ứng, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Do đó, để thúc đẩy phát triển bền vững các HTX nông nghiệp vùng ÐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với 13 tỉnh, thành trong vùng đã và đang triển khai thực hiện "Ðề án nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng với BÐKH vùng ÐBSCL, giai đoạn 2021-2025". Ðề án này tập trung ưu tiên hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản lúa, gạo, trái cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hải sản và diêm nghiệp. Theo đó, mỗi địa phương sẽ xây dựng từ 3-5 mô hình HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với BÐKH, kết hợp mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ðặc biệt là khuyến khích sử dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để sản xuất sản phẩm mới có giá trị gia tăng... Và đây chính là cơ hội, thúc đẩy các HTX nông nghiệp ở vùng ÐBSCL chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực thích ứng BÐKH trong bối cảnh mới.

Chia sẻ bài viết