31/03/2021 - 11:05

Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững 

Thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các giải pháp quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Qua đó, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất bền vững, đồng hành cùng thành phố thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Công ty Thép Tây Đô, ở Khu Công nghiệp Trà Nóc 1, ứng dụng robot hàn khung thép vào sản xuất, vừa có khả năng tiết kiệm cao, vừa gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Công ty Thép Tây Đô, ở Khu Công nghiệp Trà Nóc 1, ứng dụng robot hàn khung thép vào sản xuất, vừa có khả năng tiết kiệm cao, vừa gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc ở giai đoạn 2019-2030, TP Cần Thơ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực,… trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, Sở Công Thương TP Cần Thơ đã phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ quản lý năng lượng cho các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố; đồng thời, triển khai nhiều hội thảo chuyên đề, phổ biến các giải pháp về tối ưu hóa hệ thống vận hành trong ngành Công nghiệp; cung cấp các giải pháp về ứng dụng thiết bị biến tần, ứng dụng mô hình quản lý điện năng tiêu thụ qua thiết bị di động, kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng trong các nhà xưởng, nhà máy chế biến thủy hải sản và chế biến thực phẩm, nhà máy xay xát lúa gạo; kết hợp triển khai các xu hướng và hiệu quả đầu tư chiếu sáng bằng công nghệ led, điện mặt trời hòa lưới,... Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận công nghệ mới, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ, Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Hằng năm, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ đều tổ chức công tác tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, các tòa nhà, khách sạn, siêu thị… thực hiện công tác kiểm toán năng lượng. Qua đó, kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng được hệ thống quản lý năng lượng, giúp kiểm soát điện năng tiêu thụ trong quy trình sản xuất; đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp bố trí và vận hành máy móc, thiết bị sản xuất hợp lý hơn để giảm thiểu được tình trạng sử dụng năng lượng không hiệu quả tại đơn vị; đồng thời, nâng cao được hiệu quả quản lý năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Thành phố đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, điện mặt trời… để tiết giảm điện năng tiêu thụ trong hoạt động sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất bền vững. Ông Võ Khánh Nhất, Phó Giám đốc Công ty CP thủy sản Tâm Phương Nam ở Khu Công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy, cho biết: Bình quân Công ty sử dụng điện trên 270.000 kWh/tháng (tương đương 800 triệu đồng/tháng), nên việc ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng vào sản xuất rất được đơn vị chú trọng. Ngoài các giải pháp hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, ứng dụng hệ thống chiếu sáng đèn led, lắp thiết bị biến tần cho các động cơ máy móc, Công ty còn đầu tư 7 tỉ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, có công suất 480kWp… Nhờ kết hợp nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, Công ty đã tiết giảm được chi phí sản xuất cũng như đáp ứng tốt các tiêu chí về môi trường theo yêu cầu của các đơn hàng xuất khẩu. Là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, tiêu thụ điện từ 800.000kWh đến 1 triệu kWh điện/tháng, Công ty Thép Tây Ðô (Khu Công nghiệp Trà Nóc 1) đã ứng dụng giải pháp chuyển đổi công nghệ vào quy trình sản xuất, lắp biến tần cho các thiết bị sản xuất, đầu tư robot hàn khung thép… để vừa gia tăng hiệu quả tiết kiệm điện, vừa tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường. 

TP Cần Thơ đã và đang triển khai các chương trình hành động, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp; hỗ trợ cho doanh nghiệp ở các ngành, như: thép, nhựa, dệt may,... tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, công nghệ mới vào sản xuất để tiết giảm mức tiêu hao năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan đã triển khai chuỗi dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Ngân hàng Thế giới tài trợ dành cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, có Dự án Tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE), với tổng vốn đầu tư là 158 triệu USD, chủ yếu hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp. Với nhiều chương trình, dự án được triển khai từ các ngành chức năng, sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố tiếp cận được các nguồn lực đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất… để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; đồng hành cùng thành phố thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết