04/12/2014 - 20:34

Thúc đẩy doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả

Những năm qua, đóng góp của khối doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành nói riêng là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những rào cản khiến DN FDI ngại đầu tư và tham gia xuất khẩu. Để thúc đẩy DN FDI xuất khẩu, các ngành chức năng cần quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN…

* Đóng góp ngày càng nhiều

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 17,33 tỉ USD (gồm cấp mới và tăng vốn), bằng 83,3% so với cùng kỳ 2013. Khu vực DN FDI tham gia xuất khẩu (kể cả dầu thô) trong 11 tháng năm 2014 đạt 92,212 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 67,3% kim ngạch xuất khẩu. Nếu hoạt động xuất khẩu không kể dầu thô trong 11 tháng đạt 85,352 tỉ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ 2013. Riêng các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL trong 11 tháng năm 2014, đã thu hút được 68 dự án cấp mới FDI với tổng vốn đăng ký là 617 triệu USD. Ngoài ra, khu vực ĐBSCL có 22 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 76 triệu USD. Như vậy, trong 11 tháng năm 2014, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các tỉnh khu vực ĐBSCL đạt 639 triệu USD, chiếm 4% so với tổng vốn FDI của cả nước.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI (bình quân khoảng hơn 30%/năm) đã góp phần giảm bớt sự căng thẳng về cán cân thương mại chung của Việt Nam. Từ chỗ cán cân thương mại thâm hụt khá lớn, đến nay đã trở nên cân bằng và tạo ra thặng dư. Cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu mà Việt Nam đã đạt được phải kể đến đóng góp đáng kể của khối DN FDI trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Từ đó góp phần quan trọng vào việc ổn định tỷ giá; tạo nên các trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu, phù hợp với từng vùng, địa phương, kéo theo chuỗi các DN vệ tinh, hỗ trợ; giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Từ những đóng góp của khối DN FDI trong hoạt động xuất khẩu của nước ta, Bộ Công thương luôn quan tâm, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam, đóng góp hiệu quả nhất vào hoạt động kinh tế của đất nước.

Dây chuyền sản xuất găng tay thể thao của Công ty TNHH Quốc tế Tri - Viet (KCN Trà Nóc 2, TP Cần Thơ). Ảnh: MINH HUYỀN

* Cần trợ lực về chính sách

Tại TP Cần Thơ, Bộ Công thương vừa tổ chức tọa đàm với các DN FDI đến từ TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và Trà Vinh nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu. Dịp này, các DN đã nêu lên những khó khăn còn vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu thời gian qua. Ông Đỗ Minh Hiền, Công ty TNHH Một thành viên The Fruit Republic tại Cần Thơ, cho biết: Một số quy định của Việt Nam chưa phù hợp với quốc tế. Chẳng hạn, quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm, một số hóa chất nước ngoài cấm nhưng ở Việt Nam vẫn cho phép sử dụng nên khi xuất khẩu sang các nước châu Âu, lô hàng không được chấp nhận. Ngược lại, nhiều nước trên thế giới ứng dụng công nghệ tiên tiến sau thu hoạch nhưng Việt Nam chưa áp dụng. Thay vì sử dụng nylon bọc trái cây như hiện nay ảnh hưởng đến môi trường, công ty nhập lô chất bọc màng trái cây trích từ nhựa cây, nhúng trái cây giúp không mất nước, giữ tươi lâu. Đây là nghiên cứu mới và được nhiều nước trên thế giới sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, khi nhập về Việt Nam, thủ tục thực hiện rất khó khăn bởi chất này không có trong danh mục hóa chất được sử dụng tại Việt Nam… Từ thực trạng trên, đề nghị Tổng cục Hải quan rà soát, bổ sung danh mục hóa chất một cách hợp lý, tạo điều kiện DN hoạt động sản xuất.

Theo đại diện Công ty TNHH Lạc Tỷ tại Vĩnh Long, công ty chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu sang một số nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Trong quá trình sản xuất, công ty cần nhập khẩu hóa chất titan dioxit để phục vụ sản xuất giày. Tuy nhiên, theo danh mục hóa chất quy định của Việt Nam, hóa chất này cần phải kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thời gian chờ đợi kiểm định, cần có kho chứa riêng để niêm phong hóa chất hoặc công ty gửi lại cảng mất thời gian và chi phí. Nếu hóa chất này sử dụng chế biến thực phẩm thì cần phải kiểm định. Nhưng công ty sử dụng để sản xuất giày, không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, ngành chức năng nên xem xét hóa chất dùng mục đích gì để có quy định kiểm tra hợp lý...

* Để thu hút ngày càng nhiều DN FDI

Qua ý kiến của các DN về thủ tục hải quan, ông Trần Đình Kính, Phó Cục trưởng Cục Giám sát và Quản lý, Tổng cục Hải quan, cho biết, hiện Tổng cục đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ về vấn đề kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, đề xuất giảm kiểm tra ở một số mặt hàng; đồng thời, đối với các danh mục hóa chất sử dụng thông dụng ở quốc tế, khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ không phải kiểm tra…

Về quản lý nhà nước, theo nhận định của lãnh đạo ngành công thương khu vực ĐBSCL, ĐBSCL có nhiều DN FDI đang hoạt động. Nhưng số lượng DN tham gia xuất khẩu còn hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do thị trường xuất khẩu còn hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, không có cảng quốc tế… Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Khó khăn lớn nhất của các DN khi tham gia xuất khẩu hiện nay chính là hệ thống cảng ở ĐBSCL. Các cảng hiện hữu chưa đáp ứng cho tàu chở khối lượng hàng hóa lớn. Do đó, những sản phẩm xuất khẩu cần phải trung chuyển đến cảng lớn tại TP HCM, khiến DN tăng thêm chi phí vận chuyển, bốc vác. Thêm vào đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chưa có dịch vụ giải trí hay nhà ở, trường học, bệnh viện đặc thù phục vụ cho người nước ngoài đến đầu tư và làm việc tại địa phương. Điều này phần nào hạn chế thu hút các DN FDI... Vì vậy, lãnh đạo ngành công thương khu vực ĐBSCL cho rằng, chính phủ và các địa phương cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện (giao thông, cảng) và dịch vụ giải trí. Có như vậy, thu hút nhiều hơn DN FDI đến đầu tư và tham gia xuất khẩu…

Tháng 11 vừa qua, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Được biết, 2 Luật này có sự đổi mới toàn diện và đột phá về thể chế, mở ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những thay đổi căn bản trong Luật Đầu tư mới về chính sách thu hút FDI đặc biệt là những ưu đãi về thuế… khi áp dụng kỳ vọng sẽ tác động không nhỏ đến việc tăng hiệu quả thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL...

L. Mẫn

Chia sẻ bài viết