22/08/2022 - 10:44

Thú vị hành trình
“Đi theo bóng mặt trời” 

“Đi theo bóng mặt trời” là tập truyện, ký, phóng sự của nhiều tác giả, do Cát Lâm tuyển chọn, NXB thanh Niên phát hành. 26 bài viết sẽ đưa độc giả đi khắp mọi miền đất nước để khám phá, trải nghiệm văn hóa và những điều thú vị.

Trong sách chủ yếu là phóng sự và ký, còn lại là một số tản văn, tùy bút, ghi chép tản mạn. Do đó, chất liệu, thông tin các bài viết nhiều, chi tiết và được trình bày hệ thống, lớp lang, giúp người đọc dễ nắm bắt và hiểu cặn kẽ vấn đề.

Từ miền Tây Nam Bộ, độc giả sẽ nghe những câu chuyện về dòng sông và những mùa cá, trầm trồ thích thú với đủ loại cá, cách đánh bắt trên những dòng nước phù sa châu thổ Cửu Long (“Sông nước quen mà lạ”). Hay tìm hiểu nghề thợ lặn nguy hiểm nhưng cũng đầy ý nghĩa khi người làm nghề vừa để mưu sinh, vừa nhận vớt người không may gặp tai nạn trên sông nước (“Nghề thợ lặn ở miền Tây”). Hoặc đến với các chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 330 ở An Giang để hiểu hơn về đời sống của những người lính sau những giờ hành quân, huấn luyện (“Những con chữ gieo nên bìa trời”). Rồi một chút lắng lòng với phận đời của những người theo các gánh hát cải lương rày đây mai đó (“Kép độc của miền cực Nam”)…

Tiếp tục rong ruổi đến những vùng, miền khác nhau của Tổ quốc, vẻ đẹp và những nét đặc trưng văn hóa của mỗi nơi mang lại nhiều kiến thức và cung bậc cảm xúc cho người đọc. Tây Nguyên trong chút buồn của đại ngàn. Xứ Huế qua hình ảnh vén mây qua Hải Vân Quan. Miền Hà Giang với núi non hùng vĩ. Đất Kinh Bắc với tháng hai tươi đẹp… Qua những chuyến đi, các tác giả gửi đến thông điệp “Thanh xuân thì ngắn ngủi mà những hành trình thì vô biên. Những hành trình đôi khi không chỉ là hưởng thụ mà là để nhớ, để quên, để tìm miền nương náu. Hết thảy thanh xuân như là trút, như là trao bằng nhiều cách riêng biệt” (trang bìa).  

Sự riêng biệt hay khác nhau về thanh xuân của những thế hệ cha ông và thế hệ trẻ hiện nay thể hiện qua những câu chuyện rất đời, rất thực tế trong “Trung thu và miền di trú”, “Nhớ mùa lúa sạ”. Ở đó, những đứa cháu không chỉ nhận ra giá trị lịch sử, văn hóa, hòa bình, độc lập, tự do qua những hoài niệm, ký ức của những người ông, mà còn được thức tỉnh về ý nghĩa cuộc sống khi cùng ông mình trở lại chiến trường xưa, trở lại vùng đất một thời khói lửa, đạn bom đang “thay da đổi thịt”. Để rồi, cô gái tuổi đôi mươi hay nhìn đời tiêu cực bỗng chốc nhận ra mình quá nhỏ bé, nhận ra những điều bình dị nhưng ý nghĩa mà trước giờ cô không để ý và trên hết cô nhận ra: “Miền nương náu, nơi đâu cũng được, miễn chúng ta thấy an lòng” (“Trung thu và miền di trú”, trang 65).

Còn rất nhiều điều thú vị trong hành trình dài của những chuyến đi. Chẳng hạn như khám phá về cá bỗng, loài cá đặc sản rất quý ở bản Lúp của Hà Giang; tìm hiểu 3 thứ độc mộc nổi tiếng của Tây Nguyên; hồi hộp với những câu chuyện kỳ lạ, huyền bí của người làm nghề bốc hài cốt ở Chợ Mới, An Giang; ngậm ngùi khi đến những di tích chiến tranh trên đất nước chùa Tháp, nghe kể về tội ác diệt chủng của Pol Pot…  

Từ nhiều điểm nhìn của các vùng miền khác nhau, các tác giả đã chuyển tải dung lượng lớn các giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp của thiên nhiên, danh thắng và những câu chuyện có tính nghệ thuật, nhân văn. Cứ thế, hành trình “Đi theo bóng mặt trời” còn đọng mãi trong lòng người đọc qua những trang viết ý nghĩa.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết