08/07/2013 - 22:06

Thủ tướng Nhật cáo buộc Trung Quốc “dụng vũ lực”

Phát biểu trong một chương trình truyền hình hôm 7-7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về cái mà ông gọi là "quyết tâm" của chính quyền Bắc Kinh "nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực" trong mối quan hệ với Tokyo và các quốc gia châu Á khác.

  Lực lượng tuần duyên Nhật Bản xua đuổi tàu hải giám Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

Theo trích dẫn từ hãng thông tấn Kyodo News, ông Abe nói rằng Nhật Bản và Trung Quốc có lịch sử quan hệ lâu dài và hai nước phải giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, qua đó nhấn mạnh "Bắc Kinh nên lượt bỏ điều kiện để tiến tới hội nghị thượng đỉnh song phương". Mặt khác, Thủ tướng Nhật cũng cho rằng phương thức tiếp cận của Trung Quốc liên quan căng thẳng trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông cùng những mâu thuẫn khác về lãnh hải trong khu vực thời gian gần đây là một "sai lầm". "Trên lập trường ngoại giao, đó là một sai lầm khi từ chối mở cuộc họp thượng đỉnh chỉ vì điều kiện không được đáp ứng" - ông Abe nói. Theo đó, Thủ tướng Nhật cho biết đang thúc giục Bắc Kinh và các quốc gia khác tôn trọng "luật pháp quốc tế" khi giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp lãnh hải.

Nhận xét của lãnh đạo Nhật Bản được đưa ra sau khi có thông tin về việc tàu Trung Quốc đang xây dựng một giàn khoan ở khu vực vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật và Trung Quốc chồng lấn trên biển Hoa Đông, nơi có nhiều mỏ khí đốt. Cũng trong hôm 7-7, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) còn cho biết đã phát hiện ba tàu hải giám của Trung Quốc số hiệu 23, 49 và 5001 đi vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. JCG sau đó đã cảnh báo tàu Trung Quốc không được xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản, nhưng tàu số hiệu 5001 trả lời bằng tiếng Trung tiếng Nhật rằng họ chỉ "đang tiến hành tuần tra thông thường theo luật pháp Trung Quốc".

Trước đó, có tin Trung Quốc đã yêu cầu Tokyo phải thừa nhận sự tồn tại của vấn đề tranh chấp lãnh thổ song phương và gác lại vấn đề liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, phía Nhật Bản vẫn duy trì quan điểm không tồn tại tranh chấp nào bởi theo nước này thì các nhóm đảo là một phần của Nhật Bản xét cả về phương diện pháp lý và lịch sử.

Trong diễn biến liên quan, một nhóm nhà hoạt động Hồng Công cho biết đang lên kế hoạch ra khơi lần nữa nhằm kỷ niệm một năm ngày nhóm này đặt chân lên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 15-8-2012, nhưng bị lực lượng Nhật Bản trục xuất sau đó. Ngoài ra, những người này còn lên tiếng kêu gọi công dân Nhật không nên bỏ phiếu cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 21-7 tới "để ngăn chặn Thủ tướng Abe sửa đổi Hiến pháp, qua đó hợp thức hóa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) thành lực lượng quân sự thường trực".

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy LDP của Thủ tướng Abe cùng đảng đối tác New Komeito (Công minh Mới) nhiều khả năng sẽ chiếm đa số ghế tại Thượng viện và giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này. Theo một chuyên gia về quan hệ Tokyo-Washington, Mỹ hy vọng cuộc bầu cử lần này sẽ giúp đồng minh quan trọng số một trong khu vực ổn định chính trị để tiến tới thảo luận các vấn đề song phương lâu dài phía trước. Điều này cũng cho phép Mỹ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề khác ở khu vực Đông Á – đặc biệt là căng thẳng với Trung Quốc liên quan vấn đề gián điệp không gian mạng và mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, các nhà quan sát cho biết.

VI VI (Theo Japan Times)

Chia sẻ bài viết