24/04/2010 - 16:12

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ, nối liền hai bờ sông Hậu

(CT)- Từ tinh mơ sáng ngày 24-4, hàng ngàn người dân vùng ĐBSCL đã đổ dồn về khu vực 2 bên bờ sông Hậu, chờ đợi thời khắc cầu Cần Thơ khánh thành và đưa vào sử dụng. Hơn 5 năm kể từ ngày cầu khởi công (25-9-2004), giờ đây niềm vui của người dân Cần Thơ, Vĩnh Long, cả khu vực ĐBSCL và nhân dân cả nước đã thành hiện thực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo chính phủ cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ. Ảnh: Thiện Khiêm

Trong ngày trọng đại này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước gồm nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh… đã đến tham dự buổi lễ và phát lệnh thông xe, đưa cầu Cần Thơ vào sử dụng. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, các nhà thầu, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành cả nước cũng có mặt trong ngày khánh thành.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Công trình cầu Cần Thơ có ý nghĩa đặc biệt cho Cần Thơ, Vĩnh Long và các tỉnh cuối cùng của vùng ĐBSCL; nối liền 2 bờ sông Hậu, ước mơ của người dân ĐBSCL, cả nước đã thành hiện thực, không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn góp phần phát triển chính trị- xã hội, giao lưu văn hóa và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đây là biểu tượng sinh động, công trình thiết thực trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Tăng cường giao thương giữa ĐBSCL với TP.HCM, Đông Nam bộ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội cả phía nam sông Hậu, với hơn 16 triệu dân đang sinh sống. Từ nay, QL 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau không còn cách trở những chuyến phà”. Công trình cầu Cần Thơ khánh thành, chấm dứt sứ mệnh lịch sử của những chuyến phà qua sông Hậu. Gần một trăm năm qua, phà Cần Thơ đã cần mẫn đưa biết bao triệu người qua sông Hậu và gắn bó mật thiết với người dân 2 bên bờ. Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của những tài công, nhân viên, lãnh đạo cụm phà Hậu Giang. Thủ tướng biểu dương những người trực tiếp xây dựng công trình và những hộ dân sống trong khu vực đã di dời nhà cửa, công trình, tạo điều kiện cho dự án hoàn thành đúng tiến độ. Khánh thành cầu Cần Thơ còn là sự kiện biểu hiện của tình hữu nghị Việt – Nhật. Những năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã dành cho nhân dân Việt Nam những tình cảm quý báu, sâu sắc và giúp đỡ các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế- xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải.

Thay mặt cho Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cảm ơn đến các nhà tài trợ, chính phủ các nước đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cùng Liên danh Tư vấn Giám sát Nippon Koie – Chodai, các nhà thầu Nhật Bản, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân Việt Nam và Nhật Bản đã sát cánh để xây dựng cầu Cần Thơ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng mong đợi của nhân dân cả nước. Thủ tướng tỏ lòng nhớ thương tới các kỹ sư, công nhân đã khuất trong quá trình xây dựng cầu, mong rằng qua bài học đau thương này, ngành công nghiệp xây dựng cầu Việt Nam sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thiết kế, quản lý xây dựng để từng bước vươn lên làm chủ công nghệ, kỹ thuật, trong tương lai sẽ xây dựng được nhiều cây cầu khác lớn và đẹp như cầu Cần Thơ.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nói: “Sau gần 2.000 ngày thi công ngày đêm, với sự nỗ lực rất cao của đội ngũ nhà thầu, kỹ sư, thiết kế, công nhân Việt Nam và Nhật Bản đã biến ước mơ thành hiện thực. Cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận đã nối thông các tỉnh, thành cuối cùng của Tổ quốc, trong đó có 4 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính phủ đã có kế hoạch huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước, địa phương, nguồn vốn trong dân để đầu tư hạ tầng cơ sở cho vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển mới cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, ưu tiên đầu tư và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A. Từ đây, những sản vật của ĐBSCL chạy một mạch qua cầu Cần Thơ mà không còn chờ phà, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, du lịch của vùng. Tạo điểm nhấn kiến trúc ấn tượng cho khu vực. Sự thành công này ngoài đội ngũ những người thợ cầu Việt Nam- Nhật Bản còn có sự đóng góp quyết định của tư vấn thiết kế Nhật Bản. Nhiều công nghệ, kỹ thuật mới trên thế giới được áp dụng tại công trình, đội ngũ thợ cầu Việt Nam đã được học tập và tiếp thu công nghệ mới này”. Cầu Cần Thơ có nhịp chính dài 550 mét, được xếp vào 10 cây cầu dây văng hiện đại nhất thế giới. Trong không khí tưng bừng của ngày khánh thành, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã gửi lời chia buồn, tri ân đến thân nhân của nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cầu Thơ và những công nhân bị thương. Cây cầu Cần Thơ sẽ tạo diện mạo mới cho vùng ĐBSCL. Bộ trưởng cho rằng, việc giữ gìn và khai thác công trình này không đơn giản, do vậy các địa phương cần phối hợp với Bộ để bảo vệ và khai thác, sử dụng hiệu quả cây cầu này.

Cầu Cần Thơ- cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á (550 m), tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, từ nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Chiều dài toàn tuyến 15,85 km, dự án chia thành ba gói thầu: Gói thầu số một- đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km; gói thầu hai- phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75 km; gói thầu ba- đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km. Cầu chính có khổ rộng 23,1 m, gồm bốn làn xe, mỗi làn 3,5 m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75 m. Độ tĩnh không thông thuyền cao 39 m (với chiều rộng tương ứng 200 m), đảm bảo cho tàu 10.000 DWT qua lại.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ngài Mitsuo Sakaba, nói: “Các nhà thầu, đội ngũ kỹ sư, công nhân Nhật Bản- Việt Nam đã toàn tâm toàn ý nỗ lực thi công cầu Cần Thơ. Cây cầu hùng vĩ này hoàn thành, khi tôi tiến gần đến cây cầu, lại nhớ thương 55 người đã ngã xuống và những công nhân bị thương trong sự cố sập nhịp dẫn cầu ngày 26-9-2007. Tôi chân thành gửi đến gia đình thân nhân của nạn nhân lòng biết ơn, chia sẻ niềm thương tiếc. Sau sự cố này, các biện pháp thi công được kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo độ an toàn, chính xác. Tôi chân thành cảm ơn đến sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan để công trình hoàn thành”. Ngài đại sứ cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam là nước tăng trưởng kinh tế ấn tượng của khu vực, việc xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, vùng ĐBSCL là khu vực kinh tế trọng diểm của Việt Nam, chúng tôi rất tự hào khi được xây dựng các công trình giao thông tại đây. Chúc mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng gắn chặt.

9 giờ 50 phút trưa 24-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố khánh thành cầu Cần Thơ và đúng 10 giờ, Thủ tướng cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành trung ương, địa phương, đại sứ Nhật Bản cắt băng khánh thành và dỡ bảng thông xe trên cầu.

 Nhóm PV kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản cùng dỡ bản cầu Cần Thơ. Ảnh: Thiện Khiêm

13h20 phút ngày 24-4, dòng xe ô tô và mô tô đầu tiên qua cầu Cần Thơ sau lễ khánh thành. Ảnh: Anh Khoa

Một ông cụ vui mừng nở nụ cười khi chứng kiến cầu Cần Thơ khánh thành. Ảnh: Anh Khoa

Nhiều người dân ở phía bờ Vĩnh Long đang ở quốc lộ 54 chờ đợi đến giây phút được lưu thông xe qua cầu Cần Thơ. Ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết