07/02/2024 - 09:43

Thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch 

Một bạn đọc ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, hỏi: Cha tôi mất cách đây đã lâu. Tôi muốn làm lại giấy khai sinh cho cha tôi có được hay không? Thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch được quy định như thế nào?

Bà Trần Thị Trúc Ly, Công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Thới Thuận, trả lời:

Khoản 3, Ðiều 24, Nghị định 123/2015/NÐ-CP, quy định việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống, vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ. Ðối chiếu với quy định này, cơ quan có thẩm quyền chỉ chấp nhận yêu cầu cấp lại giấy đăng ký khai sinh đối với trường hợp người yêu cầu đăng ký lại còn sống ở thời điểm tiếp nhận hồ sơ, mà không cấp lại giấy đăng ký khai sinh cho người đã chết.

Ðiều 25, Nghị định 123/2015/NÐ-CP quy định UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh, kết hôn trước đây hoặc UBND cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, có thẩm quyền đăng ký lại khai sinh, kết hôn. UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai tử trước đây thực hiện đăng ký lại khai tử.

Như vậy, người đã mất sẽ không được cấp lại giấy đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, hồ sơ lưu giữ hộ tịch vẫn còn lưu giữ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý. Người đại diện theo pháp luật của người đã mất được quyền yêu cầu cơ quan quản lý hộ tích cấp bản sao trích lục hộ tịch của người đã chết theo Ðiều 16, Nghị định 123/2015/NÐ-CP. Theo đó, cá nhân, tổ chức được cấp bản chính; người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính; cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết, có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc.

Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, bản sao trích lục hộ tịch có thể được sử dụng thay thế cho giấy đăng ký khai sinh đã mất.

Trình tự thực hiện thủ tục đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch được thực hiện như sau:

Bước 1: Người có yêu cầu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch có thẩm quyền.

Hồ sơ bao gồm: tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch (theo mẫu); giấy tờ tùy thân (hộ chiếu/CMND/CCCD hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng); giấy tờ chứng minh về quan hệ giữa người thực hiện thủ tục với người yêu cầu cấp bản sao trích lục.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin trong tờ khai để xác định. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn thiện theo quy định.

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch căn cứ cơ sở dữ liệu hộ tịch, ghi nội dung bản sao trích lục hộ tịch, báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch ký cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

Mời vào địa chỉ http://baocantho.com.vn/huong-dan-su-dung-dich-vu-cong-truc-tuyen-a150074.html hoặc quét mã QR để xem Hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

C.H

 

Chia sẻ bài viết