* Xác định trách nhiệm cá nhân trong tổ chức thu hồi đất
(TTXVN)- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 22-11, Quốc hội làm việc ở Hội trường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và thảo luận về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
* Nêu cao trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy.
Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng cháy và chữa cháy; chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy; về phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy...
* Bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh
Thảo luận về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, đa số các đại biểu đánh giá Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) đánh giá: Công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết còn nhiều hạn chế. Nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Điều này làm cho các quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước... Đây là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc để sớm khắc phục trong thời gian tới Đại biểu Luyến nhấn mạnh.
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng trên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận định: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong suốt nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội là rất lớn. Quốc hội mới chỉ xây dựng được 46/144 dự án (31,9%). Sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi, số lượng luật, pháp lệnh phải thông qua sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là một áp lực cả về số lượng và chất lượng, do vậy tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết ngày càng chậm. Hầu hết các điều đều giao cho Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn. Bên cạnh đó, do số lượng luật lớn, nhiều luật có nội dung dài nên khả năng tiếp thu của các đối tượng điều chỉnh còn thấp; khả năng tuyên truyền luật, pháp lệnh chưa sâu rộng; việc phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, tổ biên tập còn thiếu đồng bộ, chất lượng cán bộ tham gia soạn thảo văn bản còn hạn chế...
* Trong buổi làm việc chiều 22-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thảo luận về dự thảo Luật, những nội dung trọng tâm được các đại biểu Quốc hội góp ý là quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; giá đất những vấn đề trung tâm được cử tri và nhân dân cả nước hết sức quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai lần này.
* Chỉ nên "thu hồi đất" đối với những trường hợp vi phạm
Băn khoăn về cách sử dụng thuật ngữ trong dự thảo, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng: cần nghiên cứu, thay đổi cụm từ "thu hồi đất" đang sử dụng trong dự thảo luật để phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền và lợi ích của người dân đối với đất đai.
Giải thích về đề nghị của mình, đại biểu Việt cho rằng: cách dùng từ "thu hồi đất" như dự thảo là chưa phù hợp với quan điểm từ trước tới nay của Đảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước. Thu hồi đất chỉ phù hợp với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng đất. Trên tinh thần đó, đại biểu kiến nghị thay đổi cụm từ "thu hồi đất" bằng cụm từ "thay đổi quyền sử dụng đất".
* Tránh "lợi ích nhóm" trong thu hồi đất
Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu tán thành thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; nhưng nếu vì lợi ích của doanh nghiệp thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu ý kiến, việc quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội là đúng đắn nhưng cần quy định rõ các trường hợp để tránh lợi ích nhóm, tránh việc lợi dụng thu hồi đất để hưởng lợi. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) thì cho rằng, quy định các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội là quá rộng, chỉ nên thu hồi trong trường hợp thật cần thiết.
Nhiều ý kiến tại buổi thảo luận cũng đề nghị quy định rõ hơn về việc lấy ý kiến nhân dân trong quản lý và sử dụng đất đai để bảo đảm quyền của nhân dân.
Một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn với quy định về thu hồi, trưng dụng đất, trong đó có điều kiện thu hồi để phát triển kinh tế-xã hội với mục đích kinh doanh lợi nhuận. Do đó các đại biểu đề nghị: Khi nhà nước thu hồi đất của người dân phải sát với giá của thị trường, đồng thời tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai để người dân có đất bị thu hồi có đủ điều kiện ổn định lại cuộc sống.
* Làm rõ khái niệm về giá đất
Về vấn đề giá đất, tán thành với quy định như trong dự thảo, song các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn các khái niệm "giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá"; "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường".
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: giá đất, tổ chức tư vấn giá đất, là vấn đề nhạy cảm, là nguyên nhân cơ bản phát sinh khiếu kiện. Đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm "giá đất phổ biến trên thị trường". Cần quy định cụ thể về tổ chức tư vấn giá đất, làm rõ khái niệm "giá đất thị trường có biến động lớn" là bao nhiêu phần trăm. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phòng, tránh các tiêu cực trong quản lý nhà nước về đất đai.
Theo chương trình, sáng thứ hai tới, Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và thảo luận về Luật Xây dựng (sửa đổi).