26/11/2013 - 00:35

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII

Thông qua Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật tiếp công dân

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 25-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Với 87,15% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm 5 Chương 77 Điều, quy định cụ thể về việc tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật.

Thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật phải góp phần hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước. Luật tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phân định rõ và đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, không làm chậm tiến độ thực hiện và gia tăng chi phí của các dự án đầu tư xây dựng; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động xây dựng.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), dự án Luật đã giải quyết cơ bản những mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm sự thống nhất với các Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và nhiều luật khác. Đặc biệt, việc sửa đổi lần này đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phần nào đã nâng cao được hiệu quả nguồn vốn đầu tư, chống thất thoát, lãng phí theo nguyên tắc tiền kiểm; tập trung kiểm soát kỹ vấn đề quy hoạch, tiêu chuẩn về chất lượng an toàn, bảo vệ môi trường trong giám sát khả thi và các điều kiện quản lý giám sát. Luật đã đạt được sự thống nhất trong hoạt động thu hút nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Cho rằng vai trò của công trình xây dựng là cốt lõi trong tính toán hiệu quả đầu tư của dự án, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) nhận định, dự thảo Luật có điều chỉnh yếu tố quản lý đầu tư cụ thể trong xây dựng để bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát là một đột phá mới. Đại biểu cho rằng pháp luật hiện hành về xây dựng chưa coi trọng vai trò của cơ quan chuyên môn trong việc thẩm định, góp ý nội dung thiết kế cơ sở, do vậy việc ban soạn thảo đưa vào dự thảo nội dung giao cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng của Nhà nước phải có trách nhiệm thẩm tra thiết kế cơ sở là phù hợp. Đại biểu đề nghị, ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi công trình xây dựng kém hiệu quả, chất lượng không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân.

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Luật cần quy định rõ loại và cấp công trình xây dựng để quản lý nhà nước cho hiệu quả bởi hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm rất nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhiều hình thức đầu tư. Đại biểu cũng đề nghị cần thống nhất phân cấp quản lý nhà nước đối với quy hoạch vùng, đô thị, quy hoạch chức năng đặc thù, quy hoạch nông thôn và bổ sung quy định về quy hoạch các tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế công trình, bởi trên thực tế, việc quản lý các tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế còn nhiều bất cập.

Đặt vấn đề quy hoạch kém chất lượng, trách nhiệm thuộc về ai, đại biểu Lê Trọng Sang (thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ dự thảo Luật không có quy định nào về tiếp thu ý kiến cộng đồng, thậm chí người dân có ý kiến khác đối với đồ án quy hoạch, cũng không nhận được trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan có trách nhiệm. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung những điều khoản cần thiết để ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức liên quan, quy định rõ vai trò của các tổ chức quản lý độc lập, cơ quan độc lập trong thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng để bảo đảm tính khách quan; ban hành quy chế giám sát quy hoạch xây dựng để bảo đảm quy hoạch xây dựng có tính khả thi, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời những quy hoạch xây dựng không phù hợp, kém chất lượng.

Chiều cùng ngày, với 84,14% số phiếu đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tiếp công dân. Như vậy, Luật tiếp công dân gồm 9 chương, 36 điều, quy định rõ về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân. Luật tiếp công dân cũng quy định cụ thể về việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.

Hôm nay, 26-11-2013, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi); buổi chiều, biểu quyết thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

 

Chia sẻ bài viết