24/11/2009 - 09:55

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Thông qua 5 dự án luật

* Cần sớm ban hành Luật An toàn thực phẩm

Sáng 23-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành 5 dự án Luật: Luật Người cao tuổi; Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật viễn thông; Luật tần số vô tuyến điện và Luật dân quân tự vệ.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật người cao tuổi về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng để đảm bảo tính khả thi và tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu thì phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định về người cao tuổi là công dân Việt Nam là phù hợp. Người cao tuổi là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước ta gặp khó khăn thực sự trong cuộc sống thì tùy trường hợp cụ thể sẽ được chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, cá nhân giúp đỡ theo truyền thống kính trọng, giúp đỡ người cao tuổi, song không nên quy định trong Luật vấn đề này. Về việc xác định độ tuổi người cao tuổi, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng theo quy định hiện hành thì tuổi nghỉ hưu không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi mà còn phụ thuộc vào một số tiêu chí khác như ngành, nghề, điều kiện làm việc, sức khỏe... ví dụ như một số nhóm liên quan đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ hưu sớm hơn. Do vậy không thể đồng nhất tuổi nghỉ hưu với tuổi xác định người cao tuổi, nếu lấy tuổi nghỉ hưu làm tiêu chí xác định người cao tuổi là không phù hợp. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, xin đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật là: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010.

Đối với Luật khám bệnh, chữa bệnh, về quy định cấm cán bộ công chức, viên chức tham gia thành lập, điều hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng:Việc quy định chỉ cấm cán bộ công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư hoặc các cơ sở khám chữa bệnh ( KCB) được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã là phù hợp với quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Luật cán bộ, công chức. Quy định như vậy, cán bộ, công chức, viên chức y tế được phép thành lập phòng khám tư và được phép làm việc ngoài giờ tại các cơ sở KCB tư theo hợp đồng, tạo điều kiện để tiếp tục sử dụng trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, đáp ứng nhu cầu KCB của cộng đồng dân cư, nhất là trong tình trạng sẽ còn một thời gian khá dài nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực y tế phục vụ cho công tác KCB1. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin được giữ khoản 13 Điều 6 như dự thảo Luật: “ Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước”.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2011.

Dự thảo Luật viễn thông, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) như quy định tại Dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật Viễn thông quy định chủ thể tham gia hoạt động viễn thông là tổ chức (bao gồm cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức khác), cá nhân tham gia hoạt động viễn thông. Luật Viễn thông không loại trừ việc tham gia của bất cứ tổ chức nào, kể cả hợp tác xã, nếu các tổ chức này đáp ứng được các quy định của Luật Doanh nghiệp. Do đó, tùy thực tế sẽ có hướng dẫn để chủ thể này có thể tham gia hoạt động viễn thông như các chủ thể khác.

Luật có hiệu lực thi hành 1-7-2010.

Đối với Luật tần số vô tuyến điện, về trách nhiệm quản lý Nhà nước (điều 5) và cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện đã được Ủy ban Thường vụ giải trình cho biết dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông kèm theo những nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể. Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Quản lý tần số vô tuyến điện là lĩnh vực đòi hỏi tính thống nhất cao, không thể chia cắt về nghiệp vụ và địa giới hành chính, đồng thời có tính quốc tế cao, đòi hỏi cần có cơ quan quản lý chuyên ngành. Xuất phát từ thực tế, cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện đã được Chính phủ thành lập hơn 16 năm nay và đang hoạt động theo Quyết định số 88/2008/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Việc quy định cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện trong Luật chỉ là quy định chung nhằm khẳng định vị trí pháp lý ổn định của cơ quan này, minh bạch trong quan hệ quốc tế, còn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sẽ được quy định tại văn bản mang tính pháp quy do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Luật có hiệu lực thi hành 1-7-2010.

Luật Dân quân tự vệ, về độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình - Điều 9, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vấn đề đã được nêu ra trong suốt quá trình soạn thảo dự án Luật và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp này. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật là: “Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình: Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện phục vụ trong lực lượng Dân quân tự vệ thì có thể đến 50 tuổi đối với nam, đến 45 tuổi đối với nữ”.

Luật có hiệu lực thi hành 1-7-2010.

* Chiều 23-11, Quốc hội làm việc tại tổ góp ý kiến vào dự thảo Luật An toàn thực phẩm (ATTP), tập trung vào các nội dung phạm vi điều chỉnh; quản lý nhà nước về ATTP; thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; công tác kiểm tra ATTP; thực phẩm biến đổi gen...

Các đại biểu Trần Đông A, Huỳnh Thành Lập (TP Hồ Chí Minh), Trần Thanh Nam (Bình Dương) và nhiều đại biểu khác nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật ATTP để có các giải pháp mạnh, đồng bộ khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm ATTP thời gian qua. Việc ban hành Luật sẽ góp phần điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến ATTP..., nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm. Công tác đảm bảo ATTP là vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng, về bảo vệ môi trường và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam.

Đại biểu Trần Đông A và một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên điều chỉnh cả sản phẩm khai thác ngoài tự nhiên, vì ở nước ta việc ngộ độc từ nguyên nhân sử dụng thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên còn cao, để vừa bảo đảm ATTP, vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông lâm thủy sản. Một số đại biểu tán thành việc quản lý xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, tránh việc một cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nhiều cơ quan quản lý nhà nước vào thanh, kiểm tra, giảm bớt đầu mối các bộ tham gia vào công tác quản lý thực phẩm, phân cấp mạnh cho Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về ATTP.

Đối với việc quản lý bếp ăn tập thể, các đại biểu cho rằng, hiện nay, tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn tại bếp ăn tập thể, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp vẫn có chiều hướng gia tăng, vì vậy, trong dự thảo Luật cần quy định quản lý ATTP đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm ATTP. Một số đại biểu đề nghị cần có điều khoản quy định về bếp ăn tập thể trong trường học... Các đại biểu cũng cho rằng nên quy định bếp ăn tập thể phải có chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm về độ an toàn của bữa ăn.

QUỲNH HOA-BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết